Đối với DN dệt may, điều cổ đông và nhà đầu tư quan tâm hiện nay là năng lực sản xuất và số lượng đơn hàng xuất khẩu của các DN. Một số DN dệt may đang niêm yết có thể kể đến như CTCP Thương mại TNG (TNG), CTCP Dệt may Thành Công (TCM), CTCP May Sài Gòn (GMC)…
Trong báo cáo phân tích mới đây, CTCK FPT (FPTS) cho rằng, các thị trường xuất khẩu của TCM đều được hưởng lợi do thuế suất giảm khi các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia có hiệu lực, trong đó, mức thuế hàng dệt may giảm từ 12% về 0% (FTA EU-Việt Nam) và từ mức 17% về 0% ở thị trường Mỹ (đối với TPP).
Trong khi đó, hiện các nhà máy của TCM đang hoạt động với công suất gần như tối đa, nên Công ty đã lên kế hoạch mở rộng nhà máy. Vì thế, FPTS ước tính, năm 2015, TCM sẽ đạt doanh thu 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 185 tỷ đồng; đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư nên nắm giữ cổ phiếu TCM để chờ cơ hội mới. 6 tháng đầu năm, TCM đạt doanh thu 1.340 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 86 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, nhóm cổ phiếu dệt may cũng không nằm ngoài xu hướng giảm chung của thị trường. Báo cáo phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC) chỉ ra rằng, những phản ứng tiêu cực có phần thái quá của thị trường đối với thông tin đàm phán TPP có thể sẽ mở ra cơ hội mua giá thấp cho những nhà đầu tư trung và dài hạn.
Các DN này vẫn đang có những bước phát triển mới. Cụ thể, TNG vừa vận hành giai đoạn 1 Nhà máy Đại Từ, công suất 35 dây chuyền may trong tháng 2; TCM cũng đã đưa vào hoạt động Nhà máy Vĩnh Long với công suất 9,6 triệu sản phẩm/năm tại Khu công nghiệp Hòa Phú, Vĩnh Long; trong khi GMC đang có kế hoạch nâng công suất Nhà máy An Phú (Hóc Môn) từ 15 dây chuyền lên 17 dây chuyền vào năm 2016 và lên 18 dây chuyền trong 2018; Nhà máy Hà Lam cũng có thể mở rộng công suất lên 16 dây chuyền (+50%) trong năm nay và lên 20 dây chuyền trong 3 năm tới. Công suất mở rộng sẽ cho phép DN nắm bắt sự tăng trưởng về nhu cầu ở các thị trường nhập khẩu hàng dệt may ngay cả khi TPP bị trì hoãn. Trong trường hợp TPP sớm được ký kết trong năm nay, thì đây sẽ là cơ hội lớn đối với các DN trong ngành.
Tương tự, nhóm DN ngành thủy sản – một trong những nhóm ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn trong tổng sản lượng sản xuất, nên cũng sẽ chịu ảnh hưởng khi các FTA Việt Nam tham gia được ký kết và thực thi.
Báo cáo phân tích ngày 7/9 của CTCK SSI cho rằng, HVG là DN chịu rủi ro lớn khi tỷ giá biến động, nhưng lại có tiềm năng rất lớn từ các FTA, đặc biệt là TPP. Cụ thể, những dự án trang trại nuôi trồng thủy sản mới của HVG sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2016, qua đó gia tăng sản lượng và năng suất của Công ty.
Bên cạnh đó, giá bột đậu nành sẽ được giữ ở mức thấp trong tương lai do nguồn cung tăng mạnh, giúp HVG giảm chi phí nuôi trồng thủy sản và thúc đẩy ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi. SSI khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ HVG dựa trên tiềm năng tăng trưởng của Công ty.
Theo dự báo của Hiệp hội Xuất nhập khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), các DN ngành thủy sản Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều từ các FTA hơn là TPP.
Giới phân tích đánh giá cao những DN có vùng nuôi lớn và khả năng tự cung ứng tốt như VHC (tự cung ứng 65% nhu cầu nguyên liệu), HVG (65 - 70%) và FMC (10% và dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên 19%). Đây là những DN có kế hoạch nâng cao khả năng tự chủ vùng nuôi cũng như đầu tư mở rộng khả năng sản xuất và tăng giá trị gia tăng cho các sản phẩm.
Hiện thủy sản Việt Nam xuất khẩu tới khoảng 170 thị trường, trong đó 3 thị trường chính là Mỹ, EU và Nhật Bản chiếm hơn 60% kim ngạch xuất khẩu.