Bài 2: Công ty tài chính trước áp lực thắt chặt điều kiện giải ngân
Theo quy định tại Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 43/2016/TT-NHNN, hoạt động giải ngân của các công ty tài chính (CTTC) sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Về vấn đề này, các CTTC cho rằng, cơ quan quản lý nên thận trọng với mỗi thay đổi, bởi việc áp dụng các quy định phù hợp sẽ mang lại sự hiệu quả, tính hài hòa cho cả nền kinh tế nói chung và trong quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng nói riêng...
Giải ngân trực tiếp không quá 30% tổng dư nợ: CTTC lo bị "bẻ ghi” chiến lược
Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán về quy định giải ngân trực tiếp tại Dự thảo Thông tư là “Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của CTTC, các CTTC đều chung quan điểm, nếu nội dung này được áp dụng sẽ tác động sâu rộng đến chiến lược kinh doanh của họ.
Ðại diện một CTTC có trụ sở tại TP.HCM cho biết, trên thị trường thế giới cũng như Việt Nam đang tồn tại đa dạng mô hình CTTC tiêu dùng. Theo đó, bên cạnh các CTTC tiêu dùng có chiến lược đa dạng hóa dòng sản phẩm (bao gồm các sản phẩm cho vay tiền mặt, cho vay mua hàng hóa trả góp, phát hành thẻ tín dụng...), đã và đang tồn tại những CTTC có chiến lược chuyên biệt hóa, tập trung hóa vào một dòng sản phẩm duy nhất như chỉ tập trung vào dòng sản phẩm thẻ tín dụng, hoặc chỉ tập trung vào dòng sản phẩm cho vay mua phương tiện vận chuyển như xe gắn máy, xe ô tô...
Chẳng hạn, LOTTE Finance đã cho ra mắt 2 dòng sản phẩm chiến lược là cho vay tiền mặt vào tháng 12/2018 và thẻ tín dụng (gồm LOTTE Finance Visa Platinum và LOTTE Finance Visa) vào tháng 4/2019.
Khác với sản phẩm của ngân hàng có thể phát triển đa năng, sản phẩm của CTTC được thiết kế chủ yếu phục vụ số đông (hàng triệu khách hàng với tốc độ mở rộng nhanh), cung cấp những khoản vay nhỏ lẻ, cần phải xử lý khối lượng đơn vay lớn trong một thời gian ngắn nên việc hệ thống công nghệ thông tin cùng với các hệ thống quản lý rủi ro, vận hành, kênh phân phối được thiết kế đặc thù theo sản phẩm chiến lược là phổ biến.
Cách thiết kế này có ưu điểm là dựa trên tính chuyên môn hóa cao, nên chi phí lõi trên một đầu sản phẩm thấp, khả năng triển khai đại trà nhanh chóng, còn nhược điểm là khi có bất cứ thay đổi nào về định hướng chiến lược sản phẩm, chiến lược kênh phân phối, thì tính đáp ứng rất hạn chế và mất nhiều chi phí để thay đổi, nhiều khi phải bỏ cả “dây chuyền” hiện tại để chuyển sang dây chuyền mới.
"Ngay tại thời điểm thành lập công ty, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng nhu cầu thị trường, cơ hội, thách thức, hành lang pháp lý, đối thủ cạnh tranh... để đưa đến quyết định phát triển sản phẩm chuyên biệt hóa là cho vay tiền mặt, giải ngân trực tiếp cho người vay.
Ðây là định hướng chiến lược, nên từ sản phẩm cho đến hệ thống vận hành, quản trị rủi ro, hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống quy trình, quy chế, quy định nội bộ... đều xây dựng trên tiêu chí phục vụ này. Bởi vậy, việc quy định giới hạn mới như tại Dự thảo Thông tư sẽ ảnh hưởng lớn tới mô hình và chiến lược kinh doanh của chúng tôi”, vị đại diện của CTTC trên nói.
Ðiều kiện giải ngân trực tiếp gây bất lợi cho CTTC mới
Trước câu hỏi của Báo Ðầu tư Chứng khoán về sức ảnh hưởng của quy định CTTC chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay theo quy định tại Ðiểm b, Khoản 1, Ðiều 4a - Dự thảo Thông tư đối với khách hàng đã và đang vay tại CTTC đó (được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ của CTTC…), đại diện SHB Finance cho biết, lịch sử hình thành, phát triển, quy mô của mỗi CTTC tại thị trường Việt Nam rất khác nhau.
Ðối với nhóm CTTC mới thành lập, do thời gian hoạt động chưa lâu, độ phủ chưa rộng, số lượng khách hàng thấp, việc bán chéo sản phẩm trong phạm vi hẹp sẽ gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của các CTTC này.
Theo SHB Finance, để có được khách hàng có lịch sử giao dịch tốt, các CTTC mới hoạt động sẽ phải mất tối thiểu 2 năm. Nếu rút ngắn thời gian cho vay đối với khách hàng thì sẽ gây sức ép về thời gian trả nợ và làm tăng số tiền trả nợ mỗi kỳ, dễ đẩy khách hàng đến áp lực trả nợ giống "tín dụng đen".
"Ðối tượng khách hàng của CTTC chủ yếu là công nhân và người lao động thu nhập thấp, nhu cầu cho vay không nhiều từ 25-30 triệu đồng, trong khi trần dư nợ của một cá nhân vay vốn không quá 100 triệu đồng, thời gian vay kéo dài từ 24-36 tháng, thời gian quay vòng khoản vạy chậm. Các khách hàng đã vay được vốn lần 1, phần nhiều ít có nhu cầu vay vốn mới khi chưa trả hết nợ cũ. Do vậy, khả năng giải ngân cho chính khách hàng trong tệp khách hàng cũ của các CTTC mới thành lập là khó và chậm”, đại diện SHB Finance phân tích.
Chưa kể đến, với quy định giới hạn tỷ lệ giải ngân trực tiếp cho khách hàng, CTTC sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn trong việc cung cấp sản phẩm cho vay tiêu dùng. Các đối tác bán hàng hóa, dịch vụ có thể lợi dụng tình huống để ép các CTTC chấp nhận các đòi hỏi về mức phí chi trả, tiêu chuẩn cho vay..., gây rủi ro cho thị trường cho vay tiêu dùng.
“Cho dù CTTC tiêu dùng mới có đưa ra những chính sách hấp dẫn, ưu đãi hơn với các khách hàng, song quy định mới sẽ vẫn tạo lợi thế cạnh tranh hơn cho các tổ chức tín dụng không chịu sự điều chỉnh của Thông tư và các CTTC lâu năm, vốn đã có lượng khách hàng giao dịch lớn. Ðiều này vô hình chung tạo sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường”, đại diện SHB Finance nói.
Thận trọng khi điều chỉnh chính sách
Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, đại diện các CTTC cho biết, đã trực tiếp thảo luận, trao đổi ý kiến với đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về những tác động tiềm tàng sau khi Dự thảo Thông tư được phê duyệt. Theo đó, các CTTC đã đề xuất một số biện pháp để xử lý các phát sinh không mong muốn từ Dự thảo, chẳng hạn NHNN có thể nghiên cứu tham khảo các chính sách quản lý thị trường cho vay tiêu dùng ở các nước trong khu vực...
“Việc áp dụng các quy định để khống chế mức dư nợ vay tiêu dùng tín chấp trên một khách hàng dựa trên thu nhập mà một số quốc gia lân cận như Thái Lan, Indonesia, Malaysia... đã áp dụng thành công sẽ mang lại sự hiệu quả, tính hài hòa cho nền kinh tế nói chung và trong quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng nói riêng tại Việt Nam, giúp thị trường này phát triển lành mạnh, bền vững, thay vì tác động vào phương thức giải ngân - vốn đang tạo sự linh hoạt, lựa chọn đa dạng cho khách hàng, cũng như trang bị tính cơ động có đủ sức 'tấn công' tín dụng phi chính thống của CTTC so với ngân hàng”, đại diện VietCredit nêu ý kiến.
“Hiện nay, chỉ hình thức cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hàng mới có lợi thế lớn nhất để người dân lựa chọn các CTTC thay cho vay 'tín dụng đen' (vì cùng cho vay tiền mặt). Nếu hạn chế điều này thì vô hình chung sẽ đẩy người dân quay trở lại với loại hình cho vay bất hợp pháp này”, đại diện SHB Finance nhấn mạnh.
Nhằm đảm bảo việc cấp tín dụng tiêu dùng được an toàn hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho người vay vốn, đồng thời tạo điều kiện cho các CTTC nhỏ, CTTC mới gia nhập thị có thể phát triển nhanh chóng, ổn định, góp phần đẩy lùi được "tín dụng đen", đại diện SHB Finance cho rằng, việc áp dụng phương thức giải ngân cho bên thụ hưởng hay cho người vay nên mang tính định hướng và có lộ trình áp dụng phù hợp với tình hình thực tế của nền kinh tế Việt Nam, tâm lý tiêu dùng của người dân và thực trạng của các CTTC.
Ðồng thời, không áp dụng hoặc áp dụng các giới hạn đối với các hình thức giải ngân cho vay tiêu dùng theo đặc điểm từng nhóm CTTC (phân chia theo vốn tự có, quy mô dư nợ, quy mô khách hàng)...; hướng tới kiểm soát hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC tiêu dùng thông qua các dự án hỗ trợ về năng lực quản trị, điều hành và kiểm soát rủi ro, thu hồi nợ như hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế, các viện nghiên cứu xã hội để tập huấn, đào tạo cán bộ quản lý về quản lý rủi ro, thẩm định cho vay cá nhân, các dự án nghiên cứu chuyên sâu về tâm lý của người tiêu dùng Việt Nam...
“Ðể thị trường tài chính tiêu dùng phát triển ổn định, bền vững thì việc điều chỉnh sách là cần thiết, nhưng cần thận trọng, tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp. Thực tế, tín dụng từ CTTC hiện chỉ chiếm 7% tín dụng tiêu dùng của nền kinh tế nên khó có thể gây tác động lớn”, đại diện FE Credit nhìn nhận.