Ảnh Internet

Ảnh Internet

Cho vay theo Nghị định 67: Cuối quý II/2020 đạt 9.936 tỷ đồng của 1.157 tàu còn dư nợ

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước vừa thông tin về tình hình cho vay hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ (Nghị định 67).

Đối với kết quả cho vay đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định 67

Kể từ khi Nghị định 67 có hiệu lực đến ngày 31/12/2017 (thời điểm dừng thực hiện ký kết mới hợp đồng cho vay đóng mới, nâng cấp tàu), các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng đối với ngư dân để cho vay đóng mới, nâng cấp 1.177 tàu (1.031 tàu đóng mới và 146 tàu nâng cấp), chiếm 45,2% tổng số tàu cần đóng mới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ cho các địa phương giai đoạn 2014 - 2020, với tổng số tiền cam kết cho vay đạt trên 11.700 tỷ đồng. Dư nợ đến cuối quý II/2020 đạt 9.936 tỷ đồng của 1.157 tàu còn dư nợ.

Nợ xấu chương trình cho vay theo Nghị định 67 hiện nay là 38,83%, phát sinh do cả nguyên nhân khách quan bất khả kháng dẫn đến ngư dân không trả được nợ vay và nguyên nhân chủ quan do chủ tàu chây ỳ cố tình không trả nợ; năng lực khai thác của chủ tàu yếu kém; ngư trường khai thác không thuận lợi; phương tiện khai thác quá mới và hiện đại nên chủ tàu gặp nhiều khó khăn trong vận hành, kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác là: lựa chọn ngành nghề chưa phù hợp, khách hàng không mua bảo hiểm theo quy định, công tác xác nhận thiệt hai chậm chễ; quá trình giải quyết bồi thường bảo hiểm nhiều tranh chấp.

Giải pháp của ngành Ngân hàng

Để triển khai chính sách vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP đạt hiệu quả, hỗ trợ ngư dân gặp khó khăn trong trả nợ ngân hàng, NHNN đã kịp thời ban hành Thông tư số 22/2014/TT-NHNN ngày 15/8/2014, Thông tư số 21/2015/TT-NHNN ngày 16/11/2015, Thông tư số 12/2018/TT-NHNN ngày 27/4/2018 hướng dẫn và chỉ đạo, đôn đốc NHNN chi nhánh 28 tỉnh, thành phố ven biển và các NHTM đẩy mạnh triển khai thực hiện.

Theo đó, các NHTM đã thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, cụ thể:

Thứ nhất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 299 khách hàng với số tiền 1.396,84 tỷ đồng;

Thứ hai, ưu tiên thu nợ gốc trước, nợ lãi sau đối với 29 khách hàng với dư nợ 291,7 tỷ đồng;

Thứ ba, thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu trên cơ sở quyết định phê duyệt của UBND các tỉnh, thành phố ven biển đối với 11 trường hợp chủ tàu tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Tiền Giang không còn đủ năng lực thực hiện dự án với dư nợ gần 60 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, để hạn chế nợ xấu gia tăng, đảm bảo triển khai hiệu quả chương trình, trên cơ sở báo cáo và đề xuất của NHNN, Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính kịp thời rà soát, xử lý các kiến nghị về hoàn thiện cơ chế chính sách; chỉ đạo các Sở, ngành địa phương hỗ trợ ngành Ngân hàng trong việc quản lý dòng tiền, thu hồi nợ vay; quản lý, thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm; bồi hoàn bảo hiểm khi rủi ro xảy ra; đồng thời, giao Bộ NN&PTNT đầu mối nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 67.

Hiện NHNN đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc nghiên cứu các nội dung sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến ngành ngân hàng tại Nghị định 67.

Tin bài liên quan