1. Ra Tết, vẫn còn hơi hướng bánh chưng, giò lụa, lại thêm cái rỗi rãi của tháng ăn chơi, mấy nhà đầu tư chứng khoán tụ tập chén chú, chén anh. Hết trò xem vận thị trường, xóc quẻ đầu năm, có anh vui chuyện kể rằng: Ngày xửa ngày xưa, có hai anh em nhà kia, cha mẹ mất sớm, khi chia gia tài, người anh tham lam lấy hết ruộng cả ao liền, chỉ dành phần cho người em mỗi cây khế làm kế sinh nhai...
Úi giời, tưởng gì, đây là chuyện Cây Khế, trẻ con nó cũng thuộc - cả đám nhao nhao! Khoan, cứ từ từ, phần cuối mới hay, anh chàng láu cá: "Sau khi đổ bớt vàng xuống biển, người anh cũng được chim đưa về đến nhà an toàn, dù cái túi mười ba gang chỉ còn non nửa... Hai anh em từ đó trở thành phú hào cả vùng, nhưng do kèn cựa nhau nên phải chia ra mỗi kẻ một phương... Rồi xã hội tiến lên, hai anh em cũng theo mốt thời thượng mà... mở sàn chứng khoán. Chỉ có điều, tính xưa khó bỏ, người anh thấy cái gì của em hay hay cũng rắp tâm cầm về bằng được...".
2. Không biết có phải vì hít nhiều khói bụi chốn thị thành nên đâm ra mất gốc, mà mấy hôm về quê nghỉ Tết vừa rồi, ra thăm thú, mua bán ở chợ làng, vẫn quen thuộc nhưng tự dưng lại thấy úi xùi đến lạ. Vẫn mớ tôm, mớ tép, mớ rau vườn nhà, con gà, con vịt mới nuôi, mà sao thấy lộn xộn, hiu hắt, khác xa với cái bóng lộn quy củ của những đại siêu thị nơi tỉnh thành...
Hay là bão giá, khủng hoảng kinh tế thế giới cũng tràn cả về chợ quê nghèo? Dù chẳng còn cái cảnh "Hàng quán người về nghe xáo xác/Nợ nần năm hết hỏi lung tung" như phiên chợ quê nhà cụ Nguyễn Khuyến mấy thế kỷ trước, thế nhưng cái phiên chợ quê nghèo thời tăng giá cũng xao xác thật… Dẫu biết, xã hội đều cùng chịu áp lực tăng giá, thế nhưng, dấu vết của "cơn bão giá" để lại mỗi nơi có sự khác biệt… Bức tranh chợ quê và chợ phố thời giá cả leo thang được khắc họa thật rõ nét. Lại thêm cái cảnh, có những tay tinh nhanh cứ rảo khắp chợ, rình có món gì ngon thu gom lại để đến cuối buổi chuyển về chợ phố bán lại cho hợp với túi tiền người có của…
3. Mấy ngày nay, dân tình trên sàn chứng khoán được dịp bàn tán xôn xao về việc hàng ngon, hàng tốt ở sàn Hà Nội được chuyển vào phương Nam và nhận lại những món hàng "xứng tầm". Nếu đúng như thế thật thì vào cái "tháng ăn chơi" này, lại có thêm một tin buồn đối với nhà đầu tư chỉ chuyên đánh sàn Hà Nội. Ấy là nói đến chuyện ngày 10/2 vừa rồi, cơ quan quản lý về chứng khoán đã ban bố văn bản hẳn hoi đặt ra thời hạn cho hàng hóa (doanh nghiệp niêm yết) ở HO, nếu không đảm bảo mẫu mã, chất lượng (vốn điều lệ dưới 80 tỷ đồng) sẽ phải chuyển sang mua - bán ở chợ HA. Và (điều này mới đau), nếu hàng hóa ở chợ HA ngon, bổ, rẻ, đủ điều kiện để dân tỉnh, thành "xơi" thì "Ban quản lý" chợ này phải "có thông báo để DN đăng ký kế hoạch chuyển vào niêm yết tại HO".
Dẫu rằng cái sự chỉ đạo kia là theo luật hoàn toàn, nhưng trong hoàn cảnh này có vẻ bất nhẫn thế nào ấy. Nhất là khi cái tin vui được nâng cấp thành Sở (nghĩa là cái chợ ít nhất cũng ngoại ô, chứ không còn quê hẳn nữa rồi), Ban quản lý chợ HA chưa kịp trống dong cờ mở đón nhận. Thế mà chỉ vài ba tháng nữa, kể từ ngày 8/2/2009, "có miếng nào ngon, có con nào béo" lại phải khuân đi, chuyển cho người thành phố...
Đấy là còn chưa nói đến tình hình chứng khoán bây giờ, mọi thứ cứ bất động dần. HO - chợ tỉnh giao dịch già trăm tỷ mỗi phiên, OTC - chợ giời bán thân bất toại, UPCoM - chợ xép thì chưa thấy tăm hơi gì… Nay HA bị lọc nốt miếng nạc nữa thì kể ra cũng đáng eo sèo lắm... Tuần vừa rồi, trong cái dòng thông tin nhàn nhạt về chứng khoán, nếu được bình chọn phát ngôn ấn tượng nhất thì xin đề cử phát biểu của ông Trần Thiên Hà, Tổng giám đốc CTCK An Phát, khi được phỏng vấn về chiến lược hoạt động của Công ty trong năm nay, ông bảo, chiến lược của chúng tôi là... "đứng im". Kể ra thì cái sách "lấy tĩnh chế động" này cũng đáng để nhiều người học tập. Thế nhưng, với cái việc phân loại hàng hóa rạch ròi theo phẩm cấp ấy thì có khi chợ quê "tĩnh" đến mức chẳng đủ tiền vé mà để thuốc, nước cho bà xé vé, ông bảo vệ chứ chẳng chơi...
Nhớ đến cái việc sàn chứng khoán Hà Nội được nhà đầu tư đặt cho hỗn danh là "chợ quê" và mặc nhiên coi cái sàn HO, anh em với nó là chợ tỉnh. Nếu mọi sự cứ diễn ra đúng với lộ trình thì cái ranh giới quê - tỉnh này lại bị khoét sâu thêm. Và chợ quê hẳn là ngày càng thêm hiu hắt…