Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN ban hành là một cú "sốc" lớn đối với các ngân hàng cổ phần đang trong quá trình triển khai và đẩy mạnh phát triển dịch vụ tài chính đầy tiềm năng, lợi nhuận cao là cho vay cầm cố chứng khoán. Hiện hầu hết ngân hàng cổ phần đã và đang điều chỉnh tỷ lệ dư nợ cho vay cầm cố chứng khoán xuống mức 3% trên tổng dư nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), phải báo cáo trước ngày 31/12. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa các ngân hàng đã hoàn toàn ngưng hẳn cho vay cầm cố chứng khoán. Song song với việc điều chỉnh hạn mức dư nợ xuống ngưỡng 3%, nhiều ngân hàng đã tìm cách đẩy thêm vốn cho nhà đầu tư.
Để thực hiện được việc này, các ngân hàng đã bắt tay với một số CTCK để cho vay cầm cố cũng như repo và quản lý tài khoản giao dịch của nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc làm này của các ngân hàng không còn được phô trương như trước mà thay vào đó, CTCK là người phụ trách chính trong việc thực hiện cho vay và repo cổ phiếu. Chẳng hạn như CTCK Âu Việt, sau khi ký hợp đồng hợp tác hỗ trợ tài chính với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - Chi nhánh TP. HCM, Công ty đã nhận được 400 tỷ đồng từ Agribank để phục vụ nhà đầu tư vay cầm cố cổ phiếu niêm yết, hỗ trợ đấu giá và tư vấn cho khách hàng. Mới đây, Âu Việt còn đàm phán tiếp với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB Bank) để đẩy thêm vốn cho nhà đầu tư tái kinh doanh cổ phiếu thông qua hình thức cầm cố chứng khoán. Ông Đoàn Đức Vịnh, Trưởng ban Cố vấn chiến lược CTCK Âu Việt cho biết, qua hợp đồng hợp tác giữa Công ty với Agribank, nhà đầu tư tại Âu Việt sẽ có cơ hội vay cầm cố chứng khoán lên đến 50% thị giá cổ phiếu. Ngoài ra, Âu Việt cũng đàm phán thêm nhiều ngân hàng khác để tiếp tục hỗ trợ vốn cho nhà đầu tư, trong đó có Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Đại diện CTCK Việt Nam cũng cho biết, ngoài Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Hà Nội (Habubank), dự kiến cuối tháng 10, Công ty sẽ ký hợp đồng hợp tác với một số ngân hàng để thực hiện repo cho nhà đầu tư và cho vay cầm cố chứng khoán, trong đó có Ngân hàng TMCP Á châu (ACB). Mức lãi suất repo và cho nhà đầu tư vay cầm cố chứng khoán nằm trong khoảng 0,99 - 1,15%/tháng.
Ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển nhà TP. HCM (HDBank) cho biết, hiện hạn mức dư nợ cho vay cầm cố của Ngân hàng chỉ còn một phần nhỏ, nhưng do nhu cầu tín dụng trong những tháng cuối năm tăng cao nên dư nợ cho vay cầm cố chứng khoán sẽ được điều chỉnh theo. Chính vì vậy, ngoài việc tài trợ vốn cho các doanh nghiệp, thời gian gần đây HDBank còn đàm phán thỏa thuận hợp tác với một số CTCK để cung ứng vốn cho nhà đầu tư thông qua hình thức cầm cố. Dự kiến, trong tuần tới Ngân hàng sẽ chính thức ký hợp đồng hợp tác với 2 - 3 CTCK để thực hiện cho vay cầm cố chứng khoán, đồng thời quản lý tài khoản tiền gửi của nhà đầu tư từ các CTCK này.
Có thể nói, chứng khoán tăng giá trở lại là cơ hội tốt cho các ngân hàng triển khai dịch vụ cho vay cầm cố cổ phiếu. Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro và đảm bảo an toàn cho ngành ngân hàng, đảm bảo dư nợ cho vay cầm cố chứng khoán không vượt quá 3% tổng dư nợ vào thời điểm 31/12, các hợp đồng cho vay chủ yếu có kỳ hạn ngắn, bình quân 1 - 3 tháng, hạn mức cho vay 20 - 50% thị giá cổ phiếu.