Cho vay tiêu dùng mang tính bản địa
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Viện Chiến lược, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, thẻ tín dụng là hình thức cho vay tiêu dùng chủ yếu tại Bắc Mỹ (chiếm hơn 40% trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tại khu vực này).
Thị trường cho vay qua thẻ của Mỹ chiếm vị trí số một trên thế giới với quy mô gấp 8 lần so với Canada - thị trường đứng thứ hai và lớn gấp 7 lần so với tổng quy mô cho vay qua thẻ của 10 thị trường đang phát triển nhanh nhất về tốc độ tăng trưởng dư nợ.
Nếu khu vực châu Mỹ La tinh là thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất đối với nghiệp vụ cho vay mua hàng hóa lâu bền trong giai đoạn 2006 - 2010, thì Nhật Bản là thị trường phát triển nhanh nhất về giá trị tuyệt đối trong cùng thời kỳ.
Theo đó, khu vực Mỹ La tinh có tốc độ tăng trưởng trung bình về dư nợ cho vay mua hàng hóa lâu bền là 11%/năm trong giai đoạn 2006 - 2011, mà Colombia là một ví dụ điển hình với mức tăng trưởng nhanh nhất trên toàn thế giới, khi tốc độ lãi gộp hàng năm (Compound Annual Growth Rate - CAGR) đạt 21%. Đây là quốc gia duy trì mức lãi suất thấp nhất trong thập kỷ vừa qua.
Tuy nhiên, Đức mới là thị trường cho vay mua hàng hóa lâu bền lớn nhất trên toàn cầu với dư nợ trong lĩnh vực này là 72 tỷ USD trong năm 2011, đứng sau là Nhật Bản và Mỹ.
Bên cạnh đó, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thẻ tín dụng là một thị trường lớn, chiếm hơn 50% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, người tiêu dùng châu Á lại có xu hướng xem thẻ như phương thức thanh toán, thay vì là một kênh tài trợ chính.
Theo vị lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước, nhìn chung, các thị trường cho vay tiêu dùng có tính bản địa với dấu ấn đậm nét của trình độ phát triển kinh tế.
Các dòng sản phẩm và loại hình nhà cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng được xác định dựa trên sự kết hợp của các yếu tố đặc trưng của quốc gia như: mức thu nhập và mức tiêu dùng; trình độ phát triển của các tổ chức tài chính và cơ sở hạ tầng tín dụng… Quy mô thị trường và sự tinh tế của các sản phẩm cho vay có xu hướng phát triển cùng với quy mô của nền kinh tế.
Nâng cao hiểu biết tài chính
Thống kê của OECD năm 2003 cho thấy, sự gia tăng quá mức về sử dụng các sản phẩm thẻ tín dụng đã dẫn tới gia tăng các vụ vỡ nợ cá nhân tại OECD trong thời gian này.
Gần 1/10 số chủ thẻ tại Mỹ đã đệ đơn xin phá sản và số lượng các vụ vỡ nợ cá nhân tại Australia cũng tăng 11% trong năm này. Vấn đề tương tự cũng xảy ra tại các nước như Hàn Quốc, Đức - nơi có các khoản cho vay tiêu dùng gia tăng một cách nhanh chóng.
Trước những lo ngại của chính phủ các nước, OECD đã tiến hành kiểm tra mức độ hiểu biết tài chính của người dân ở tất cả các nước thành viên và khuyến nghị cách thức để cải thiện nó. Kết quả cuộc khảo sát cho thấy, kiến thức tài chính của người dân chỉ đạt mức thấp, ở hầu hết các nước, kể cả các nước phát triển.
Chẳng hạn, tại Nhật Bản, có tới 71% người tham gia khảo sát không biết về đầu tư cổ phiếu và trái phiếu. Các học sinh trung học ở Mỹ và Hàn Quốc hầu hết không vượt qua được bài kiểm tra về chọn lựa và kiểm soát việc sử dụng thẻ tín dụng, hoặc cách thức để quản lý các khoản tiết kiệm cho tương lai.
Nguy hiểm hơn nữa là người tiêu dùng thường đánh giá cao kiến thức của họ hơn mức thực tế. Điều này dẫn tới việc họ ít chủ động và nỗ lực để tìm hiểu các thông tin một cách đầy đủ, thậm chí cho rằng các chương trình giáo dục tài chính là ít cần thiết.
Hiểu biết tài chính về cơ bản có thể thay đổi theo trình độ giáo dục và mức thu nhập, nhưng kết quả khảo sát của OECD đã cho thấy, ngay cả những người có trình độ cao và thu nhập cao vẫn có thể thiếu hiểu biết tài chính như những người chỉ được giáo dục ở trình độ thấp và có mức thu nhập thấp.
Dựa trên kết quả khảo sát về mức độ hiểu biết tài chính của người tiêu dùng, OECD đã đưa ra những khuyến nghị cơ bản về giáo dục tài chính và bắt đầu triển khai các chương trình giáo dục tài chính tại các nước này từ năm 2003.
Đến nay, giáo dục tài chính đã được mở rộng trên phạm vi toàn cầu, triển khai mạnh ở các nước OECD và cả các nước nằm ngoài OECD, các nước đang phát triển, như một giải pháp quan trọng để đạt được các mục tiêu về an toàn tài chính, phổ cập tài chính, nâng cao mức sống người dân và thúc đẩy công bằng, ổn định xã hội.
Cho vay tiêu dùng tại Việt Nam khá đa dạng
Ông Võ Quốc Khánh, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có thị trường tài chính tiêu dùng giàu tiềm năng nhất trong khu vực với tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay tiêu dùng trong giai đoạn 2011 - 2015 ước tính đạt trung bình xấp xỉ 30%/năm.
Với nhu cầu cho vay tiêu dùng ngày càng tăng cao, tốc độ tăng trưởng được dự báo sẽ tiếp tục duy trì. Triển vọng tăng trưởng này đến từ thực tế là còn nhiều người dân chưa được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, trong bối cảnh nhu cầu mua sắm, tiêu dùng để cải thiện cuộc sống không ngừng tăng lên, đi kèm với tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người.
Thống kê cho thấy, cơ cấu sản phẩm cho vay tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay là khá đa dạng. Rất nhiều loại hình sản phẩm cho vay tiêu dùng đã xuất hiện và được triển khai với cả 2 nhóm nhà cung cấp là các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính tiêu dùng. Trong đó, cho vay mua phương tiện đi lại và đồ dùng, trang thiết bị gia đình được triển khai ở hầu hết các tổ chức tín dụng, bao gồm cả ngân hàng và các công ty tài chính tiêu dùng.
Nhóm các nhà cung cấp là chi nhánh các ngân hàng thương mại tham gia vào hầu hết các loại hình sản phẩm. Tuy nhiên, vai trò chiếm lĩnh chủ yếu là cho vay có tài sản đảm bảo và cho vay qua thẻ tín dụng, cho vay thấu chi tài khoản cá nhân.
50% công ty tài chính tiêu dùng tham gia khảo sát cho biết, có cung cấp sản phẩm cho vay mua nhà, xây và sửa chữa nhà ở và 16% công ty tài chính tiêu dùng có cung cấp các khoản vay qua thẻ tín dụng và cho vay thấu chi qua tài khoản. Trong đó, các công ty tài chính tiêu dùng tham gia mạnh vào 2 sản phẩm chính là phương tiện đi lại và vay mua đồ dùng trang thiết bị gia đình.
Theo một khảo sát của Viện Chiến lược, Ngân hàng Nhà nước, 78% trong nhóm các chi nhánh ngân hàng thương mại và 83% trong nhóm các công ty tài chính tiêu dùng cho biết, lãnh đạo của họ có mức độ quan tâm cao đối với sản phẩm cho vay tiêu dùng. 100% trong nhóm công ty tài chính tiêu dùng và 88% trong nhóm các chi nhánh ngân hàng thương mại cho rằng, dịch vụ cho vay tiêu dùng sẽ phát triển và rất phát triển trong tương lai...
“Trước tiềm năng đó, thị trường tín dụng tiêu dùng đã chứng kiến nhiều dịch chuyển tích cực, trong đó phải kể đến sự thành lập mới của một loạt công ty tài chính tiêu dùng nội địa, cũng như sự thâm nhập của các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, miếng bánh tín dụng tiêu dùng không chỉ của riêng ngân hàng và công ty tài chính, mà còn phải chia sẻ cho những “người chơi” khác như tín dụng phi chính thức và cho vay cầm đồ. Do đó, đi cùng với tiềm năng và cơ hội cũng là những thách thức và khó khăn đối với các công ty tài chính tiêu dùng”, ông Võ Quốc Khánh nói.