Quan tâm nhiều, nhưng chưa đồng bộ
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Quân, Phó tổng giám đốc TPBank cho biết: “Theo quan điểm của TPBank, nếu một dự án có rủi ro môi trường-xã hội được nhận định là quá cao, hoặc không thể áp dụng các biện pháp giảm thiểu để tác động môi trường-xã hội ở mức có thể chấp nhận được, TPBank có thể không cấp tín dụng, ngay cả khi dự án được đánh giá là đem lại lợi nhuận cao”.
Đối với ngành xây dựng, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Hồ Hồng Hà, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và phát triển đô thị Long Giang (Long Giang Land) cho biết, từ trước đến nay, khi xin cấp tín dụng từ ngân hàng, doanh nghiệp phải xuất trình tài liệu chứng minh việc doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật về môi trường.
Tài liệu này nằm trong danh mục hồ sơ pháp lý dự án đầu tư mà doanh nghiệp bắt buộc phải cung cấp cho ngân hàng, đó là Giấy đăng ký cam kết bảo vệ môi trường, hoặc Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kèm theo hồ sơ thuyết minh báo cáo đánh giá (tuỳ theo quy mô dự án) do UBND cấp có thẩm quyền cấp.
Được biết, Bộ công cụ đánh giá rủi ro môi trường-xã hội do NHNN sắp ban hành sẽ áp dụng cho 10 ngành, bao gồm: nông nghiệp, hóa chất, xây dựng và cơ sở hạ tầng, năng lượng, chế biến thực phẩm, dệt may, dầu khí, xử lý chất thải, khai thác mỏ và các sản phẩm từ chất khoáng phi kim loại, nhằm phục vụ quá trình quản lý rủi ro môi trường-xã hội của các TCTD hoạt động tại Việt Nam.
“Tuy vậy, trong quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn, vẫn còn những ngân hàng chưa trực tiếp tiến hành thẩm định tác động môi trường-xã hội của dự án”, ông Hà chia sẻ.
Thực tế, đã có những thay đổi mang tính bước ngoặt liên quan đến rủi ro môi trường-xã hội khi hợp đồng tín dụng cần điều chỉnh cho phù hợp với Thông tư 39/2016/TT-NHNN và sẽ có quy định về việc khách hàng phải tuân thủ pháp luật, chính sách của Nhà nước, bao gồm cả việc tuân thủ đầy đủ quy định về bảo vệ môi trường.
Đồng thời, ngân hàng có quyền trực tiếp kiểm tra, hoặc yêu cầu bên vay cung cấp thông tin về việc tuân thủ các quy định pháp luật, bao gồm pháp luật về môi trường và các thông tin khác liên quan đến khoản vay.
Tuy vậy, bà Đặng Thị Thu Hải, Trưởng Phòng Tư vấn pháp luật ngân hàng, Khối Pháp chế và kiểm soát tuân thủ VPBank cho biết, hiện nay, công tác môi trường-xã hội tại Việt Nam vẫn chưa thực sự được coi trọng, nên việc thực thi các yêu cầu đánh giá, giảm rủi ro môi trường-xã hội khi cấp tín dụng trước mắt có thể sẽ khó khăn để đạt được sự hợp tác của khách hàng. Khách hàng có thể sẽ chuyển sang ngân hàng khác không có tiêu chuẩn bắt buộc về môi trường-xã hội, hoặc tiêu chuẩn đơn giản hơn.
Bộ công cụ đánh giá rủi ro môi trường-xã hội: Việc cần làm ngay
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cho rằng, cần có công cụ nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng (TCTD) nói chung và cán bộ ngân hàng nói riêng có thêm thông tin, căn cứ chuyên ngành trong công tác thẩm định các tác động đối với môi trường-xã hội của các dự án/phương án sản xuất-kinh doanh của khách hàng một cách hiệu quả.
Biện pháp này giúp đảm bảo mục tiêu đầu tư, kinh doanh và lợi nhuận, nhưng vẫn chú trọng quan tâm đến phát triển môi trường-xã hội xanh và bền vững.
“Thông tư 39/2016/TT-NHNN đã có quy định về việc tổ chức tín dụng phải thẩm định việc tuân thủ quy định về pháp luật môi trường. Ngoài ra, đối với các ngân hàng có cam kết về việc tuân thủ chuẩn mực quản trị rủi ro môi trường-xã hội với các tổ chức tài chính quốc tế, thì việc có công cụ đánh giá tác động môi trường-xã hội là vô cùng cần thiết, giúp các ngân hàng có công cụ để triển khai việc đánh giá, thẩm định”, bà Hải nhấn mạnh.
Theo bà Hải, bộ công cụ cần cụ thể hóa được các yêu cầu về đánh giá rủi ro môi trường-xã hội theo pháp luật Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế, phổ biến như Bộ Nguyên tắc Xích đạo hay Bộ Tiêu chuẩn môi trường-xã hội của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC)…
Ông Lê Đức Thọ nhận định, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các cơ quan quản lý cần tăng cường truyền thông, tập huấn và phổ biến các chính sách môi trường-xã hội đến toàn thể người dân, các cơ quan, đơn vị có liên quan để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong toàn xã hội.
Các cơ quan nhà nước, các đơn vị có chuyên môn cần tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường-xã hội.
Từ đó, công khai thông tin và xử lý các đơn vị không tuân thủ về môi trường-xã hội, nhằm đảo bảo hoạt động này được thực thi nghiêm túc và minh bạch theo quy định của pháp luật.
Song song với đó, các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin đầy đủ, toàn diện cho tất cả các bên liên quan, trong đó có các TCTD.
Đối với các dự án gây tác động lớn đến môi trường-xã hội thì cần xây dựng cơ chế, chế tài giám sát riêng biệt; xây dựng cơ chế chuyên gia, chuyên viên môi trường-xã hội chuyên trách tại các đơn vị để sẵn sàng cung cấp và chia sẻ, giải thích thông tin hỗ trợ các vướng mắc về môi trường-xã hội đối với các đơn vị liên quan.
“Chính sách môi trường-xã hội của NHNN khi triển khai tới các TCTD cần được thực hiện đồng bộ, thống nhất; các TCTD phải chịu sự giám sát của NHNN trong tuân thủ chính sách chung, nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý thực thi chính sách, tránh sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các TCTD”, ông Thọ nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hồng Quân cho biết, trong cách nhìn nhận cũ khi xem xét quan hệ tín dụng, rủi ro môi trường-xã hội tiềm ẩn được xem nhẹ và đôi khi được cho là không đáng kể, hoặc không liên quan, nhưng trên thực tế hoàn toàn có thể xảy ra và mỗi khi xảy ra có thể đem lại các thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp.
“Hiện nay, các TCTD cũng đã bắt đầu chú ý đến việc đánh giá rủi ro môi trường-xã hội tiềm ẩn và các tác động lên hoạt động sản xuất-kinh doanh của khách hàng trước khi phê duyệt cấp tín dụng. Việc NHNN xây dựng và chuẩn bị ban hành sổ tay đánh giá rủi ro môi trường-xã hội trong hoạt động cấp tín dụng là rất cần thiết để hỗ trợ cho các TCTD trong giai đoạn hiện nay”, ông Quân nói.
Ông Hồ Hồng Hà chia sẻ: “Doanh nghiệp hoàn toàn ủng hộ quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn mà phía ngân hàng trực tiếp tiến hành thẩm định tác động môi trường-xã hội của dự án. Cùng với đó, hợp đồng tín dụng có điều kiện ràng buộc trách nhiệm và nghĩa vụ tuân thủ các quy định của pháp luật về môi trường với các lần giải ngân, cũng như việc cán bộ ngân hàng giám sát doanh nghiệp thực hiện các cam kết tuân thủ pháp luật về môi trường và lao động”.