Chơi hết… mùng

(ĐTCK) Ra Giêng ngày rộng tháng dài, thấy dòng người lũ lượt đổ về Chùa Hương, Yên Tử…, mà chạnh buồn cho cái hiu hắt của sàn chứng khoán. Không biết có phải vì thực tại khó khăn nên người ta tìm đến nơi linh thiêng để "ký thác" nỗi buồn, niềm vui, ước mơ, hy vọng, hay là tại cái tâm lý… "chơi hết mùng" còn nặng trong đầu óc người Việt. Thế nên, học theo các báo cáo khai xuân của nhiều CTCK, bạo gan mà nhận định rằng, chỉ khi nào hết lễ hội Tháng Giêng thì chứng khoán nhà mình may ra mới vào đà khởi sắc…

Dù nhắm mắt bình chọn cũng có thể cả quyết rằng, Việt Nam ta là một trong những đất nước có nhiều lễ hội nhất thế giới. Hãy thử tưởng tượng, theo thống kê của ngành chức năng, một năm cả nước có 8.902 lễ hội. Trung bình một ngày có 27 lễ hội suốt trong Nam, ngoài Bắc. Riêng tháng Giêng có 65 lễ hội mang tính quốc gia và được xếp hạng "Di sản văn hoá phi vật thể". Đó là chưa kể đến cả ngàn hội làng được khai lễ vào dịp đầu Xuân. Thế nên, cái câu "Tháng Giêng là tháng ăn chơi" có lẽ để vận vào những "ngày rộng, tháng dài" rong chơi đền này, phủ nọ…

Tết nhất vui vẻ, nhân ngấm một chút men rượu, có người cao hứng "sửa một tí" mấy câu ca dao quen thuộc mà đọc thầm: "Tháng giêng là tháng ăn chơi. Tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè. Tháng tư lẳng lặng mà nghe. Cái nghèo nó đến bên hè chói chang". Trong những ngày này, có người hiếu sự đã tổng kết rằng, cái không khí u trầm, tịch mịch có lẽ chỉ còn giữ được tại Chùa Bà Đanh, thuộc tả ngạn Sông Đáy, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam… Vốn dính chút đỉnh vào chứng khoán, lại có dịp la cà sàn này, xới nọ dịp đầu Xuân, mới thấy các sàn chứng khoán sao mà giống "Chùa Bà Đanh" trong những ngày lễ hội đến vậy.

Mà chẳng riêng gì dân đầu tư chứng khoán, những ngày đầu năm, "Lên chùa"! "Đi hội"! "Liên hoan" có lẽ là những cụm từ cửa miệng của nhiều người, nhiều giới. Nhất là năm nay, Tết Nguyên đán trùng vào 2 ngày nghỉ cuối tuần nên ngày Xuân càng được thể "kéo dài". Giới kinh doanh đi lễ vay tiền Bà Chúa Kho cầu tiền tài. Người cần cầu chức tước thì đi lễ khai ấn đền Trần. Công chức, giới làm việc văn phòng cũng tranh thủ dịp này để lên chùa cầu an, xin sao giải hạn… Giới đầu tư chứng khoán chắc cũng chẳng chịu "kém chị, kém em" trong cái khoản thành kính vay lộc, trả lễ. Chỉ có  thắc mắc rằng, không hiểu năm nay, dân chứng khoán nhà mình còn dám bạo gan vay mượn Bà Chúa Kho để tiếp tục trường kỳ kháng chiến nữa hay không? 

Bởi trong lúc mọi nhà vẫn đang rộn ràng đón Xuân sang thì một Tháng Giêng nóng bỏng đang tiếp tục phả hơi nóng rừng rực lên toàn thế giới. Bất chấp hàng nghìn tỷ đô, euro, bảng, yên, rúp, nhân dân tệ... được tung ra để cứu vãn các ngân hàng, các doanh nghiệp khỏi đổ bể; thuế suất, lãi suất được kéo xuống liên tục để kích cả cầu lẫn cung..., các nền kinh tế phát triển nhất vẫn lún sâu vào suy thoái, tốc độ tăng trưởng "thần kỳ" của các nền kinh tế mới nổi cũng bị kìm lại, hàng triệu người mất công ăn việc làm. Chứng khoán Mỹ, cả hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 đã có tháng Giêng tồi tệ nhất lịch sử, Dow giảm 8,8%, S&P giảm 8,6%; Nasdaq mất 6,4% trong tháng này…

Nhớ lại những ngày trước Tết, gặp lại bạn bè, ai cũng than thở, sao Tết đã thập thò ở ngoài cửa rồi mà chẳng thấy không khí gì cả. Thật ra hỏi là hỏi thế thôi, chứ câu trả lời thì cũng là điều "biết rồi, khổ lắm…". Đối với dân môi giới chứng khoán, chỉ riêng câu chuyện lương bổng Tết vừa rồi đã là một nỗi buồn khó nuốt, chưa nói đến việc ai mà chẳng gánh thêm một tí chút tự doanh. Người ta bảo, lúc buồn lấy việc làm vui, nhưng ra Giêng, nhà đầu tư còn "mải vui quên mất đường về", năm thì mười họa mới có cái lệnh bán, lệnh mua đẩy vào, thì sàn chứng khoán lạnh lẽo, hắt hiu là phải.

Chợt nhớ lại hai mùa xuân trước, cũng là Tết, là Xuân, nhưng sàn chứng khoán vẫn đầy "lửa" với sự nhiệt tình "bám sàn" của bà con. Còn Xuân này, sao thấy lạnh lẽo đến thế! Ngày giao dịch cuối tuần rồi, đảo qua gần chục CTCK, thấy sàn lạnh ngắt với hệ thống máy lạnh chạy vù vù, chẳng biết vì nhân viên văn phòng lãng phí điện năng hay tại quá ít hơi người???

Lại lan man một chút về lễ hội. Hôm rồi, xem cái phóng sự ảnh về cái chen lấn, bát nháo ở nơi Nam Thiên đệ nhất động mới thấy thương dân mình. Đàn bà, con trẻ kêu khóc như ri, bị chen lấn theo đúng nghĩa đen của cái từ "bẹp ruột". Nhớ lại cái điều người ta vẫn diễu một điểm du lịch rằng: "Chín tháng mài dao, ba tháng chém", ở đây gần trọn năm mài dao để chém có mấy ngày thì đủ biết dao búa sắc đến nhường nào. Ai đời, đò dọc đi có vài ba cây số vào động mà "phang" một triệu đồng một nhân mạng thì cái sự khổ ải, gian nan của dân ta khi về chốn linh thiêng cũng chẳng kém gì thầy trò nhà Đường Tăng về Tây Trúc thỉnh kinh...

Thấy thế lại chợt tiếc cho các CTCK, sao không có đơn vị nào nhanh ý mở một đại lý nhận lệnh di động ở những nơi đắc địa như vậy nhỉ? Dám chắc rằng, trong dòng người đổ về các lễ hội, cái tỷ lệ… thử vận may bằng các trò ném vòng cổ vịt, câu cá, đoán số, đoán chữ…, hoặc cao cấp hơn là đánh cờ, đánh tam cúc, tổ tôm, tứ sắc, bầu cua cá cọp (đa số là cờ bạc bịp)... chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Nếu có sàn chứng khoán ở đó, biết đâu cũng được thơm lây cái không khí náo nhiệt mở hàng đầu năm mà doanh số giao dịch được đẩy lên vùn vụt chứ chả chơi…