Cho ý kiến về kết quả giám sát bước đầu về thực thi Luật Quy hoạch

0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kết quả giám sát bước đầu về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Tiếp tục phiên họp thứ 8, sáng 17/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến kết quả giám sát bước đầu về chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.

Theo báo cáo của đoàn giám sát, đến thời điểm hiện nay, trong các quy hoạch cấp quốc gia (bao gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia) mới có quy hoạch sử dụng đất quốc gia và 4/38 quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt (14/38 quy hoạch ngành quốc gia đã lập xong, lấy ý kiến, trình thẩm định trong đó có 03 quy hoạch đã được tổ chức thẩm định xong; 1 quy hoạch đang trình thẩm định). Riêng Bộ Giao thông - Vận tải là đã được phê duyệt 4/5 quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực của mình.

Báo cáo cũng nêu rõ, đến thời điểm hiện nay, mới có quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức lập quy hoạch vùng theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Luật Quy hoạch và được Hội đồng thẩm định thông qua. Quy hoạch của 5 vùng còn lại đang trong quá trình lập quy hoạch. Theo báo cáo của Chính phủ, quy hoạch của 5 vùng dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 12/2022.

Về lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch tỉnh, đoàn giám sát cho biết, đến ngày 11/1/2022, có 2 quy hoạch tỉnh (Bắc Giang, Hà Tĩnh) đã được thẩm định và đang hoàn thiện hồ sơ quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. 3 quy hoạch tỉnh đã lập xong, trình thẩm định; 7 quy hoạch tỉnh đã gửi xin ý kiến và đang hoàn thiện để trình thẩm định. Dự kiến đến hết quý I/2022 sẽ có thêm nhiều quy hoạch tỉnh được lập xong và gửi xin ý kiến, trình thẩm định.

Theo kết quả giám sát, qua tổng hợp, rà soát báo cáo của các bộ và địa phương, những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai lập, thẩm định, quyết định/phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh chủ yếu do những bất cập liên quan đến nội dung các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản chỉ đạo, điều hành và các quy định pháp luật có liên quan.

Các quy định về đấu thầu lựa chọn tư vấn lập quy hoạch được ban hành trước khi Luật Quy hoạch và Luật Đầu tư công có hiệu lực, do vậy, chưa có sự đồng bộ giữa quy định của pháp luật đấu thầu, pháp luật về đầu tư công và pháp luật về quy hoạch.

Hạn chế nữa là một số quy định hướng dẫn thi hành hoặc văn bản chỉ đạo của một số Bộ về nội dung và trình tự, thủ tục lập quy hoạch chưa đồng bộ, thống nhất với tinh thần đổi mới của Luật Quy hoạch và không phù hợp với nguyên tắc sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh có quy định liên quan đến quy hoạch đã được Quốc hội khóa XIV thông qua (đất đai; tài nguyên nước; điện; công nghiệp; khoa học và công nghệ) đã khiến các địa phương gặp nhiều lúng túng trong quá trình lập quy hoạch tỉnh do không xác định được phải áp dụng quy định nào.

Đặc biệt, việc phối hợp và chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp giữa các bộ, ngành và địa phương còn nhiều hạn chế dẫn đến khó khăn cho tiếp cận thông tin quy hoạch, Đoàn giám sát nhấn mạnh.

Một trong những nguyên nhân chủ quan, theo đoàn giám sát là tư duy trong việc lập, thực hiện quy hoạch và quản lý nhà nước chậm đổi mới theo yêu cầu của Luật Quy hoạch, vẫn muốn quản lý thông qua các quy hoạch được lập theo phương pháp cũ không còn phù hợp với nền kinh tế - thị trường cũng như không có sự liên kết giữa các ngành.

Tham gia thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, nếu quy hoạch mà tiến độ đảm bảo, chất lượng tốt thì đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội và ngược lại tiến độ chậm, chất lượng thấp thì kìm hãm sự phát triển.

Theo Chủ tịch Quốc hội, kết quả giám sát phải trả lời được là hệ thống văn bản hướng dẫn gồm văn bản nào, thời hạn hoàn thành ra sao, thực tế biên soạn và ban hành như thế nào, cả chất lượng và tiến độ, cá biệt trách nhiệm của tập thể và cá nhân quan đến vấn đề này thế nào.

Theo tiến độ, kết quả giám sát chuyên đề nói trên sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba (tháng 5/2022).

Tin bài liên quan