Một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cả hai dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) dự kiến đều được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp thứ 37, bắt đầu từ sáng 12/9.
Phiên họp dự kiến diễn ra trong ngày 12, sáng 13/9 và từ ngày 23-26/9 với nhiều nội dung quan trọng.
Bên cạnh hai luật thuế nói trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), dự án Luật Việc làm (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, dự án Luật Nhà giáo, dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng sẽ được đặt lên bàn nghị sự.
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), theo Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua vào Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Mục đích ban hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), theo Chính phủ, nhằm hoàn thiện các quy định về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về cải cách hệ thống chính sách thuế nói chung, chính sách thuế TNDN nói riêng. Sửa luật cũng đảm bảo tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật về thuế TNDN với quy định của pháp luật có liên quan; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khuyến khích, thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực và địa bàn ưu tiên.
Mục đích sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Thuế TNDN còn để khắc phục được các bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện thời gian qua; tháo gỡ được các bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật về thuế TNDN; luật hóa các quy định đã được thực hiện ổn định tại văn bản dưới Luật (thông tư, nghị định) nhằm đảm bảo sự rõ ràng, thống nhất và ổn định của chính sách; tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước.
Cạnh đó việc sửa luật còn đảm bảo ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước, góp phần cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bền vững; có giải pháp phù hợp để khắc phục tình trạng chuyển giá, phòng chống trốn thuế, thất thu thuế, hạn chế hiệu quả các hành vi dịch chuyển lợi nhuận làm xói mòn cơ sở thuế.
Bên cạnh công tác lập pháp, tại phiên họp thứ 37 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 8/2024, tổng kết Kỳ họp bất thường thứ 8 và cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Nội dung phiên họp còn có cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2024 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét báo cáo kết quả của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.
Nội dung khác cũng được xem xét là báo cáo của Đoàn giám sát và thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội...