EPS đạt 10.000 - 20.000 đồng
Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp có EPS cao nhất trên 2 sàn niêm yết vẫn là những cái tên quen thuộc như Công ty cổ phần Bến xe Miền Tây (WCS), Công ty cổ phần Coteccons (CTD), Công ty cổ phần Tư vấn điện lực 2 (TV2)…, nhưng thứ bậc xếp hạng có sự thay đổi đáng kể.
Giữ ngôi vị quán quân về EPS đang là Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (SLS). Niên độ tài chính của doanh nghiệp này bắt đầu từ ngày 1/7 và kết thúc vào ngày 30/6 năm sau. Trong quý I niên độ hiện tại (từ 1/7 đến 30/9), LSS có sự đột biến trong hoạt động kinh doanh khi lợi nhuận sau thuế tăng 43% so với cùng kỳ năm 2016, EPS đạt 3.706 đồng; lũy kế 3 quý gần nhất đạt xấp xỉ 20.000 đồng.
Giữ vị trí thứ hai trong danh sách EPS khủng của năm 2017 là Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 2 (TV2). Quý III/2017, lợi nhuận sau thuế của TV2 đạt 83,8 tỷ đồng, tăng 129,6% so với cùng kỳ năm 2016; lũy kế 9 tháng tăng 114% (trong khi doanh thu tăng 61%). Kết quả, EPS 9 tháng tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2016, đạt 19.087 đồng.
EPS của WCS giảm từ vị trí thứ hai trong 9 tháng năm 2016 xuống vị trí thứ ba trong 9 tháng năm 2017, dù lợi nhuận sau thuế tăng 9,5%.
Với CTD, lợi nhuận sau thuế tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 1.190 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2017, nhưng áp lực pha loãng từ các đợt tăng vốn cũng như phát hành riêng lẻ cuối năm 2016 khiến EPS giảm 24,4%, chỉ còn 14.703 đồng. Theo đó, vị trí của CTD trong bảng xếp hạng EPS giảm xuống thứ tư so với ngôi vị quán quân cùng kỳ năm trước.
Trong các doanh nghiệp có EPS cao nhất thị trường, CTD, Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL), Công ty cổ phần Vicostone (VCS), Công ty Cổ phần Phú Tài (PTB), SLS được coi là những đơn vị hàng đầu trong ngành, có lợi thế cạnh tranh so với đối thủ; còn Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng (MAS), Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (NCT), TV2 thì có lợi thế riêng nhờ hoạt động trong lĩnh vực, địa bàn kinh doanh khá đặc thù, chỉ một số ít doanh nghiệp có “gốc” là doanh nghiệp nhà nước mới có thể đặt chân vào, nên áp lực từ các đối thủ cạnh tranh hầu như không đáng kể.
Sau 3/4 chặng đường của năm 2017, VCS và WCS đã hoàn thành vượt 80% kế hoạch lợi nhuận mà Đại hội đồng cổ đông đề ra. Tại TV2, doanh nghiệp này vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 9 tháng. Với SLS, 54% chỉ tiêu lợi nhuận niên độ tài chính mà Đại hội đồng cổ đông giao phó đã được hoàn thành chỉ sau 1 quý.
Trong bối cảnh các điều kiện kinh doanh duy trì thuận lợi, cùng những lợi thế sẵn có, hầu hết doanh nghiệp trong danh sách EPS cao đều được dự báo sẽ duy trì tăng trưởng lợi nhuận, cũng như EPS trong quý còn lại của năm 2017.
… nhưng cổ phiếu có thanh khoản thấp
Sức hấp dẫn tại các cổ phiếu có EPS cao là khó có thể phủ nhận khi đa số doanh nghiệp tốp đầu đều ghi dấu ấn với kết quả kinh doanh hiệu quả. Các công ty đạt EPS cao qua nhiều năm cũng là những doanh nghiệp có cơ cấu tài chính mạnh, vay nợ thấp, dòng tiền mặt dồi dào, tỷ lệ cổ tức lớn.
Vậy nhưng, tính thanh khoản của nhiều cổ phiếu không cao và không phải mã nào cũng tăng giá. Trong 9 tháng đầu năm 2017, nếu như CTD, VCS, SLS, RAL, những doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng tốt, giá tăng mạnh, đem lại lợi nhuận vượt trội so với mặt bằng chung mà VN-Index và HNX-Index là đại diện, thì ở chiều ngược lại, cổ phiếu WCS, TV2 lại giảm giá, dù kết quả kinh doanh vẫn tăng trưởng.
Thực tế, đặc điểm chung của các doanh nghiệp có EPS cao “ngất ngưởng” là thị giá nằm trong Top cao nhất thị trường. Thị giá cao khiến lợi suất cổ tức (tỷ lệ cổ tức trên thị giá) trở nên kém hấp dẫn. Tính từ đầu năm 2017, tỷ lệ chi trả cổ tức cho năm 2016 và tạm ứng năm 2017 của MAS là 116%, tương đương 11.600 đồng/cổ phiếu, nhưng so với thị giá trên 90.000 đồng/cổ phiếu, lợi suất cổ tức của MAS là 12,6%. Với những doanh nghiệp khác, tỷ lệ này thấp hơn nhiều, chẳng hạn SLS là 3,5%, RAL là 3,2%.
Lợi suất cổ tức thấp, lợi nhuận của nhà đầu tư sẽ phụ thuộc vào mức tăng giá của cổ phiếu. Nếu giá những cổ phiếu này đã phản ánh kết quả lợi nhuận của doanh nghiệp trong quá khứ, cũng như kỳ vọng lợi nhuận tương lai, thì khi tốc độ tăng trưởng lợi nhuận thực tế sụt giảm hoặc không như kỳ vọng, giá cổ phiếu rất dễ bị áp lực điều chỉnh.
Ngoài ra, các công ty có EPS cao không đồng nghĩa với vốn hóa lớn. Vốn hóa của những doanh nghiệp tốp đầu như RAL, Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương (NSC) là hơn 1.600 tỷ đồng; SLS, TV2 trên dưới 1.000 tỷ đồng; con số này tại MAS, WCS chưa đến 400 tỷ đồng, dù thị giá hầu hết các mã này ở mức trên 100.000 đồng/cổ phiếu. Bởi lẽ, đa số doanh nghiệp có vốn điều lệ thấp, tương ứng với khối lượng cổ phiếu nhỏ và có cơ cấu cổ đông lớn “cô đặc”, hạn chế sự gia tăng thanh khoản.
Thống kê thanh khoản bình quân 30 phiên gần nhất của Top 10 cổ phiếu có EPS “khủng” 9 tháng đầu năm cho thấy, PTB đạt 155.000 đơn vị/phiên; CTD, VCS và PTB đạt trên 100.000 đơn vị/phiên; 5 mã khác có thanh khoản trên dưới 10.000 đơn vị/phiên, thậm chí WCS nhiều phiên chỉ có vài trăm đơn vị được khớp lệnh.
Vốn hóa nhỏ, thanh khoản thấp một mặt hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư lớn, bởi khó khăn trong giải ngân cũng như thoái vốn, mặt khác ảnh hưởng đến nguồn tiền cho vay giao dịch ký quỹ.
Chuyên viên quản trị rủi ro tại một công ty chứng khoán cho biết, khi xét duyệt tỷ lệ cho vay tại bất cứ cổ phiếu nào, yếu tố đầu tiên nhìn vào là thanh khoản. Dù doanh nghiệp có doanh thu, lợi nhuận tốt đến đâu mà cổ phiếu kém thanh khoản thì cổ phiếu đó vẫn khó có thể được cho vay, nếu có cũng rất thấp, bởi yếu tố thanh khoản quyết định khả năng thu hồi vốn của công ty chứng khoán khi xảy ra những biến động bất thường.
Bên cạnh đó, vốn điều lệ thấp là nguyên nhân khiến EPS bị đẩy lên cao khi ghi nhận những khoản thu nhập đột biến, bất thường. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp (ICC) có vốn điều lệ 38 tỷ đồng, tương đương 3,8 triệu cổ phiếu. Trong năm 2016, ICC ghi nhận lợi nhuận từ bán căn hộ tại Chung cư N04 Trần Duy Hưng, giúp lợi nhuận sau thuế đột biến lên 160 tỷ đồng; EPS đạt 42.157 đồng, gấp 3 lần năm 2015. Trong khi đó, doanh thu từ hoạt động xây lắp - lĩnh vực truyền thống là 174 tỷ đồng, giảm 57% so với năm 2015.
EPS khủng đến từ hoạt động kinh doanh chính là yếu tố tích cực, nhưng nếu đến từ các thu nhập bất thường sẽ khiến doanh nghiệp khó duy trì tăng trưởng, thậm chí ảnh hưởng đến tính ổn định, bền vững trong tương lai.
EPS là tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và lựa chọn cổ phiếu của nhà đầu tư. Thực tế cho thấy, 6/10 mã có EPS cao trên TTCK có sức tăng giá chiến thắng thị trường (VN-Index tăng 25%) kể từ đầu năm. Tuy nhiên, bên cạnh EPS, cần xem xét nhiều yếu tố khác như dòng tiền, cơ cấu tài chính, các kế hoạch đầu tư, triển vọng kinh doanh…, qua đó có cái nhìn toàn diện, làm cơ sở đánh giá tính bền vững của doanh nghiệp, hạn chế rủi ro khi đầu tư.