Chọn cổ phiếu “có câu chuyện”

Chọn cổ phiếu “có câu chuyện”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Rủi ro ngắn hạn của thị trường vẫn tồn tại, do đó, việc tập trung vào theo dõi sự chuyển động của dòng tiền và chọn lựa cổ phiếu có tiềm năng, có câu chuyện thúc đẩy tăng giá là một chiến lược sáng suốt.

VN-Index vừa trải qua một tuần đầy khó khăn, với mức giảm lên tới 34 điểm (-2,8%) và kết thúc tuần tại mức 1.193,05 điểm. Trên biểu đồ ngày, VN-Index đã thử thách lại mức kháng cự ở khoảng đỉnh cũ 1.245 - 1.255 điểm nhưng không thành công. Áp lực càng gia tăng qua từng phiên, đặc biệt sau khi phá vỡ ngưỡng 1.200 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền trên thị trường vẫn duy trì, với sự xuất hiện của lực cầu mạnh mẽ trong vùng giá 1.200 (+/-10) điểm. Điều này đã hỗ trợ cho việc VN-Index đóng cửa tạo nến đuôi dài rút chân trong phiên giao dịch cuối tuần.

Thị trường vẫn duy trì xu hướng tăng trung hạn và chúng ta có thể kỳ vọng VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy trong biên độ rộng từ 1.170 - 1245 điểm trong giai đoạn tới. Nếu VN-Index xuyên thủng ngưỡng 1.170 điểm, mức hỗ trợ tiếp theo tại 1.130 - 1.150 điểm có thể giúp thị trường ổn định.

Với rủi ro ngắn hạn vẫn tồn tại và sự phân hóa mạnh mẽ của dòng tiền, việc tập trung vào theo dõi sự chuyển động của dòng tiền và chọn lựa cổ phiếu có tiềm năng, có câu chuyện thúc đẩy tăng giá là một chiến lược sáng suốt trong giai đoạn hiện tại, với mục tiêu định hình cho cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

Tiêu điểm đầu tư: Bất động sản công nghiệp

Trong vài thập kỷ gần đây, Trung Quốc đã nổi lên như một trung tâm sản xuất quốc tế. Sau đại dịch Covid-19, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã nhận ra rằng, việc tập trung sản xuất tại một quốc gia mang theo rủi ro lớn đối với chuỗi cung ứng. Kết hợp với thời gian cần thiết để thiết lập các dây chuyền sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu lập kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong mạng lưới sản xuất của họ với tầm nhìn dài hạn hơn. Xu hướng này được thúc đẩy bởi một số yếu tố khác, bao gồm chi phí lao động gia tăng và căng thẳng trong thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Có nhiều đích đến đối với các tập đoàn đa quốc gia, trong đó có Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Bangladesh và Việt Nam. Xu hướng này đã bắt đầu nở rộ từ năm 2022 và kỳ vọng sẽ gia tăng trong năm 2024.

Việt Nam, với vị trí địa lý thuận lợi là gần Trung Quốc, đang được Chính phủ hướng đến để thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện Chính phủ đang tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông quan trọng, đưa ra các chính sách ưu đãi và tạo môi trường thích hợp cho các doanh nghiệp nước ngoài. So với Trung Quốc, Việt Nam đang có chi phí lao động tương đối thấp. Hơn nữa, Việt Nam đã có lịch sử thu hút đầu tư thành công từ các tên tuổi lớn như Samsung, LG, Intel, Nike và nhiều công ty khác, đã đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất tại đây trong quá khứ.

Trong giai đoạn nửa đầu năm 2023, nhiều khu công nghiệp mới đã được hoàn thiện hạ tầng và sẵn sàng cho thuê, giúp giảm tỷ lệ lấp đầy của toàn ngành xuống dưới 80%, tạo ra sự hấp dẫn đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn.

Nhiều dự án mới dự kiến sẽ cam kết đầu tư vào Việt Nam trong tương lai, như LG với 4 tỷ USD và Foxconn với 300 triệu USD. Những cam kết đầu tư này không chỉ tạo cơ hội việc làm và tăng cường sự phát triển kinh tế trong nước, mà còn góp phần củng cố vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thêm vào đó, mức độ đô thị hóa tương đối thấp ở Việt Nam tạo cơ hội thu hút nguồn nhân lực đối với các cụm công nghiệp đang phát triển. Hiện nay, có nhiều khu công nghiệp đang được lập kế hoạch và phát triển xung quanh hai trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội và TP.HCM. Sự phát triển của hai cảng biển nước sâu ở Hải Phòng và Vũng Tàu cũng tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực vận chuyển và logistics. Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản công nghiệp có thể hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất toàn cầu. Ở miền Bắc, KBC được đánh giá là có quỹ đất lớn và sẵn sàng cho thuê. Ở miền Nam, SZC, NTC và IDC là những doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp nổi tiếng với quỹ đất sạch lớn, nằm ở vị trí kết nối thuận tiện với nhiều tuyến giao thông chính.

Tin bài liên quan