Tại Hội thảo “Tín dụng ngân hàng thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức sáng nay (30/10), ông Trần Văn Tần, Trưởng phòng Tín dụng Nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, nếu như trước đây cho vay nông nghiệp, nông thôn được coi là lĩnh vực riêng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), thì đến nay, hầu hết các tổ chức tín dụng (TCTD) đều quan tâm và triển khai cho vay đối với lĩnh vực này.
Ngành nông nghiệp có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế Việt Nam. Mặc dù chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 17,4% trong GDP, nhưng ngành nông nghiệp thu hút trên 50% lực lượng lao động cả nước.
Nông nghiệp còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản năm 2015 đạt 30,45 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 18,8% tổng kim ngạch xuất khẩu). Đặc biệt, trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua (2008 - 2013), nông nghiệp chính là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam và là nhân tố giúp ổn định chính trị - kinh tế ở khu vực nông thôn.
Do vậy, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, những chính sách kịp thời của Chính phủ và NHNN đã góp phần khơi thông nguồn vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Tại Agribank, ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc cho biết, nhiều chương trình tín dụng quan trọng Agribank triển khai đều gắn với phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2016, cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (trước đây là Nghị định 41/2010/NĐ-CP) đạt trên 277.000 tỷ đồng, tăng 22% so với 2015 và tăng 52,8% so cùng kỳ năm trước; Cho vay hộ sản xuất và cá nhân thông qua tổ liên kết với dư nợ đạt trên 58.000 tỷ đồng, trên 44.000 tổ vay vốn và trên 1 triệu thành viên; Cho vay xây dựng nông thôn mới với dư nợ đạt trên 271.000 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái; Cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và thông tư 06/2009/TT-NHNN với dư nợ trên 2.800 tỷ đồng, tăng 32,7% so cùng kỳ năm trước, với trên 6.500 khách hàng dư nợ; Cho vay tái canh cà phê dư nợ 761 tỷ đồng; Cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản với dư nợ 1.270 tỷ đồng; Cho vay thí điểm phát triển chuỗi liên kết và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao theo Nghị quyết 14/2014/NQ-CP của Chính phủ với dư nợ 653 tỷ đồng…
Các ngân hàng (đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần ngoài quốc doanh) trước đây vốn không “mặn mà” trong việc tăng trưởng tín dụng nông nghiệp, nông thôn, nhưng đến nay đã có nhiều thay đổi trong quan điểm và hành động.
Cụ thể, đến thời điểm 30/6/2016, lượng vốn đầu tư tín dụng Vietcombank cung ứng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 42.081 tỷ đồng, có mức tăng trưởng khoảng 18,7% so với năm 2014. Tỷ trọng cho vay thường chiếm khoảng 9 - 10% tổng dư nợ toàn hệ thống Vietcombank.
Trong những năm qua, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn tại BIDV liên tục tăng trưởng qua các năm và đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với tốc độ tăng trưởng của tổng dư nợ nông nghiệp toàn ngành, cũng như tăng trưởng dư nợ chung của toàn nền kinh tế nói chung (tăng gấp hơn 7 lần trong giai đoạn 2010-nay) đạt 105.758 tỷ đồng vào 30/9/2016.
Tăng trưởng nhanh về quy mô qua các năm, đưa tỷ lệ dư nợ tín dụng nông nghiệp trong tổng dư nợ tại BIDV từ 5,82% năm 2010 lên 15,75% tại 30/9/2016.
Đến thời điểm 30/6/2016, lượng vốn đầu tư tín dụng Vietcombank cung ứng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 42.081 tỷ đồng. Dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn tại BIDV đạt 105.758 tỷ đồng. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của SHB đạt hơn 57.464 tỷ đồng.
Về chất lượng tín dụng, cho vay nông nghiệp tại BIDV về cơ bản được quản lý chặt chẽ với tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay nông nghiệp các năm đều thấp hơn tương đối so với tỷ lệ nợ xấu tại BIDV (tại 30/9/2016 chỉ ở mức 0,86% thấp hơn tương đối so với tỷ lệ nợ xấu là 1,96%).
Còn đối với khối ngân hàng thương mại cổ phần, ông Đỗ Lam Điền, Giám đốc khối Ngân hàng doanh nghiệp của SHB thông tin, SHB với tổng tài sản đạt trên 215.007 tỷ đồng, nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân đạt trên 176.367 tỷ đồng. Dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 147.340 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 57.464 tỷ đồng, chiếm 40% tổng dư nợ của SHB.
Đến nay, SHB đã có gần 1 triệu lượt khách hàng có quan hệ tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn với doanh số cho vay hàng năm đạt gần 100.000 tỷ đồng. Nhiều khách hàng là DN lớn có dư nợ tại SHB hiện nay đang sản xuất kinh doanh những mặt hàng chủ lực của nông nghiệp Việt Nam như thủy hải sản (cá tra, ba sa, tôm..), cà phê, điều, các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu gạo…
“Đặc biệt, cho vay trong lĩnh vực này còn có BacA Bank với tỷ trọng chiếm trên 70% dư nợ”, lãnh đạo NHNN cho biết.
Ông Tần cho biết thêm, bên cạnh nguồn vốn tín dụng thương mại, vốn tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn.
Đến 30/9/2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 153.306 tỷ đồng, tăng 7,56% so với 31/12/2015 với gần 2 triệu hộ nghèo còn dư nợ, tập trung ở một số chương trình tín dụng lớn như: cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn…
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới qua 5 năm triển khai trên toàn quốc đã đạt được kết quả đáng khích lệ không thể không kể đến vai trò của nguồn vốn tín dụng (chiếm khoảng 50% tổng nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015).
Dư nợ cho vay tại tất cả các xã phục vụ xây dựng nông thôn mới đến hết tháng 6/2016 đạt 660.667 tỷ đồng, tăng 15,22% so với thời điểm cuối năm 2015.
Rất nhiều hộ dân và các đối tượng khách hàng ở nông thôn đã được tiếp cận vốn tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh, thoát nghèo và vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình.