Vụ tranh chấp kéo dài 8 năm và vừa qua, Tòa án nhân dân TP. Hội An đã đưa vụ việc ra xét xử sơ thẩm.
Theo đó, năm 2011, Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long - MHB (nay do BIDV kế thừa quyền và nghĩa vụ) cho bà Phạm Thị Tố Tr. (sinh năm 1985, trú tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) vay số tiền với hạn mức tối đa là 20 tỷ đồng, mục đích thanh toán tiền mua vốn góp tại Công ty TNHH Đông Nam, thời hạn vay là 120 tháng.
Tại thời điểm này, bà Tr. là Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty Đông Nam.
Để đảm bảo cho khoản vay, Công ty Đông Nam sử dụng Khách sạn Cát Biển tại Cửa Đại, Hội An làm tài sản thế chấp.
Quá trình vay vốn, bà Tr. không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ, nên ngân hàng khởi kiện. Tại tòa án, hai bên đã đạt được thỏa thuận hòa giải.
Tòa án đã ra quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự, xác định bà Tr. phải trả ngân hàng số tiền 19,8 tỷ đồng, nếu không trả, ngân hàng được quyền phát mại tài sản bảo đảm.
Năm 2018, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam tiến hành các thủ tục kê biên tài sản của Công ty Đông Nam để bán đấu giá.
Lúc này, ông Phùng Văn Th., thành viên sở hữu 33% vốn góp Công ty Đông Nam có đơn yêu cầu tái thẩm đối với quyết định công nhận thỏa thuận giữa các đương sự.
Tiếp đó, tòa án đã xét xử tái thẩm và hủy quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự, giao hồ sơ về Tòa án nhân dân TP. Hội An xét xử lại.
Bà Tr. khai rằng, thực chất của việc vay vốn là vay giúp người khác để nhận chuyển nhượng Công ty Đông Nam.
Bà chỉ làm việc theo sự hướng dẫn của người khác nên mọi giấy tờ, thủ tục liên quan đến vay vốn, chuyển nhượng... đều không nắm rõ.
Trong quá trình giải quyết tại tòa án, ông Th. có đơn yêu cầu độc lập cho rằng, việc Công ty Đông Nam thế chấp khách sạn để đảm bảo cho bà Tr. vay vốn là không đúng, biên bản họp Hội đồng thành viên là giả mạo chữ ký và đề nghị tòa án tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu.
Ông Th. khẳng định không tham gia bất kỳ cuộc họp Hội đồng thành viên nào bàn về việc thế chấp tài sản, cũng không ký vào biên bản họp.
Theo tài liệu vụ việc, ông Dương Thành Huy Phương, thành viên sở hữu hơn 66% vốn góp tại Công ty Đông Nam, là người bán phần vốn góp cho bà Tr.. Ông Phương không phải là người đại diện theo pháp luật của Công ty.
Tuy nhiên, ông Phương lại đứng ra ký hợp đồng thế chấp tài sản với ngân hàng với tư cách người đại diện theo pháp luật. Tòa án xác định việc này trái với quy định về người đại diện theo pháp luật.
Ngoài ra, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty, việc thế chấp tài sản này phải được Hội đồng thành viên Công ty nhất trí.
Tuy nhiên, phía ngân hàng không cung cấp được biên bản họp Hội đồng thành viên có giá trị pháp lý. Các thành viên của Công ty cũng không ai cung cấp được bản gốc.
Do đó, tòa án xác định, hợp đồng thế chấp không đúng theo quy định pháp luật, chấp nhận yêu cầu độc lập của ông Th., tuyên bố hợp đồng thế chấp là vô hiệu.
Riêng yêu cầu phát mãi tài sản để để thu hồi nợ của ngân hàng, bà Tr. và ông Nguyễn T. (sở hữu hơn 66% vốn góp) đồng ý giao phần tài sản tại Công ty Đông Nam tương ứng với phần vốn góp cho ngân hàng để trả nợ.
Tòa án chấp nhận yêu cầu phát mãi Khách sạn Cát Biển, nhưng ngân hàng chỉ được thu hồi hơn 66%. Ông Th. được nhận lại giá trị tài sản tương ứng với tỷ lệ vốn góp 33,3% trong tổng giá trị tài sản.