TS. Trần Du Lịch

TS. Trần Du Lịch

Cho vay nuôi nợ để đòi nợ

(ĐTCK) “Cho vay nuôi nợ để đòi nợ” là ý tưởng của TS.Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đưa ra nhằm thực hiện nhiều mục tiêu kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Khi đăng đàn phát biểu trên nghị trường sáng qua (31/10) ông có nói rằng, hiện có rất nhiều doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản chỉ vì thiếu vốn, để giải quyết bài toán này cần phải thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt. Vậy theo ông, chính sách đó là gì?

Đó là chính sách “cho vay nuôi nợ để đòi nợ”.

 

Thưa ông, có thể hiểu chính sách này thế nào?

Đánh giá thị trường tín dụng, về tổng thể, có thể nói, trong 2 năm vừa qua, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đạt được nhiều kết quả rất đáng kể, như thị trường tiền tệ đã tương đối ổn định, tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện rõ rệt, mặt bằng lãi suất đã trở về thời kỳ năm 2005-2006, nhiều doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất 5-6%/năm. Chỉ có điều, những doanh nghiệp vướng vào nợ, mặc dù có thị trường, dự án đầu tư khả thi rất khó tiếp cận nguồn vốn.

Với những đối tượng này, ngân hàng cần phải ứng xử linh hoạt, tức là tạm thời khoanh lại khoản nợ cũ, điều chỉnh các khoản vay trước đây có lãi suất trên 14%/năm xuống tối đa còn 14%/năm; tiếp tục cho vay, tức là “cho vay nuôi nợ để đòi nợ”. Với cơ chế này, có đến ít nhất 4 bên có lợi: ngân hàng cho vay được vốn và thu hồi được nợ; doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn và có điều kiện phục hồi, phát triển sản xuất; ngân sách nhà nước có khả năng tăng thu; người lao động có việc làm, có thu nhập. 

 

Nhưng vấn đề là, toàn bộ tài sản của doanh nghiệp đã được đem thế chấp để vay vốn, nếu tiếp tục cho vay, thì vi phạm Quy chế về vay vốn của NHNN?

Chính vì vậy mới cần sự linh hoạt.

Để xử lý vấn đề này, chính quyền TP.HCM, Chi nhánh NHNN TP.HCM chủ động làm việc với các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp có liên quan trên địa bàn để rà soát xem doanh nghiệp nào, dự án nào khả thi, có thị trường, có khả năng trả nợ, nhưng do vướng vào nợ cũ để cùng nhau tháo gỡ.

Thậm chí, chính quyền nhiều quận, huyện cùng các ngân hàng và doanh nghiệp trên địa bàn rà soát từng dự án để đánh giá mức độ khả thi, thị trường, khả năng trả nợ.

Việc làm này công khai, minh bạch, nên ngân hàng rất yên tâm cho vay. Giả sử, nếu không may do sự thay đổi của thị trường mà khoản cho vay bị quá hạn, thậm chí bị mất, thì ngân hàng cũng không quá lo lắng, vì việc họ cho vay không khuất tất, tất cả đều vì sự phát triển sản xuất - kinh doanh, xa hơn là vì sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Kết quả của các cuộc “hội đàm” 3 - 4 bên này đạt được là gì?

Tại TP.HCM, có nhiều doanh nghiệp bất động sản đã đầu tư 70 - 80%, nhưng “cụt vốn”, ngân hàng cho họ vay nốt phần còn thiếu để đầu tư tiếp, doanh nghiệp bàn giao nhà cho khách hàng, lấy được tiền lại trả nợ ngân hàng. Hàng loạt doanh nghiệp đầu tư dang dở, nhà xưởng đã hoàn thành, có thị trường tiêu thụ, nhưng lại thiếu tiền mua máy móc, thiết bị để đi vào hoạt động, ngân hàng cho vay, doanh nghiệp đi vào sản xuất, có tiền trả nợ ngân hàng.

Nếu ngân hàng không cho vay thì sao, doanh nghiệp bất động sản không thể bàn giao nhà cho khách hàng, không có tiền để trả nợ cũ, người mua nhà cũng bị ảnh hưởng rất nhiều; nhà xưởng để không đưa vào sử dụng, xuống cấp dẫn đến lãng phí cho xã hội. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến doanh nghiệp phá sản, ngân hàng cũng không đòi được nợ cũ, khách hàng không biết đến bao giờ mới nhận được nhà, người lao động mất việc, ngân sách thất thu.

 

Nhưng liệu có dẫn đến khả năng đảo nợ, tức là doanh nghiệp vay vốn với lãi suất 8-9%/năm để trả nợ cũ với lãi suất 12-14%/năm (chưa kể nợ quá hạn), thưa ông?

Vì thế, mới cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, chi nhánh NHNN ở địa phương. Tôi cũng muốn nói thêm rằng, trong những trường hợp này, ngân hàng phải kiểm soát dòng tiền hết sức chặt chẽ, xem khoản cho vay có được đầu tư vào các công trình, dự án theo thỏa thuận, hay lại đem trả nợ cho ngân hàng khác.

 

Như vậy, ông có nghĩ rằng, chính quyền can thiệp vào hoạt động kinh doanh của ngân hàng, trái với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng?

Chính quyền không hề can thiệp vào hoạt động kinh doanh của ngân hàng, mà chỉ đứng ra làm trung gian, làm cầu nối để doanh nghiệp và ngân hàng gặp nhau, còn việc cho vay bao nhiêu, thời hạn trả nợ thế nào, lãi suất ra sao, cho vay đối với dự án nào, không cho vay đối với dự án nào là quyền của ngân hàng và doanh nghiệp dựa trên hợp đồng tín dụng.

Ý tôi muốn nói là, trên quan điểm không để bất cứ doanh nghiệp nào, dự án nào khả thi, có thị trường, có khả năng phục hồi mà bị “chết oan”, đóng cửa oan do thiếu vốn, thì trong hoàn cảnh hiện nay, ngân hàng cần phải áp dụng chính sách tín dụng linh hoạt. Khi hoạt động sản xuất, kinh doanh đã qua khỏi khó khăn, thị trường tín dụng trở lại bình thường, chính quyền sẽ chấm dứt vai trò là cầu nối, là khâu trung gian và để cho thị trường tự quyết định.