Nóng cuộc đua cho vay tiền mặt
Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, thị trường tài chính tiêu dùng với hình thức cho vay trả góp mua hàng đang trở nên bão hòa với việc ngày càng có nhiều công ty cho vay tiêu dùng mới xuất hiện. Để cạnh tranh giành thị phần, các công ty tài chính bắt đầu hướng đến các sản phẩm như cho vay tiền mặt trực tiếp hoặc phát hành thẻ tín dụng với hạn mức rất cao để thâm nhập vào phân khúc khách hàng không có tài khoản ngân hàng và thu nhập thấp.
Chuyên gia phân tích của StoxPlus nhận định, cho vay tiền mặt là một cách hiệu quả để công ty tài chính thâm nhập vào 48% dân số là phân khúc thu nhập phổ thông và thấp. Quy mô của khoản vay không có tài sản bảo đảm thường là 1 - 10 triệu đồng và quay vòng trong 30 ngày, lên tới 70 triệu đồng trong 3 năm, tùy theo lịch sử tín dụng.
EVN Finance, kể từ khi chính thức giới thiệu thương hiệu tài chính tiêu dùng Easy Credit tại TP.HCM và nhận được quyết định sửa đổi bổ sung nội dung giấy phép thành lập và cách thức hoạt động từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đẩy mạnh chủ trương cho vay tiền mặt, đáp ứng nhu cầu gia tăng của khách hàng cá nhân.
Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính không được vượt 100 triệu đồng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phải ban hành đầy đủ quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất.
Kể từ đầu tháng 10/2018, Easy Credit ra mắt thị trường gói cho vay tiền mặt. Khách hàng nhắm đến của Công ty là những người có thu nhập trung bình, với mức thu nhập tối thiểu hàng tháng 4,5 triệu đồng. Mới đầu, gói vay tiền mặt được công ty này áp dụng tại 5 tỉnh, thành phố là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Vũng Tàu sau đó tiếp tục được triển khai tại 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ từ tháng 1/2019.
Khoản vay bằng tiền mặt thấp nhất được Easy Credit áp dụng là 10 triệu đồng và tối đa không quá 90 triệu đồng, thời hạn vay từ 6 - 60 tháng tùy khoản vay.
Ông Bùi Xuân Dũng, Tổng giám đốc EVN Finance chia sẻ, Công ty nhắm đến mảng cho vay tiền mặt trước hết là do tham gia vào thị trường tài chính tiêu dùng trong bối cảnh đã có nhiều đơn vị tham gia và liên kết phát triển dịch vụ này với các điểm bán, cửa hàng của nhiều thương hiệu, sản phẩm tiêu dùng…
Mặt khác, sản phẩm cho vay tiền mặt tiêu dùng sẽ dễ dàng giúp Easy Credit giành được thị phần, đáp ứng được cầu vốn tiêu dùng tăng cao của khách hàng hiện nay. Với sản phẩm vay tiền mặt, Easy Credit áp dụng công nghệ xuyên suốt trải nghiệm của khách hàng, từ giai đoạn khách hàng nộp đơn vay vốn, đến quá trình thẩm định, phê duyệt cho đến tất toán.
Không chỉ có Easy Credit, SHB Finance tham gia thị trường tài chính tiêu dùng kể từ 8/2018, với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng thuộc sở hữu 100% vốn của SHB cũng nhắm đến mảng cho vay tiền mặt tiêu dùng. Ngay từ thời điểm ra mắt, SHB Finance đã triển khai bán hàng toàn diện qua việc ra mắt gói sản phẩm cho vay tiền mặt tín chấp và khởi động kênh tư vấn dịch vụ, đăng ký vay trực tuyến.
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị SHB cho biết, với sản phẩm cho vay tiền mặt chủ đạo, SHB Finance đang thể hiện chiến lược tập trung, đáp ứng nhu cầu của đông đảo khách hàng đại chúng với mức thu nhập trung bình từ 3 triệu đồng/tháng. Trước mắt, SHB Finance triển khai dịch vụ tại 5 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang và sẽ có mặt tại gần 30 tỉnh, thành phố.
Công ty Tài chính cổ phần Xi măng đổi tên thành Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit Finance), hay SeABank mua lại toàn bộ vốn góp của Tập đoàn VNPT tại Công ty Tài chính Bưu điện cũng nhắm đến mục tiêu cho vay tiền mặt. Ngoài ra, một số tập đoàn nước ngoài như Shinhanbank (mua lại Prudential Finance), Tập đoàn Lotte (mua lại Công ty Tài chính của Techcombank) hay nhiều ngân hàng khác trong nước cũng muốn gia nhập thị trường này như Vietcombank, ACB, OCB trong thời gian tới.
Thực tế cho thấy, không chỉ với những “tân binh” vừa tham gia thị trường nhắm đến phân khúc cho vay tiền mặt mà ngay cả những công ty tài chính có thâm niên hoạt động lâu năm tại thị trường Việt Nam cũng đẩy mạnh sản phẩm này. Home Credit từng công bố con số tăng trưởng cho vay tiền mặt đến 80% chỉ trong 4 tháng đầu năm 2016, song kể từ đó đến nay, con số về cho vay tiền mặt luôn được Công ty giữ bí mật.
Công ty cùng ngành FE Credit còn triển khai cả chương trình “tiền mặt nhanh”. Công ty giải ngân tiền mặt trong hạn mức thẻ tín dụng chỉ bằng một cuộc gọi thông thường; phí rút tiền mặt chỉ 1%; miễn phí lãi suất lên đến 45 ngày.
Trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường tài chính, tiêu dùng ngày càng gay gắt, các công ty tài chính đã có tên tuổi như Home Credit, FE Credit hay HD Saison vẫn giữ vai trò chiếm lĩnh và gần như trải khắp trên thị trường truyền thống, chủ yếu cho vay tiền mặt, trả góp tại các cửa hàng bán lẻ. Thậm chí, mỗi điểm bán lẻ còn có đến 2 - 3 công ty tài chính cùng hoạt động để cho vay mua hàng trả góp.
Để khai thác được “mỏ vàng” tín dụng tiêu dùng, các công ty tài chính mới gia nhập thị trường bắt buộc phải tung chiêu mới. Cụ thể, bên cạnh cho vay trực tiếp ở cửa hàng, hầu hết các công ty tài chính đều đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng, cho vay tiền mặt hạn mức cao để thâm nhập vào phân khúc khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng và thu nhập thấp.
Giới chuyên gia cũng đánh giá, đây là cách hiệu quả để thâm nhập vào phân khúc khách hàng có thu nhập phổ thông và thấp. Các công ty tài chính mới tập trung cạnh tranh mở rộng thị phần, thay vì cho vay mua hàng trả góp và dự báo trong thời gian tới, cuộc đua giành thị phần cho vay tiền mặt sẽ càng nóng lên.
Đến lúc phải nhìn lại
Tuy nhiên, khi các công ty tài chính chuyển hướng sang cho vay tiền mặt, các cảnh báo về rủi ro nợ xấu cũng cao hơn. Bởi công ty tài chính áp dụng lãi vay tiền mặt cao, trong khi người vay tiền cần tiền nên bất chấp lãi suất hoặc sử dụng tiền vay để đảo nợ dễ dẫn đến mất khả năng thanh toán. Áp lực quản trị rủi ro của các công ty tài chính theo đó cũng gia tăng. Điều này thể hiện qua việc các công ty tài chính thận trọng trong việc chọn lựa khách hàng cho vay.
Chẳng hạn, tại Home Credit, khách hàng được mời phát hành thẻ tín dụng hay vay tiền mặt là những khách hàng có lịch sử giao dịch tốt trước đây.
Còn với đơn vị mới như Easy Credit, ứng dụng công nghệ ngay từ giai đoạn thu thập thông tin khách hàng bằng cách đa dạng hóa thông tin khách hàng từ nhiều nguồn khác nhau, tối ưu hóa hệ thống tính điểm hành vi để việc thẩm định hồ sơ vay được thực hiện một cách tự động xuyên suốt. Kèm theo đó, Công ty liên tục kiểm soát chặt chẽ các quy trình phòng chống gian lận trong suốt hành trình vay của khách hàng...
Tới đây, các công ty tài chính có thể chỉ được phép cho khách hàng vay trực tiếp tối đa 30% tổng dư nợ tiêu dùng. Đây là quy định mới trong dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN đang được đưa ra lấy ý kiến. Dự thảo Thông tư cũng nêu rõ các hình thức giải ngân cho vay tiêu dùng của các đơn vị này. Trong đó, công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp (cho khách hàng vay tiền mặt) đối với những khách hàng đã và đang vay tại công ty tài chính đó và được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ của công ty và không có nợ xấu theo kết quả phân loại nhóm nợ của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam.
Theo giải thích của NHNN, quy định này nhằm đảm bảo cho vay tiêu dùng phát triển bền vững, lành mạnh, hiệu quả. Bởi lẽ, cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tại Việt Nam, nhất là cho vay giải ngân trực tiếp có rủi ro cao, khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay.
Nhìn nhận về dự thảo quy định mới, TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trung tâm Đào tạo BIDV nhận định, có thể NHNN muốn kiểm soát hoạt động cho vay của các công ty tài chính, nhất là đối với cho vay tiền mặt sau nhiều điều tiếng liên quan đến lãi suất, minh bạch hay công tác thu hồi nợ. Tuy nhiên, để kiểm soát rủi ro trong hoạt động này thì có nhiều giải pháp khác nhau. Ví dụ, cơ quan quản lý nhà nước có thể đưa ra các tiêu chí về thanh khoản, về vốn hay hệ số đòn bẩy của công ty tài chính theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Việc quy định trần tỷ lệ cho vay tiền mặt cần phải được đánh giá đa chiều trước khi áp dụng.
Theo TS. Lực, NHNN phải khảo sát và công bố tỷ lệ cho vay tiền mặt, giải ngân trực tiếp cho khách hàng ít nhất của 12 công ty tài chính dẫn đầu (chiếm khoảng 90% thị phần cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính hiện nay) là bao nhiêu. Giả sử tỷ lệ bình quân giải ngân trực tiếp cho khách hàng của các đơn vị này là hơn 30% thì có thể đưa tỷ lệ từ mức 50%, sau đó có lộ trình giảm dần xuống 40%...
Hoạt động của các công ty tài chính được đánh giá trở thành “cánh tay nối dài” cho các ngân hàng khi tiếp cận được những khách hàng chưa đủ điều kiện vay vốn chính thức và ở nhiều vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, dự thảo trên không chỉ giới hạn sự phát triển của các công ty tài chính, mà còn mâu thuẫn với chủ trương chống tín dụng “đen” của NHNN.
Đánh giá được đưa ra từ các chuyên gia tài chính cho rằng, điều người dân cần nhất là cơ quan quản lý nhà nước nên xem xét làm sao chốt khung lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính phù hợp, tránh mức lãi suất cho vay quá cao, gần như tín dụng đen.
Trong khi đó, việc siết cho vay tiền mặt của công ty tài chính là hạn chế phát triển tài chính vi mô. Ngoài vay mua hàng hóa trả góp như mua xe máy, mua điện thoại..., khách hàng cần vay tiêu dùng là các cá nhân, hộ gia đình nhỏ lẻ với khoản vay phổ biến 5 - 10 triệu đồng hoặc 20 triệu đồng. Khoản vay đó có thể để làm vốn lưu động trong buôn bán hay sản xuất nhỏ, mang tính thời vụ.
Vì vậy, các khách hàng này cũng có nhu cầu vay tiền mặt trực tiếp. Bởi khách hàng này không đủ điều kiện có tài sản thế chấp để vay ngân hàng nên mới cần đến các công ty tài chính với điều kiện vay dễ hơn, thủ tục nhanh gọn hơn. Đồng thời, nếu yêu cầu chỉ cho vay tiền mặt với khách hàng cũ thì cũng là điều kiện gây khó khăn cho người vay. Bởi người có nhu cầu vay tín dụng đen thường chưa bao giờ đi vay tại các nhà băng hay công ty tài chính trước đó.