Chọn cách để “tham lam”

Chọn cách để “tham lam”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Chọn kênh đầu tư, chọn thời điểm đầu tư thế nào trong môi trường kinh tế linh hoạt và nhiều biến số” không chỉ là chủ đề của cuộc tọa đàm mới được Báo Đầu tư tổ chức cuối tuần qua, mà có lẽ là băn khoăn chung của tất cả các nhà đầu tư.

Nhìn nhận bối cảnh của nền kinh tế Việt Nam hiện tại, dù những thách thức lạm phát, lãi suất tăng và thắt chặt tiền tệ vẫn hiện hữu, câu trả lời ghi nhận được từ các chuyên gia, từ các tổ chức đầu tư khá tương đồng, đó là có thể có nhiều kịch bản khác nhau, nhưng một kịch bản “không xấu” nhiều khả năng xảy ra nhất.

Tương quan giữa các nhận định này với mức chiết khấu khá lớn của các chỉ số chứng khoán Việt Nam so với mức đỉnh hồi cuối quý I/2022, “đã có thể tham lam” là gợi ý mà Đầu tư Chứng khoán đưa ra trong Tiêu điểm số báo này. Tuy nhiên, “tham lam đúng cách” sẽ quyết định khả năng chiến thắng, quyết định tỷ suất sinh lời của từng nhà đầu tư.

Quay trở lại kịch bản “không xấu” đề cập ở trên, các dự báo đưa ra là lãi suất cho vay có thể tăng thêm 1%, lạm phát tăng nhưng vẫn nằm quanh mốc 4%, thấp hơn so với tăng trưởng GDP. Tỷ giá sẽ tăng sau thời gian dài ổn định nhưng không gây xáo trộn nhiều với các doanh nghiệp.

Theo ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng OCB, việc lãi suất tăng thêm là vấn đề thực tiễn và khoa học để phù hợp với bối cảnh kinh tế mới.

Còn ông Thái Quang Trung, Phó giám đốc Đầu tư Khối quỹ mở cổ phiếu và trái phiếu Vinacapital cho rằng, việc thắt chặt tiền tệ có thể là một liều thuốc thử mạnh cho thị trường trong ngắn hạn, nhưng nếu thành công trong việc hài hòa các mục tiêu lạm phát/tỷ giá, thì thị trường nên đón nhận điều đó một cách tích cực.

Vì khi đó, tăng trưởng tín dụng sẽ được cởi trói, đi kèm với đó là tăng trưởng kinh tế và từ đó thị trường Việt Nam có thể đón dòng vốn ngoại mạnh mẽ hơn các thị trường khu vực.

Tâm lý thị trường, chủ đạo là tâm lý nhà đầu tư cá nhân đã vững vàng hơn, thể hiện rõ vào cuối tuần trước khi mà chỉ số lạm phát của Mỹ được công bố ở mức kỷ lục mới và gần như chắc chắn có một đợt tăng lãi suất của Fed ở phía trước nhưng thị trường vẫn dao động rất nhẹ nhàng.

Dòng tiền vẫn lựa chọn cổ phiếu có yếu tố hỗ trợ tốt để tham gia như nhóm cổ phiếu ngành chăn nuôi heo hưởng lợi khi giá heo tăng, hay nhóm khu công nghiệp hưởng lợi khi giải ngân FDI trong nửa đầu năm vẫn tăng 9%. Làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam vẫn đang diễn ra và FDI vẫn đang là một trụ cột của tăng trưởng.

Nhìn sang các nhóm ngành khác, dù không có yếu tố hỗ trợ chung cho cả ngành như thép, ngân hàng…, thì mặt bằng giá được đánh giá là rẻ, trong đó một số cổ phiếu có câu chuyện riêng đang được nhà đầu tư quan tâm.

Giàu chậm là từ ngữ ngắn gọn nhất được nhiều nhà đầu tư lâu năm sử dụng thời điểm này để nói về cơ hội trên TTCK. Cơ hội kiếm lời vẫn rất rõ ràng dù phải mất nhiều thời gian hơn, có thể là 1 cho đến 4 quý để cổ phiếu trong danh mục đạt mức lợi nhuận kỳ vọng tối thiếu 20%. Mức sinh lời này có thể kiếm được trên thị trường trước đây chỉ trong đơn vị thời gian là tuần.

Thị trường đang thích nghi với với bối cảnh mới khi dòng tiền không còn dồi dào, các tin tức trên thị trường đa dạng và rủi ro cao hơn khi thông tin mỗi ngành và thông tin chung của thị trường tác động trái chiều nhau đến giá một mã chứng khoán.

Mặc dù dự đoán trước tỷ giá sẽ tăng nhưng khối ngoại vẫn mua ròng trong 3 tháng qua, trong khi bán ròng ở thị trường các nước trong khu vực. Thị trường Việt Nam đang được định giá rẻ trong khi tăng trưởng vẫn ở mức cao. Trong bối cảnh đó, dòng tiền thông minh bắt đầu tìm kiếm các cơ hội để tham lam và động thái đó đang trở nên rất có lý khi nhìn vào số liệu tăng trưởng cụ thể của nền kinh tế và doanh nghiệp.

Tin bài liên quan