Việc hợp nhất với AAS sẽ giúp Haseco xử lý được khoản lỗ lũy kế khủng

Việc hợp nhất với AAS sẽ giúp Haseco xử lý được khoản lỗ lũy kế khủng

Chọn “cái chết” nhẹ nhàng cho Chứng khoán Á – Âu

(ĐTCK) Trái ngược với thương hiệu hoành tráng Chứng khoán Á - Âu (AAS) là thực lưc Công ty chỉ còn chưa đầy 1,4 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. AAS sẽ hợp nhất với “anh bạn” Haseco đang có lỗ lũy kế lớn, để một bên được ra đi nhẹ nhàng, một bên được xóa lỗ, làm lại từ đầu.

ĐHCĐ bất thường của Chứng khoán Hải Phòng (Haseco) và Chứng khoán Á - Âu (AAS) tổ chức cùng ngày 12/9 vừa qua đã thông qua phương án hợp nhất giữa hai công ty này. Thực ra, Đề án hợp nhất với AAS đã được ĐHCĐ thường niên 2015 của Haseco thông qua hồi đầu năm. Theo đề xuất của HĐQT Haseco, việc hợp nhất “nhằm đẩy nhanh quá trình lành mạnh hóa tình hình tài chính, tạo dựng một nền tảng tài chính mới, gia tăng quy mô hoạt động của Công ty”.

Theo phương án hợp nhất, Công ty hợp nhất sẽ vẫn mang tên CTCP Chứng khoán Hải Phòng, tiếp nhận các tài sản và nghĩa vụ của hai công ty cũ. Theo đó, vốn điều lệ của công ty hợp nhất sẽ là tổng giá trị tài sản ròng của hai công ty, 291,4 tỷ đồng. Tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu được chốt lại là: cứ 1.000 cổ phần Haseco được nhận 731 cổ phần của công ty hợp nhất, 1.000 cổ phần AAS nhận 39 cổ phần công ty hợp nhất. 

AAS là CTCK có quy mô vốn rất nhỏ trên thị trường, với vốn điều lệ 35 tỷ đồng, cung cấp dịch vụ môi giới, tư vấn đầu tư, lưu ký chứng khoán. Thua lỗ triền miên, khiến khoản vốn điều lệ của Công ty teo tóp dần. Hoạt động của AAS chỉ cầm chừng cho tới khi bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đặt Công ty vào tình trạng kiểm soát đặc biệt từ ngày 15/10/2014. Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đã có công văn về việc ngừng hoạt động giao dịch với Công ty kể từ ngày 25/5/2015 để thực hiện chấm dứt tư cách thành viên bắt buộc và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cũng có công văn ngày 8/6 về việc ngừng cung cấp dịch vụ đăng ký, lưu ký, thanh toán bù trừ chứng khoán đối với CTCK Á Âu kể từ ngày 9/6/2015. Vốn chủ sở hữu của Công ty tại ngày 30/6/2015 còn chưa đầy 1,4 tỷ đồng.

Như vậy, quy mô vốn của Haseco sau hợp nhất với AAS gần như không thay đổi so với trước khi hợp nhất. AAS lâu nay chỉ còn là một cái tên và cái tên đó cũng sẽ biến mất khi việc hợp nhất được hoàn tất.

Vì sao Haseco lại hợp nhất với một CTCK hầu như chỉ còn cái vỏ như AAS? Haseco được gì trong thương vụ hợp nhất này?

Tại thời điểm cuối tháng 6/2015, Haseco có khoản lỗ lũy kế lên tới 212 tỷ đồng, chiếm quá nửa vốn điều lệ  401,306 tỷ đồng. Thương vụ hợp nhất sẽ giúp Haseco xóa được khoản lỗ lũy kế, trở thành một pháp nhân mới có bảng cân đối kế toán sạch, đúng như mục tiêu “lành mạnh hóa tình hình tài chính, tạo dựng một nền tảng tài chính mới” trong Đề án hợp nhất mà HĐQT trình ĐHCĐ Công ty thông qua.

Nhưng kế hoạch hợp nhất với AAS có thực sự mở ra một trang mới trong lịch sử hoạt động của Haseco lại là câu chuyện khác.

Quy mô vốn ở mức trung bình so với các doanh nghiệp cùng ngành, nhưng quy mô doanh thu của Công ty lại ở mức rất thấp. Năm 2014, trong bối cảnh TTCK khá sôi động, Haseco đạt doanh thu 42,8 tỷ đồng (trong đó doanh thu hoạt động môi giới đạt 17,8 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế 18 tỷ đồng. Năm 2015, Haseco đặt kế hoạch doanh thu 45 tỷ đồng, lợi nhuận 20 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm nay, Haseco chỉ đạt 17 tỷ đồng doanh thu, sụt giảm so với con số gần 21 tỷ đồng cùng kỳ năm 2014; lỗ 9,65 tỷ đồng. Cổ phiếu của Haseco niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội hiện quanh mức giá 3.000 đồng/CP.

Nghiệp vụ môi giới của Haseco sụt giảm mạnh doanh thu 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ 2014, chỉ đạt 3,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là 9,558 tỷ đồng. HPC vẫn nằm trong số 70 CTCK trên thị trường chia nhau 34,8% thị phần môi giới trên HOSE và trên 40% thị phần môi giới trên HNX trong quý II/2015. Dịch vụ môi giới của Công ty còn nhiều hạn chế như HĐQT Haseco từng thừa nhận trong Báo cáo thường niên 2014: “Số lượng NĐT nhỏ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số nhà đầu tư tham gia giao dịch, Công ty chưa xây dựng tiêu chí phân loại khách hàng để có chính sách phục vụ cho phù hợp”. Hoạt động đầu tư chứng khoán, góp vốn trong 6 tháng đầu năm nay cũng chỉ mang lại doanh thu 5,167 tỷ đồng; trong khi các mảng tư vấn, lưu ký có doanh thu rất khiêm tốn.

Trên nền một CTCK yếu, việc hợp nhất với một CTCK chỉ còn 1,4 tỷ đồng vốn như AAS, mục tiêu “gia tăng quy mô hoạt động” mà Haseco đặt ra là điều mà nhiều cổ đông, nhà đầu tư chưa tin tưởng.

Haseco - AAS là “cặp đôi” CTCK thứ ba hợp nhất trên thị trường, sau trường hợp MBS và VITS (năm 2013), CTCK Quốc tế (VIS) - CTCK Đại Tây Dương (OSC). Gác lại bài toán “ngày mai sẽ ra sao” của Haseco, thì thương vụ hợp nhất này không chỉ giúp Công ty xử lý được khoản lỗ lũy kế “khủng”, mà còn giúp AAS “ra đi” một cách nhẹ nhàng nhất, cũng như giúp quá trình tái cấu trúc ngành chứng khoán tiến thêm một bước sau một giai đoạn khá trầm lắng. 

Tin bài liên quan