Hơn 2 năm kể từ ngày Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển quản lý nhà ở xã hội ra đời, năm 2018, Chính phủ đã dành 1.000 tỷ đồng thực hiện chính sách này. Trong đó 500 tỷ đồng là ngân sách trung ương cấp và 500 tỷ đồng còn lại được trích từ nguồn huy động của ngân hàng.
Theo đó, ngày 3/4/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 370/QĐ-TTg về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Theo đó, lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở theo Nghị định 100 là 4,8%/năm (0,4%/tháng), lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.
Các đối tượng trên được vay tối thiểu 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Trường hợp khách hàng có nhu cầu vay với thời hạn thấp hơn thời hạn cho vay tối thiểu thì được thỏa thuận với ngân hàng về thời hạn cho vay thấp hơn.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2018 và áp dụng đối với các khoản giải ngân vốn vay từ ngày 10/12/2015.
Sau 6 tháng chính thức triển khai Chương trình, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, Ngân hàng chính thức khởi động chương trình từ đầu tháng 4/2018 với kế hoạch đặt ra là giải ngân khoảng 1.000 tỷ đồng trong năm 2018.
Tính đến ngày 31/9/2018, tổng dư nợ đạt 200 tỷ đồng với trên 700 khách hàng vay tại 50 tỉnh, trong đó, các tỉnh có dư nợ cao là: Quảng Nam (gần 32 tỷ đồng); TP. Đà Nẵng (21 tỷ đồng); Bắc Ninh (15 tỷ đồng); Bắc Giang (12 tỷ đồng); Hưng Yên (9 tỷ đồng); Quảng Bình (8,5 tỷ đồng); Thừa Thiên Huế (7,2 tỷ đồng); Quảng Trị (7,2 tỷ đồng); Thanh Hoá (7 tỷ đồng)…
Riêng Hà Nội và TP.HCM, ông Lý cho biết, cho đến nay giải ngân vẫn ít do một số dự án chủ đầu tư đã thế chấp vay vốn ở các ngân hàng khác. Bên cạnh đó, ở 2 thành phố này đều có những chương trình riêng khác về nhà ở xã hội.
“Tuy nhiên, riêng TP.HCM, trong thời gian tới đây sẽ giải ngân một loạt”, ông Lý nhấn mạnh.
Mặc dù việc giải ngân diễn ra khá nhanh chóng, nhưng so với kế hoạch giải ngân khoảng 1.000 tỷ đồng, con số 200 triệu đồng tổng dư nợ được nhận định là thấp, tiến độ giải ngân chậm. Dẫu vậy, ông Lý cho rằng:
“Tiến độ giải ngân như trên là phù hợp, căn bản sẽ giải ngân xong theo kế hoạch. Chúng tôi rất muốn đẩy vốn nhanh nhưng phải cân nhắc trên nhiều mặt. Cho vay nhanh dễ xảy ra sai sót, sai đối tượng. Việc triển khai cho vay phải dựa trên nền dân chủ cơ sở và dùng quy trình dân chủ đó để giám sát trở lại, khiến chương trình thực sự giải quyết được vấn đề nhà ở cho người dân”.
Được kỳ vọng đây sẽ là chương trình đáp ứng nguyện vọng của nhiều người dân nên những khó khăn, vướng mắc được Ngân hàng quan tâm, theo dõi sát sao. Thực tế cho thấy, vướng mắc lớn khi giải ngân vốn cho chương trình này còn rất nhiều.
Chẳng hạn, căn hộ nhà ở xã hội đã được chủ dự án thế chấp để gọi vốn từ các ngân hàng khác, nay người dân muốn vay vốn để mua nhà của họ thì chủ dự án phải giải chấp căn hộ đó. “Và vấn đề này cần rất nhiều thời gian”, ông Lý nhấn mạnh.
Hay như câu chuyện người vay vốn để sữa chữa hay xây nhà phải có hộ khẩu cư trú hợp pháp, không phải ai cũng đáp ứng được yêu cầu này. Một số người vay vốn về xây dựng trên đất không nằm trong quy hoạch hoặc chưa được phê duyệt...
“Ngoài ra, hiện nay có tâm lý đây là chương trình tín dụng dài hơi nên đối tượng vay vốn không vội vay. Nhiều người đang cân nhắc nên vay năm này hay năm sau, mua chỗ nào để phù hợp với hoàn cảnh. Nhưng tôi khẳng định, đến giờ phút này chúng tôi chưa nhận được trường hợp nào đủ điều kiện vay mà chưa được vay”, ông Lý nói.
Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết thêm, đối tượng vay vốn thuộc quy định của Chính phủ sẽ được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Người vay trước hay vay sau đều thuộc kế hoạch đã bố trí vốn hàng năm của Chính phủ. Nhưng Ngân hàng sẽ có cách điều hành kế hoạch vốn để giải ngân hợp đồng cho người vay vốn không chịu thiệt thòi.
Đối tượng được vay vốn theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP là những người có công với cách mạng, người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo ở khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các DN trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc CAND và QĐND; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật.
Khách hàng được vay mức tối đa 80% giá trị hợp đồng đối với mua nhà ở xã hội và 70% giá trị dự toán đối với xây mới, cải tạo nhà để ở trong thời gian 15 - 25 năm.