Chơi vơi… cổ đông thiểu số

Chơi vơi… cổ đông thiểu số

(ĐTCK-online) Trong Báo cáo về môi trường kinh doanh 2007 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam bị tụt 6 bậc so với năm trước, xuống thứ 104 trên tổng số 175 nền kinh tế. Một trong mười tiêu chí đánh giá môi trường kinh doanh Việt Nam được WB đánh giá thấp, đứng thứ 170, là việc bảo vệ cổ đông thiểu số.

Cụ thể, theo WB, ở Việt Nam thiếu sự bảo vệ các cổ đông thiểu số chống lại sự lạm quyền của giám đốc trong sử dụng tài sản công ty. Vấn đề này đã được nêu ra, song với hàng loạt vụ việc cụ thể gần đây, dường như vẫn chưa có một dấu hiệu cải thiện nào trong việc bảo vệ cổ đông thiểu số.

Chưa bao giờ làn sóng tăng vốn điều lệ của các doanh nghiệp cả niêm yết và chưa niêm yết mạnh mẽ như thời điểm đầu năm nay. Trong cuộc đua ấy, dư luận đã "om xòm" chuyện một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần Vận tải Xăng dầu (VIPCO), Công ty cổ phần Bê tông Xuân Mai, Công ty cổ phần VITACO… làm trái luật. Cụ thể, các doanh nghiệp này đã có sự phân biệt đối xử giữa cổ đông lớn và cổ đông nhỏ về giá phát hành và tỷ lệ quyền mua cổ phiếu. Mặc dù vậy, phương án phát hành cổ phiếu mới vẫn được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông, do cổ đông thiểu số "thấp cổ, bé họng" không có đủ tỷ lệ biểu quyết để bác bỏ. Theo quy định, cổ đông có quyền bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình và có quyền yêu cầu công ty bồi thường nếu bị tổn hại về lợi ích. Thậm chí, cổ đông nhỏ có thể tự bảo vệ mình bằng cách kiện doanh nghiệp phát hành ra Toà án Kinh tế. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chưa có vụ việc nào được đưa ra phân xử, tạo ra tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp lợi dụng để trục lợi cho một nhóm cổ đông.

Trong khi vụ việc trên chưa hết tiếng ì xèo thì giới đầu tư lại một phen xôn xao về việc Ban lãnh đạo Công ty Quản lý quỹ VFM (đơn vị quản lý Quỹ đầu tư VF1) hai lần thay đổi giá phát hành chứng chỉ quỹ để tăng vốn của Quỹ VF1 từ 500 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Ngày 2/5, VFM thông báo điều chỉnh giá phát hành chứng chỉ quỹ VFMVF1 từ 33.164 đồng/chứng chỉ xuống 23.700 đồng/chứng chỉ. Trước phản ứng dữ dội của nhà đầu tư, chiều ngày 4/5, VFM lại quyết định giữ nguyên giá phát hành là 33.164 đồng/chứng chỉ. Sự bất nhất của VFM đã gây thiệt hại không nhỏ cho nhà đầu tư và cho thấy những yếu kém trong quản lý điều hành TTCK cũng như việc bảo vệ lợi ích nhà đầu tư của cơ quan quản lý. Đến nay, những nghi ngờ về việc có hay không sự lợi dụng kẽ hở luật pháp để trục lợi của một nhóm người trong vụ việc này vẫn còn âm ỉ trong giới đầu tư, làm sụt giảm lòng tin về tính công bằng, công khai và minh bạch của thị trường.

Mới đây nhất là việc Công ty cổ phần Bất động sản Hà Nội đứng ra huy động một lượng vốn khổng lồ từ nhiều cá nhân và pháp nhân để góp vốn thành lập Công ty cổ phần Bất động sản Lilama ( Lilama Land ). Quyền mua cổ phần của Lilama Land đã được các nhà đầu tư giao dịch trao tay trên TTCK tự do, với hy vọng sẽ được sở hữu một công ty bất động sản mà theo như "quảng cáo" là lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay. Đùng một cái, sáng 18/5, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) công bố chưa tổ chức bán cổ phiếu hoặc quyền mua cổ phiếu ra công chúng đối với Lilama Land . Đồng thời, Lilama tuyên bố không chịu trách nhiệm về bất kỳ giao dịch đăng ký góp vốn hoặc chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu nào có liên quan đến Lilama Land trước ngày Lilama có bố cáo thành lập doanh nghiệp. Điều gây hoang mang nhất đối với các nhà đầu tư là trong danh sách cổ đông sáng lập Lilama Land không có tên Công ty cổ phần Bất động sản Hà Nội.

Những sự việc kể trên đã bộc lộ những khoảng trống pháp lý trong việc bảo vệ cổ đông nhỏ. Dù được dư luận xới lên, nhưng do chưa có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước, nên dường như tất cả lại đi vào quên lãng, đổ dồn sự thua thiệt, rủi ro cho các nhà đầu tư nhỏ gánh chịu. Tất nhiên, khi các nhà đầu tư nhỏ còn "chơi vơi" như hiện nay, thì khó có thể nói môi trường kinh doanh của Việt Nam có sự đột phá trong đánh giá của các tổ chức nước ngoài.