Tín dụng tiêu dùng gặp khó vì người dân thắt lưng buộc bụng

Tín dụng tiêu dùng gặp khó vì người dân thắt lưng buộc bụng

Cho vay tiêu dùng: Khó như chưa từng!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhu cầu vay giảm, rủi ro nợ xấu tăng khiến hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn kéo dài

Trước đây, khi có nhu cầu mua các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại đời mới mà chưa có đủ tài chính, chị Mai Hương ở quận Bình Thạnh, TP.HCM thường có thói quen ra cửa hàng Thế giới di động hay Phong Vũ mua trả góp và được bên thứ ba tài trợ vốn vay là các công ty tài chính liên kết như Home Credit, FE Credit, HD SAISON… nhưng năm nay, chị không dám mua trả góp. Bởi lẽ, thu nhập của chị Hương giảm khoảng 30 - 40% so với năm ngoái, vì tình hình khó khăn chung của kinh tế toàn cầu tác động đến hoạt động kinh doanh của công ty chuyên về xuất nhập khẩu thực phẩm nơi chị làm việc.

Tương tự, anh Quang Vũ ở thành phố Biên Hòa, Đồng Nai hạn chế tối đa vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng của các công ty tài chính để mua hàng trả góp cũng do thu nhập suy giảm.

Tình trạng trên diễn ra phổ biến khiến hoạt động cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng vốn gặp khó khăn trong năm 2022 kéo dài cho đến nay.

Lãnh đạo nhiều công ty tài chính cho biết, chưa bao giờ cho vay tiêu dùng khó khăn như bây giờ. Nguyên nhân không chỉ ở nhu cầu tín dụng tiêu dùng giảm do khách hàng cá nhân “thắt lưng, buộc bụng”, mà các công ty tài chính cũng kiểm soát chặt rủi ro tín dụng nên cẩn trọng trong việc lựa chọn khách hàng để giải ngân nhằm hạn chế rủi ro nợ xấu.

Ông Đỗ Minh Hải, Tổng giám đốc Công ty ATM Online, một công ty công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng nhận xét, cho vay tiêu dùng ngày càng khó khăn trong bối cảnh hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đi xuống, khiến thu nhập của công nhân, người lao động bị ảnh hưởng.

Phó tổng giám đốc một công ty tài chính lớn cho hay, hiện tại, nhu cầu vay của khách hàng không phải là không có, nhưng công ty không dám mạnh tay cho vay vì lo ngại không thu hồi được nợ, vì thu nhập của khách hàng suy giảm. Đáng lưu ý, không ít người vay rủ nhau “bùng nợ”, ảnh hưởng đến những khách vay có nhu cầu thật và trả nợ đúng hạn.

Luật sư Phạm Văn Đức, Công ty Luật TNHH MTV Đức & Phạm cho rằng, không ít người vay không phân biệt được đâu là công ty tài chính, công ty công nghệ tài chính, đâu là tín dụng đen. Thực tế, các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động bài bản, công khai theo quy định pháp luật, còn các công ty “núp bóng” mập mờ về hợp đồng, lãi suất (lãi suất danh nghĩa thấp nhưng thu phí cao dẫn đến lãi suất thực rất cao). Do đó, khi khách hàng tìm đến các công ty tài chính để vay tiêu dùng, điều đầu tiên cần làm là kiểm tra thông tin về công ty đó, hoạt động cho vay có đúng luật hay không. Luật quy định, hợp đồng vay là hợp đồng bằng văn bản, trong hợp đồng thể hiện rõ lãi suất, phương thức xử lý nợ...

Ông Đức thông tin, hoạt động cho vay cũng như thu hồi nợ của các công ty tài chính trong 2 quý đầu năm 2023 đều kém khả quan, có công ty sụt giảm cả về dư nợ cho vay và giá trị thu hồi nợ.

Kỳ vọng mong manh

Bên cạnh nhu cầu vay giảm thì công ty tài chính tiêu dùng cũng không dám mạnh tay cho vay vì lo ngại không thu hồi được nợ.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện có 16 công ty tài chính được cấp phép hoạt động, danh sách được đăng tải trên website của cơ quan này. Khi vay vốn, người dân cần tìm hiểu thông tin về công ty trên website để xem họ có được cấp phép hay không. Trong giai đoạn 2016 - 2022, các công ty tài chính phát triển tốt, tăng trưởng dư nợ 19 - 20%, chiếm 14 - 15% tổng dư nợ chung, nhưng sang năm 2023, tín dụng tiêu dùng rơi vào tình trạng ảm đạm.

Là lĩnh vực nhạy cảm với yếu tố vĩ mô, đặc biệt phụ thuộc nhiều vào thu nhập, nhu cầu tiêu dùng của phân khúc người lao động có thu nhập thấp và trung bình, thị trường tài chính tiêu dùng chưa theo kịp đà phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, giờ đây lại đương đầu với những thách thức trong cho vay cũng như thu hồi nợ. Bên cạnh đó, hình ảnh của công ty tài chính bị ảnh hưởng bởi các đơn vị không phải do Ngân hàng Nhà nước cấp phép lợi dụng danh nghĩa công ty tài chính mở rộng mạng lưới cho vay nhanh, vào bất cứ thời điểm nào, chào lãi suất vay hấp dẫn nhưng “cài cắm” các chi phí cao…

Các chuyên gia tài chính nhận định, thu nhập lãi thuần của khối công ty tài chính tiêu dùng có thể tiếp tục bị ảnh hưởng từ các đợt tăng lãi suất cho vay của các ngân hàng trong quý IV/2022 và quý I/2023. Trong khi đó, khả năng trả nợ của khách hàng công ty tài chính tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi điều kiện kinh tế không thuận lợi.

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, trong quý I/2023, Ngân hàng đạt hơn 4.000 tỷ đồng lợi nhuận, tăng trưởng tín dụng 7%, tăng trưởng huy động 11,5%, nhưng công ty con là FE Credit tiếp tục thua lỗ và VPBank đặt mục tiêu trong năm nay sẽ thực hiện tái cấu trúc công ty tài chính tiêu dùng này. Tính đến cuối năm 2022, VPBank có dự phòng rủi ro 8.700 tỷ đồng ngân hàng mẹ và hơn 11.000 đồng dự phòng rủi ro tín dụng tại FE Credit.

Nhiều công ty tài chính như Home Credit, HD SAISON, Viet Credit… cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình giải ngân chậm, khó có thể kỳ vọng sẽ tăng trưởng cao trong thời gian tới.

Mặc dù vậy, lãnh đạo một công ty tài chính nhìn nhận, tiềm năng phát triển của ngành tài chính tiêu dùng vẫn cao, do nhu cầu vay vốn của các cá nhân có thu nhập trung bình và thấp, vì gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận các khoản vay ngân hàng.

“Tôi tin rằng, với các giải pháp, chiến lược đề ra, hoạt động kinh doanh của công ty sẽ hồi phục trong những tháng cuối năm 2023”, vị lãnh đạo công ty tài chính nói.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng tại TP.HCM cho rằng, để thị trường cho vay tiêu dùng tăng trưởng trở lại, hạn chế tín dụng đen, các giải pháp tuyên truyền cần được tăng cường để khách hàng nhận diện công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp và công ty trái pháp luật, hiểu được nghĩa vụ của người đi vay và rủi ro trả nợ không đúng hạn, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, các sản phẩm, dịch vụ… Đặc biệt, các công ty tài chính cần thực hiện tốt khuyến nghị của Ngân hàng Nhà nước, đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát triển hệ thống chấm điểm tín dụng, đánh giá chính xác điểm tín dụng của khách hàng; tăng hiệu quả và tốc độ xử lý tín dụng, đổi mới quy trình cung cấp tín dụng theo hướng thuận tiện nhất cho khách hàng; thực thi các nguyên tắc của một tổ chức tài chính bền vững, đẩy mạnh cho vay có trách nhiệm…

Tin bài liên quan