Vay tiêu dùng là một hoạt động tín dụng tốt, mở ra điều kiện cho người dân tiếp cận vốn tiêu dùng, cho dù lãi suất cho vay có phần cao hơn ngân hàng, song cũng cần xem xét đến yếu tố cần thiết cho vay đối với loại hình tín dụng này để ổn định thị trường.
Phát triển nhanh
Tín dụng tiêu dùng của thị trường Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 3 năm trở lại đây, nhất là khi có sự tham gia của các công ty tài chính (CTTC) cho vay tiêu dùng và các NHTM mua lại CTTC từng bước đẩy mạnh vốn cho cá nhân vay tiêu dùng, sửa chữa và mua nhà đất…
Khả năng bùng nổ của loại hình tín dụng này trong thời gian tới là rất lớn, với 3 yếu tố chính thể hiện được tiềm năng của thị trường, bao gồm: Thứ nhất, Việt Nam xếp thứ 14 trong các nước đông dân nhất thế giới với quy mô dân số khoảng 90 triệu người. Thứ hai, tỷ lệ dân số trẻ khá cao nên dân số mỗi năm bước vào độ tuổi lao động tăng nhanh. Thứ ba, Việt Nam là quốc gia đang phát triển với nền kinh tế năng động, thu nhập của người dân tăng trưởng theo mỗi năm, được thể hiện qua tỷ trọng GDP tăng nhanh hàng đầu thế giới.
Cho vay tiêu dùng còn nhiều dư địa phát triển, hiện lĩnh vực này mới chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ của nền kinh tế (ở các nước khác con số này khoảng 15-25%). Tuy nhiên, con số này đang tăng trưởng khá ấn tượng thời gian gần đây.
Thống kê của NHNN trong 9 tháng đầu năm 2015 cho thấy, tín dụng tiêu dùng tăng 31% và tương đương 8% tổng dư nợ toàn hệ thống (khoảng 16,9 tỷ USD). Do là loại hình cho vay phi tín dụng, lãi suất cho vay cao hơn so với các loại hình tín dụng thông thường nên chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay, hay nói cách khác là biên lợi nhuận lớn hơn. Kênh tín dụng này đã góp phần vào doanh thu và lợi nhuận đáng kể cho các NHTM.
Chẳng hạn, theo báo cáo kết quả kinh doanh 2015 của VPBank, 2 công ty thành viên là FE Credit và VPBank AMC giúp thu nhập lãi thuần từ hoạt động cho vay vốn của VPBank tăng thêm 3.700 tỷ đồng, lãi trước thuế tăng thêm hơn 1.000 tỷ đồng, bằng 1/3 tổng lợi nhuận của Ngân hàng.
Theo Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động tín dụng tiêu dùng của CTTC được NHNN đưa ra lấy ý kiến, với phạm vi điều chỉnh các khoản vay trả góp, cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng và phát hành thẻ mua hàng… Điều này buộc NHTM phải lập CTTC để thực hiện. Hiện một số ngân hàng đã và đang thành lập mới hoặc mua lại CTTC nhằm đáp ứng yêu cầu này.
Đặc thù cho vay tín dụng tiêu dùng là rủi ro cao, lấy số đông bù số ít để giảm tỷ lệ rủi ro trên tổng thể. Chính vì vậy, yêu cầu kiểm soát chặt chẽ chất lượng cho vay là nhiệm vụ đặt ra. Nguyên nhân tình trạng này là bởi người vay vốn chủ yếu là những người khó chứng minh đầy đủ các giấy tờ để vay được ở ngân hàng.
TS. Cao Sỹ Kiêm
Lãi suất cao là một giải pháp bù đắp rủi ro, song CTTC không thể quá cao như cho vay nặng lãi.
Do tín dụng tiêu dùng chủ yếu dựa trên tín chấp, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng nên một vấn đề quan trọng khác là thông tin trong quá trình cho vay, và đặc biệt là yêu cầu khung pháp lý cần hoàn thiện để hướng dẫn loại hình cho vay đặc thù này. Thực tế thị trường thời gian qua cho thấy, khiếu nại trong cho vay tiêu dùng vẫn nhiều và vấn đề về lãi suất cho vay cao được dư luận quan tâm.
Luật hóa thế nào?
Nhằm mục tiêu tách biệt và hạn chế rủi ro đối với ngân hàng khi cho vay tiêu dùng đối với khách hàng không đúng tiêu chuẩn, NHNN đã xây dựng và đưa ra xin ý kiến góp ý dự thảo thông tư quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng của CTTC. Việc quy định một cách rõ ràng các hoạt động cho vay tiêu dùng và tách bạch về quản lý đối với hoạt động này là phù hợp với tính chất khác biệt của dịch vụ, đồng thời giúp cho thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam phát triển một cách minh bạch, lành mạnh và hiệu quả hơn; phù hợp với các thông lệ quốc tế, mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho người tiêu dùng Việt Nam.
Mức tăng trưởng bình quân của tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tại Việt Nam trong 7 năm qua đã tăng xấp xỉ 20%/năm. Tỷ lệ dư nợ cho vay tiêu dùng hiện đạt khoảng hơn 6% và dự kiến sẽ vượt qua con số 10% GDP vào năm 2020. Tuy nhiên, những quy định về cho vay tiêu dùng hiện vẫn còn sơ khai và chưa rõ ràng, yêu cầu đặt ra là làm sao để các thủ tục vay tiêu dùng phải thực sự đơn giản, gọn nhẹ, tạo thuận lợi cho thị trường phát triển, nhưng lãi suất phải ở mức vừa phải.
Hiện không ít CTTC áp mức lãi suất cho vay tiêu dùng lên đến 50-60%/năm, thậm chí nhiều người còn cho rằng, có một số đơn vị cho vay, áp lãi suất cho vay tiêu dùng cao lãi suất tín dụng “đen”. Trong khi, CTTC là đơn vị được NHNN cấp phép hoạt động và được hoạt động trong cơ chế quản lý của nhà nước, chứ không phải tự phát như loại hình tín dụng “chợ đen” lãi cao.
Thực tế này đòi hỏi cần có quy định riêng về lãi suất cho vay tiêu dùng để giúp lãi suất cho vay được ấn định hợp lý hơn. Một câu hỏi cần trả lời là có nên áp dụng trần lãi suất như cho vay thương mại của các ngân hàng? Câu trả lời là không vì cho vay tiêu dùng chủ yếu là hình thức tín chấp, thủ tục giấy tờ đơn giản nên khá rủi ro, việc bên cho vay áp một mức lãi suất căn cứ vào mức độ rủi ro là phù hợp với quy luật của lãi suất thị trường. Nếu khống chế trần lãi suất sẽ làm méo mó rủi ro, đó là chưa kể chúng ta đang hướng đến nền kinh tế thị trường và hội nhập sâu rộng, việc càng sử dụng nhiều biện pháp hành chính thì càng khó cho cả bên cho vay và khách hàng.
Tuy nhiên, nếu so sánh tương quan với cho vay của ngân hàng trên cơ sở lãi suất và rủi ro thì cho vay tiêu dùng của các CTCT trong môi trường hiện nay cũng không nên vượt mức 45%/năm.
Hiện không ít CTTC áp mức lãi suất cho vay tiêu dùng lên đến 50-60%/năm, thậm chí nhiều người còn cho rằng, có một số đơn vị cho vay, áp lãi suất cho vay tiêu dùng cao lãi suất tín dụng “đen”.
Cho vay tiêu dùng rủi ro chứa đựng có thể lớn, nhưng đây là loại hình tín dụng phân tán rủi ro nên không thể vịn vào cớ rủi ro để áp lãi suất cho vay nặng lãi. Vì thế, cần có một khung pháp lý riêng dành cho lĩnh vực cho vay tiêu dùng của các CTTC, trong đó đảm bảo việc bảo vệ người tiêu dùng và điều tiết các tổ chức tín dụng theo thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tế Việt Nam. Tuy nhiên, để thị trường cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh, đúng định hướng, trong mọi yếu tố về pháp lý, tính minh bạch là mấu chốt quan trọng nhất, nhất là các quy định về lãi suất, hoạt động bảo vệ người đi vay…
Một khi kinh tế thị trường cạnh tranh sẽ có nhiều CTTC tham gia, nếu áp dụng mức lãi suất cao cũng sẽ khó thu hút khách hàng.
TS. Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước