Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 30/4/2014, có 4.488 khách hàng đã ký hợp đồng tín dụng với các ngân hàng với tổng số tiền 3.470 tỷ đồng. Trong đó, 4.469 khách hàng cá nhân đã ký hợp đồng với các tổ chức tín dụng với tổng số tiền 1.680 tỷ đồng. Đối với doanh nghiệp, ngân hàng đã xác nhận cho 19 khách hàng, với 21 dự án được vay, số tiền cam kết giải ngân là 1.790 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ có 11,6% trên tổng số tiền của gói tín dụng ưu đãi được đưa đến tay người có nhu cầu. Câu hỏi đặt ra là, đã có khoảng cách quá xa giữa các quy định của những người làm chính sách hay còn uẩn khúc nào phía sau tiến độ giải ngân quá chập chạp của gói tín dụng này?
Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, thất bại của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng là điều có thể tiên đoán, khi mục tiêu hướng đến là những người nghèo, thu nhập thấp, nhưng “luật chơi” lại được thực hiện theo cách của nhà giàu.
“Một trong những khó khăn mà người dân gặp phải khi tiếp cận gói tín dụng này là vấn đề tài sản thế chấp ngân hàng. Người không đủ tiền để mua nhà thu nhập thấp mới phải đi vay ngân hàng. Thế nhưng, ngân hàng lại yêu cầu phải có tài sản thế chấp thì mới cho vay. Đã không có tiền mua nhà thì lấy đâu ra tài sản có giá trị để thế chấp ngân hàng?”, ông Võ đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, thành viên HĐQT độc lập Ngân hàng Ocean Bank cho rằng, đáng lẽ trước khi gói hỗ trợ này ra đời, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại phải ngồi lại với nhau để văn bản hóa các điều kiện cụ thể, chi tiết các điều kiện cho vay…
“Các quy định hướng dẫn chung chung nên đã dẫn đến chuyện đối tượng cho vay thì như nhau, nhưng quy định cho vay của từng ngân hàng, từng chủ đầu tư lại khác nhau khiến người dân mệt mỏi”, ông Hiếu phân tích.
Là người trực tiếp vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng để mua nhà ở xã hội, ông Nguyễn Xuân Đồng, cán bộ y tế phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, tài sản thế chấp và khả năng trả nợ là những yếu tố quyết định việc ngân hàng có chấp nhận giải ngân hay không. Cho dù vấn đề tài sản thế chấp có được tháo gỡ theo Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-NHNN-BXD-BTP-BTNMT, thì những khó khăn với người vay vốn vẫn không giảm đi là bao.
“Cho dù có ngân hàng cho thế chấp, thì một cán bộ công chức hưởng hệ số lương 3,0, mỗi tháng, có tổng thu nhập khoảng 5 triệu đồng trả qua tài khoản ngân hàng, sẽ chẳng bao giờ chứng minh được với ngân hàng về phương án trả nợ”, ông Đồng nói.
Có nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho sự thất bại của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ý kiến của ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành là điều khiến nhiều người phải suy ngẫm. Đó là gói hỗ trợ được đưa ra quá muộn, khi thị trường bất động sản Việt Nam đã “bất động” một thời gian quá dài.
Theo ông Đực, nguồn cơn dẫn đến sự bất động của thị trường bất động sản những năm vừa qua là sự thiếu minh bạch dẫn đến sự bất cập về cung cầu. Trong khi phần lớn người dân còn nghèo, thì các chủ đầu tư chỉ chú ý kiếm lời từ phân khúc bất động sản cao cấp. Cộng vào đó là nạn đầu cơ, làm giá không kiểm soát của các sàn giao dịch, đơn vị môi giới khiến giá bất động sản hoàn toàn vượt khỏi khả năng chi trả của những người có nhu cầu ở thực.
Trong bối cảnh trên, đáng lẽ phải giải quyết tận gốc căn bệnh trầm kha của thị trường bất động sản là chặt đứt những bàn tay thao túng khiến thị trường không thể vận hành một cách bình thường, thì cơ quan chức năng lại đưa ra một ít “mồi nhử” là gói tín dụng hỗ trợ cho phân khúc nhà giá thấp, với mong muốn tạo hiệu ứng “vết dầu loang” để thị trường sôi động trở lại.
Ông Đực cho rằng, có thể nói, cơ quan chức năng đã thành công khi thời gian gần đây, một số dự án bất động sản đã thông báo tăng giá, hết hàng. Nhưng với thực tế gói tín dụng ưu đãi còn đến gần 90% nằm trong két ngân hàng, thì chủ trương mà nó hướng đến là nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp cơ bản là thất bại.