Tính đến cuối tháng 9/2023, nợ xấu vay tiêu dùng tăng 15% so với đầu năm

Tính đến cuối tháng 9/2023, nợ xấu vay tiêu dùng tăng 15% so với đầu năm

Cho vay dễ, đòi nợ khó

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vay nhanh, thủ tục đơn giản, tài chính tiêu dùng là kênh cung cấp vốn vay nhỏ lẻ và hữu hiệu. Thế nhưng, “phong trào bùng nợ” đang để lại hệ lụy và cả bài học cho ngành tài chính non trẻ này.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đang sụt giảm mạnh, khoảng 40% so với cuối năm ngoái. Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ cho vay của khối này chỉ đạt hơn 134.000 tỷ đồng, nhưng nợ xấu vay tiêu dùng tăng tới 15%, khiến các công ty tài chính không dám cho vay ra. Đơn cử, số dư nợ xấu của VietCredit đã tăng từ 525 tỷ đồng cuối năm ngoái lên 868 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2023, tỷ lệ nợ xấu nhảy vọt từ 11,88% lên 20,45%.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, hiện các công ty tài chính gặp rất nhiều khó khăn, nợ xấu tiêu dùng ngày càng tăng cao, ngoài những yếu tố khách quan tác động thì còn có những yếu tố chủ quan, đó là tình trạng khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau “bùng nợ”. Theo đó, một số đối tượng lợi dụng việc cơ quan quản lý trấn áp tội phạm “tín dụng đen” đã quy kết các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép là tổ chức “tín dụng đen” nên cố tình không trả nợ và thành lập hội “bùng nợ” trên mạng xã hội như zalo, facebook…. mà chưa có chế tài xử lý.

Thực tế, từ đầu năm đến nay, trên nhiều nền tảng mạng xã hội, hàng trăm hội nhóm với vài trăm nghìn thành viên hướng dẫn nhau cách vay rồi… bùng nợ. FE Credit cho biết, việc thu hồi nợ vay hiện rất khó khăn, thậm chí có trường hợp khách vay không những không trả nợ, mà còn hành hung nhân viên Công ty.

Ông Marcin Figlus - Giám đốc Khối Quản trị rủi ro Công ty tài chính FE Credit cho biết, các công ty tài chính đang đối mặt với một vấn đề nan giải trong công tác thu hồi nợ, đó là tình trạng “bùng nợ” có tổ chức bộc phát trong xã hội. Một bộ phận khách hàng đang “đánh đồng” hoạt động thu hồi nợ chính đáng của các công ty được cấp phép là phạm pháp để tẩy chay và chây ỳ việc trả nợ. Với tỷ lệ khách hàng “vay mà không trả” gia tăng nhanh chóng, chế tài xử phạt chưa có và hoạt động khởi kiện gặp khó với các khoản vay giá trị thấp, các công ty tài chính tiêu dùng, bao gồm cả FE Credit, bắt buộc phải trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu tăng cao, gây ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận.

“Không ít người cản trở hoạt động thu hồi nợ bằng các hành vi đe dọa, thậm chí hành hung nhân viên thu hồi nợ. Tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn trong 2 năm qua. Nếu như năm 2019 và 2020, chúng tôi chỉ ghi nhận 2 trường hợp nhân viên thu hồi nợ bị hành hung, thì năm 2022 và 2023 tăng lên 24 vụ…”, ông Marcin Figlus cho hay.

Thượng tá Lê Vinh Tùng - Phó trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, gần đây, cơ quan công an đã phát hiện thủ đoạn các đối tượng thành lập các pháp nhân như công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật… để mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi, sau đó gọi điện, nhắn tin đe dọa nhằm cưỡng đoạt tài sản. Lợi dụng việc cơ quan công an trấn áp, xử lý quyết liệt các hành vi này, một số đối tượng vay vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính chính thống… cố tình “chây ỳ” trả nợ. Thậm chí, trên mạng xã hội, nhiều hội nhóm kín, đăng tải các bài viết, video hướng dẫn, lôi kéo cách “bùng nợ” khi vay qua ứng dụng của các ngân hàng, công ty tài chính, gây ảnh hưởng hoạt động tín dụng chính thống.

Ngoài ra, cơ quan công an còn phát hiện nhiều đối tượng người nước ngoài (Trung Quốc, Nam Phi, Nga, Latvia…) đến Việt Nam thành lập, thu mua, thuê người đứng tên doanh nghiệp có chức năng cầm đồ, tư vấn, kinh doanh tài chính, tuyển dụng nhân viên để sử dụng các ứng dụng, website cho vay lãi nặng với lãi suất lên đến hơn 1.000%/năm.

Theo ông Tùng, Cục Cảnh sát hình sự tiếp tục tham mưu Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xác minh, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Ông Tùng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực của ngành dễ bị các đối tượng lợi dụng để hoạt động “tín dụng đen” như vay trực tuyến, vay ngang hàng, trung gian thanh toán, ví điện tử, đầu tư, kinh doanh dịch vụ tài chính…

Tin bài liên quan