Cho vay sau dịch Covid-19, nỗi lo không chỉ ngày mai

Cho vay sau dịch Covid-19, nỗi lo không chỉ ngày mai

(ĐTCK) Bài học trong quá khứ cho thấy hậu quả của việc cấp tập cho vay 
không chỉ trong ngắn hạn, mà có thể còn kéo dài nhiều năm…

Không “ép” được chủ đầu tư, nhà đầu tư “vây” ngân hàng

Nhiều năm gần đây, condotel (khách sạn căn hộ) trở thành một loại hình đầu tư hấp dẫn khiến nhiều ngân hàng bắt tay chủ đầu tư cung cấp tín dụng, cũng như hỗ trợ tối đa cho người mua nhà.

Đặc biệt, cuối năm 2017, thị trường condotel tại Đà Nẵng “nóng” bởi nguồn cung không ngừng tăng mạnh. Hơn thế, Công ty Nghiên cứu thị trường bất động sản Savills tại Đà Nẵng đã dự báo về nguồn cung condotel có thể tăng gấp 3 lần vào năm 2018.

Sự phát triển này được ví là một “cơn lốc”, bởi theo ghi nhận của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về phát triển bất động sản condotel. Tính đến hết tháng 7/2017, tổng số nguồn cung condotel trên địa bàn Đà Nẵng là 6.715 căn, nhưng dự kiến đến cuối năm sẽ tăng lên gấp đôi từ 5 dự án mới.

Đó là chưa tính một số dự án đã được chủ đầu tư dời thời gian chào bán dự kiến sang giai đoạn 2018-2019 với dự báo nguồn cung mới khoảng 9.000 căn.

Và các ngân hàng không ngoài cuộc chơi này. Từ những “ông lớn” ngân hàng có vốn nhà nước như Vietcombank, VietinBank, BIDV chịu sức hấp dẫn, đến các ngân hàng cổ phần như Techcombank, SHB... 

Cụ thể, khách mua các dự án condotel như Gold Coast Nha Trang hay Citadines condotel Hạ Long được Vietcombank cho vay với 70% giá trị căn hộ trong thời gian tối đa 15 năm.

Dự án Swisstouches La Luna Resort cho biết, khách mua được VietinBank hỗ trợ cho vay 70% giá trị căn hộ với lãi suất 0% trong 12 tháng và ân hạn nợ gốc 12 tháng. VietinBank cũng bảo lãnh cho dự án The Arena Cam Ranh, với mức hỗ trợ vay vốn 70% và lãi suất 0% đến ngày nhận bàn giao căn hộ, dự án Wyndham Soleil Đà Nẵng với chính sách tương đương.

Còn BIDV bảo lãnh dự án Swisstouches La Luna Resort Nha Trang với cam kết mua lại căn hộ với giá trị tối thiểu bằng 108% giá bán.

Techcombank được giới thiệu là đơn vị cho vay dự án Condotel Grand World Phú Quốc với mức hỗ trợ 60% giá trị hợp đồng mua bán căn hộ hỗ trợ lãi suất 0% đến năm 2020. MB phối hợp với Vietcombank cam kết hỗ trợ khách hàng vay tại dự án Pan Pacific Đà Nẵng Resort.

Ngân hàng đưa ra cam kết hỗ trợ khách hàng vay tới 70% giá trị căn hộ, biệt thự, tối thiểu trong 5 năm và tối đa 20 năm với phí trả nợ trước hạn trong vòng 12 tháng. Lãi suất tối đa là 8%/năm.

Nhưng, “niềm vui chưa tày gang” khi năm ngoái, thị trường condotel “nổ” với dự án Cocobay Đà Nẵng phá vỡ cam kết thanh toán lợi nhuận cho khách hàng khiến giới đầu tư chao đảo khi đã rót hàng nghìn tỷ đồng vào dự án, nhưng phải đối mặt với việc trả lãi ngân hàng.

“Chờ được vạ thì má đã sưng” nên nhà đầu tư quay sang “vây” ngân hàng bảo lãnh là SHB. Đã có những cuộc làm việc giữa các bên, nhưng vẫn có nhà đầu tư mặc áo in chữ, treo băng rôn phản đối trước ngân hàng.

BOT, BT: Rủi ro thanh khoản có thể xảy ra bất cứ lúc nào

Một lĩnh vực cho vay nóng khác đó các dự án BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao) cũng phần lớn sử dụng nguồn vốn từ ngân hàng.

Đây là câu chuyện tốn nhiều giấy mực, thậm chí thời điểm các dự án BOT được triển khai ồ ạt, một vài ý kiến đã lo ngại rằng “liệu có một ngày nhân viên ngân hàng ra bán vé ở trạm thu phí vì chủ đầu tư không trả được nợ vay?”.

Số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến cuối tháng 12/2016, đã có 20 tổ chức tín dụng cấp tín dụng cho các dự án BOT, BT giao thông với tổng hạn mức 163.097 tỷ đồng, tổng số dư tín dụng 84.235 tỷ đồng (chiếm hơn 2/3 tín dụng cấp cho lĩnh vực giao thông).

91% dư nợ trong số đó thuộc về 4 ngân hàng BIDV, Vietcombank, VietinBank và SHB. Bình quân giai đoạn 2016-2019, dư nợ lĩnh vực BOT, BT giao thông tăng 10,82%, chiếm 1,51% tín dụng cấp cho lĩnh vực này.

Theo đánh giá của NHNN,  dù nợ xấu được đánh giá thấp, nhưng rủi ro thanh khoản cho toàn ngành ngân hàng nói chung và cho các ngân hàng nói riêng là có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu dự án chậm tiến độ.

Khi các ngân hàng thường chỉ có nguồn huy động chủ yếu là ngắn hạn mà tập trung cho vay BOT, BT sẽ khiến mất cân đối kỳ hạn trên bảng cân đối và giảm khả năng thanh khoản của ngân hàng cho vay…

Đến thời điểm hiện tại, dù kết quả chưa đến mức “nhân viên ngân hàng đi bán vé ở trạm thu phí”, nhưng lo ngại đã hiện hữu. Những lùm xùm ở trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang), trạm BOT Hạc Trì, Việt Trì (Phú Thọ) đang khiến không ít ngân hàng lo lắng.

Câu chuyện BOT những năm qua cho đến hiện tại vẫn mang tính thời sự khi các báo cáo của NHNN gửi Quốc hội liên tục cập nhật các số liệu xung quanh vấn đề này và gần đây nhất, NHNN cho biết, tốc độ tăng giảm mạnh qua các năm và tỷ trọng cũng có xu hướng giảm. Cụ thể, đến cuối tháng 3/2020, dư nợ lĩnh vực này tăng 1,27%, chiếm 1,35%.

Thống đốc NHNN thông tin thêm, hiện có khoảng 49 dự án BOT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 64.676 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ, tăng trích lập dự phòng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và việc thực hiện Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.

Phải giữ định hướng đảm bảo chất lượng tín dụng

Lịch sử cho vay của các ngân hàng đã có quá nhiều bài học, từ cho vay chỉ định tới vay thương mại. Chẳng hạn, ngay thời điểm hiện tại, chuyện cho vay tàu cá theo Nghị định 67 vẫn nằm trong báo cáo của NHNN tại Quốc hội kỳ họp này.

Tiếp tới sẽ là câu chuyện gì? Đó chính là các khoản vay hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch Covid-19.

Bà Hà Thu Giang, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, kết quả hoạt động ngân hàng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tính đến cuối tháng 5/2020 như sau: Tất cả các tổ chức tín dụng, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 224.000 khách hàng với dư nợ gần 152.000 tỷ đồng; đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 326.000 khách hàng với dư nợ trên 1,14 triệu tỷ đồng.

Cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến cuối tháng 5/2020 đạt trên 767.000 tỷ đồng cho hơn 196.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5%/năm so với trước dịch.

Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho hơn 150.000 khách hàng với dư nợ hơn 3.800 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75.000 khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỷ đồng, cho vay mới đối với hơn 680.000 khách hàng với dư nợ hơn 25.000 tỷ đồng.

Được biết, dư nợ tín dụng đến 3/6 tăng 1,9%. Báo cáo của Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng gửi Quốc hội cho biết, cầu tín dụng hiện ở mức thấp.

Mặc dù các tổ chức tín dụng đã đưa ra nhiều chương trình cho vay lãi suất ưu đãi có quy mô lớn, nhưng nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng của khách hàng có xu hướng giảm.

“Khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay, đánh giá sơ bộ đến nay dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng khoảng 1,8-2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro đối với hoạt động ngân hàng”, Thống đốc cho biết.

Điểm đáng chú ý trong quý I/2020, tỷ lệ nợ xấu của 16 ngân hàng niêm yết tăng từ 1,44% cuối quý IV/2019 lên 1,65%. Trong quý I/2020, tỷ lệ tạo mới nợ xấu của 16 ngân hàng niêm yết là 0,23%, tăng mạnh so với 7 quý trước về tương đương mức quý I/2018.

Cho vay sau đại dịch Covid-19 có lẽ phải thận trọng, vì bài học trong quá khứ cho thấy hậu quả không chỉ trong ngắn hạn, mà có thể còn kéo dài nhiều năm tới.

“Tôi hy vọng hạn mức tăng trưởng tín dụng sẽ không được nới thêm quá nhiều do NHNN vẫn phải giữ định hướng đảm bảo chất lượng tín dụng và kiểm soát lạm phát”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm.

Tin bài liên quan