Ngày 27/12 tới, Danh mục Điều kiện đầu tư cho nhà đầu nước ngoài sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố công khai trên Cổng thông tin Quốc gia về đầu tư nước ngoài, đúng thời điểm có hiệu lực của Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Đây là cam kết của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh với cộng đồng doanh nghiệp tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2015 vào đầu tháng 12 vừa qua.
“Đây là công việc rất khó, sẽ chuyển từ cách chọn - cho, nghĩa là cho làm gì thì ghi trong luật, không ghi thì đi hỏi xem có được làm không, sang chọn - bỏ, chỉ có luật pháp mới hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Nhưng chúng tôi sẽ làm, vì cơ chế này tạo nên sự minh bạch, đúng kỳ vọng của nhà đầu tư, doanh nghiệp”, Bộ trưởng Vinh thẳng thắn trao đổi tại VBF 2015.
Ông cũng không dấu diếm những thách thức mà ông và các đơn vị thực thi đang và sẽ còn phải đối mặt để thực hiện cam kết này.
Phải nhắc lại, ngay sau khi Luật Đầu tư được Quốc hội thông qua, phần việc này đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao cho Cục Đầu tư nước ngoài và vụ Pháp chế phối hợp thực hiện. Kế hoạch là hoàn tất cùng thời điểm Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực (1/7/2015). Mục tiêu rất rõ ràng là tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư.
Song, vướng mắc nằm ở chỗ, nhiều quốc gia, các hiệp định thương mại chưa áp dụng nguyên tắc chọn - bỏ, như WTO áp dụng nguyên tắc chọn - cho, nên việc phân loại, bóc tách để công bố được danh mục điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài mất rất nhiều thời gian.
Đặc biệt, giữa các cam kết và thực tế đang có một số khác biệt như ngành Việt Nam đang muốn khuyến khích đầu tư giai đoạn này nhưng lại bị hạn chế bởi các điều ước đã ký trước đó, việc thay đổi không hề dễ. Đó là chưa kể tên một số ngành, nghề có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài chưa thống nhất giữa quy định của pháp luật Việt Nam và các cam kết quốc tế…
Trong quy định của pháp luật Việt Nam thì hầu hết luật chuyên ngành đang áp dụng nguyên tắc chọn - cho, khác với hướng tiếp cận mới của Luật Đầu tư. Hiện tại, nhiều bộ chuyên ngành vẫn đang phải tiếp tục hoàn tất nên phần công việc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư bị kéo dài.
Nhưng, các nhà đầu tư không thể đợi lâu hơn được. Liên tiếp trong hai kỳ VBF của năm 2015, đây là nội dung được nhắc đến nhiều lần. Đặc biệt, VBF giữa kỳ, diễn ra vào tháng 6/2015 có một báo cáo chuyên về nội dung này.
Tại VBF cuối kỳ 2015, Nhóm công tác đầu tư và thương mại cũng đã nhắc lại yêu cầu này vì “danh mục các điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài chưa được công bố nên trong thời gian qua, nhà đầu tư nước ngoài và cơ quan quản lý ở địa phương khá lúng túng trong quá trình thực hiện” - khuyến nghị của Nhóm công tác viết.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, đã thống nhất với các bộ, ngành theo hướng là cái gì minh bạch được ngay sẽ công khai trước, cái gì chưa rõ thì sẽ cập nhật sau. Như vậy, sau ngày 27/12 tới, khi Nghị định 118/2015/NĐ-CP có hiệu lực chính thức, các cơ quan đăng ký đầu tư sẽ dựa trên danh sách này để tiến hành các thủ tục cấp đăng ký chứng nhận đầu tư mà không cần phải xin ý kiến các bộ, ngành như hiện tại.
“Đây là nỗ lực rất lớn, dù có chậm, mong các bạn ủng hộ cho cố gắng này”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói với các nhà đầu tư.
Cũng phải nói thêm, đây là một trong số nhiều việc khó mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động chọn làm và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư dám cam kết để làm bằng được. Cũng tại VBF 2015, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đã tuyên bố nếu cơ quan đăng ký đầu tư yêu cầu nhà đầu tư sửa đổi hồ sơ hai lần trở lên thì nhà đầu tư có quyền khiếu nại và bộ trưởng sẽ xem xét, xử lý. Việc lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan cũng sẽ phải đúng nguyên tắc là quá thời gian quy định thì coi là đồng ý…
“Đây là chế tài để nhà đầu tư cũng như cơ quan đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh chủ động thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Sẽ không dễ thực hiện được ngay, nhưng Việt Nam kiên định xây dựng nhà nước pháp quyền, tôn trọng pháp luật thì sẽ phải tuân thủ nghiêm”, Bộ trưởng Vinh thẳng thắn nói.