Mặt bằng tại địa chỉ số 199 Khánh Hội (quận 4), nơi Công ty Couple Group thuê làm cửa hàng thời trang Couple TX

Mặt bằng tại địa chỉ số 199 Khánh Hội (quận 4), nơi Công ty Couple Group thuê làm cửa hàng thời trang Couple TX

Cho thuê mặt bằng, nhìn từ chuyện của Couple Group

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thuê nhà để kinh doanh và gặp khó khăn do dịch Covid-19 phải đóng cửa và trả lại mặt bằng đang là chuyện phổ biến, nhưng câu chuyện “hậu” thuê nhà của Couple Group để lại nhiều bài học cho chủ nhà và khách thuê.

Tá hỏa khi nhận lại nhà

Trong đơn phản ánh gửi đến các cơ quan báo chí, bà Nguyễn Thị Kim Phượng, chủ mặt bằng tại địa chỉ số 199 Khánh Hội (quận 4, TP.HCM) cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khách thuê của bà là Công ty cổ phần Couple Group phải trả mặt bằng trước 2 năm so với hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, bà Phượng cho rằng, sau khi nhận lại mặt bằng, bên thuê đã không bàn giao nhà đúng hiện trạng ban đầu, mà cố tình phá hỏng tài sản, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Cụ thể, ngày 1/7/2017, đại diện Công ty Couple Group và bà Phượng đã ký hợp đồng thuê căn nhà tại số 199 Khánh Hội với thời hạn 5 năm, mục đích kinh doanh cửa hàng thời trang Couple TX.

Đến ngày 27/3/2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc kinh doanh của cửa hàng bị tổn thất nặng nề. Công ty Couple Group đã gửi thông báo chấm dứt hợp đồng thuê trước thời hạn tới bà Phượng, chấp nhận thiệt hại chi phí đã đầu tư vào cửa hàng và tiền cọc 480 triệu đồng.

Tuy nhiên, câu chuyện không dừng lại ở đó khi bà Phượng cho biết, bà nhận lại tài sản trong tình trạng bị hư hỏng nặng nề.

“Trần nhà lòi cả cốt thép, ống thoát nước bị đập bể, điện âm tường bị đập phá, nguồn điện mất…”, bà Phượng nêu trong đơn và cho rằng, vì các sự cố trên, đơn vị mới thuê mặt bằng đã hủy hợp đồng, đòi bồi thường tiền cọc khi bà Phượng không bàn giao mặt bằng như cam kết, cộng các chi phí thuê luật sư, sửa chữa… đã gây tổn thất cho bà lên tới cả tỷ đồng.

“Biết Couple Group bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tôi đồng ý và hỗ trợ 2 tuần không tính tiền nhà từ ngày 1 - 15/5 để công ty thu sếp trả lại nhà cho tôi. Trước đó, tôi cũng đã đồng ý giảm 30% tiền thuê nhà tháng 4, đồng ý cho Couple Group thanh toán tiền thuê hàng tháng thay vì thanh toán 3 tháng/lần như thỏa thuận trong hợp đồng.

Nhưng ngày 27/4, ông Trần Quang Trường Thanh, Chủ tịch HĐQT Couple Group gửi tin nhắn yêu cầu tôi thêm 2 tháng không tính tiền nhà, nếu không nhà trả lại sẽ không có cửa, không có trần và không có đèn. Tôi không đồng ý và yêu cầu trả nhà đúng hiện trạng ban đầu”, bà Phượng nêu.

Bà Phượng cho biết thêm, ngày 15/5/2020, khi đến nhận bàn giao nhà thấy có rất đông nhân viên của ông Thanh đang đập phá trần nhà lòi bê tông cốt thép, hư hại nghiêm trọng, ảnh hưởng sự an toàn của toàn bộ căn nhà. Nhóm người này còn cắt phá hệ thống điện nguồn, rút hết dây điện đèn chiếu sáng, dây đồng âm tường.

Khách thuê phủ nhận trách nhiệm

Sau khi dư luận xôn xao về việc tố cáo của bà Phượng, phía Công ty Couple Group cũng có thông báo cáo chí và khẳng định, không hủy hoại mặt bằng khi kết thúc hợp đồng thuê.

Trong thông cáo, Công ty Couple Group nêu rõ, do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 và hiệu quả kinh doanh trực tiếp tại cửa hàng bị tổn thất nặng nề, Couple Group đã gửi thông báo chấm dứt hợp đồng thuê trước thời hạn tới bà Phượng, chấp nhận thiệt hại chi phí đã đầu tư vào cửa hàng và tiền cọc 480 triệu đồng. Thông báo này được chủ mặt bằng đồng ý.

Theo Couple Group, không có chuyện doanh nghiệp đề nghị chủ nhà giảm giá 30% trong tháng 4, 5, 6/2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà không nhận được sự đồng thuận nên mới đơn phương chấm dứt hợp đồng, chịu mất cọc. Thực tế, chủ mặt bằng đã đồng ý giảm 30% tiền thuê tháng 4/2020, đồng ý cho Couple Group thanh toán tiền thuê hàng tháng thay vì thanh toán 3 tháng/lần như thỏa thuận trong hợp đồng.

Về phản ánh bên thuê hủy hoại tài sản, Công ty Couple Group cho rằng, khi ký hợp đồng thuê và Couple Group tiếp nhận mặt bằng, hai bên không lập biên bản hay có hình ảnh ghi nhận về hiện trạng mặt bằng (vốn được cho một ngân hàng thuê làm phòng giao dịch trước đó). Nên khi giao trả, Couple Group đã bàn giao một mặt bằng trống cơ bản, có hệ thống nguồn điện, nền nhà còn nguyên không đào xới, không có vật liệu xây dựng ngổn ngang như thông tin báo chí, mạng xã hội đăng tải, ảnh hưởng tổn thất nặng nề về uy tín của Couple Group và thương hiệu Couple TX nói riêng.

Về yêu cầu bồi thường của chủ mặt bằng (953 triệu đồng), phía Couple Group cho rằng, những thiệt hại mà chủ mặt bằng đã liệt kê không có căn cứ, là ý chí chủ quan của bên cho thuê. Những nội dung được cho là thiệt hại không thuộc trách nhiệm, nghĩa vụ của Couple Group.

Cần ghi rõ điều khoản và lập vi bằng hiện trạng

Trước thông tin phản hồi từ Couple Group, bà Phượng cho biết, sẽ theo đuổi vụ việc đến cùng. Hiện bà đang chuẩn bị những hồ sơ cần thiết để khởi kiện ra tòa án, thậm chí tố cáo đến cơ quan công an tội hủy hoại tài sản công dân, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Thực tế, đây là những tranh chấp dân sự và việc ai đúng, ai sai sẽ được các cơ quan chức năng phán quyết. Nhưng rõ ràng, câu chuyện trên sẽ là bài học kinh nghiệm được rút ra với những người đang cho thuê và đi thuê nhà.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, luật sư Nguyễn Bích Trâm, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, để tránh những rắc rối trước, trong và sau khi thuê mặt bằng, thì lúc làm hợp đồng, các bên phải thỏa thuận và ghi rõ những điều khoản trong hợp đồng cho thuê mặt bằng/thuê nhà.

“Hợp đồng luôn đóng vai trò quan trọng trong tất cả các giao dịch. Đây là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho cả bên thuê và bên cho thuê. Chính vì vậy, hợp đồng cần quy định kỹ về thời gian, mức giá cho thuê. Cùng với đó là cách thức xử lý khi khách sử dụng sai mục đích, thanh toán hoặc quá hạn, chậm trễ trong việc trả tiền thuê. Hay không có ý thức, gây hỏng hóc trong quá trình thuê mặt bằng”, luật sư Trâm nói.

Đặc biệt, lúc bàn giao hiện trạng nhà, tài sản, trang thiết bị có trong nhà cần phải lập vi bằng để đối chứng sau này. “Đây là điều khoản mà các bên thường không quan tâm nhưng dễ dẫn đến tranh chấp nhất. Lúc thuê mặt bằng, bất cứ ai cũng có nhu cầu sửa chữa một số chi tiết để phù hợp với việc kinh doanh hay ở, nhất là với những căn nhà mới xây, khá đầy đủ tiện nghi thì hai bên cần phải thỏa thuận rõ những hiện trạng về nhà, tài sản, trang thiết bị trong nhà”, luật sư Trâm nói và nhấn mạnh, điều này sẽ hạn chế được những tranh chấp không đáng có khi thanh lý hợp đồng. Bên cho thuê tránh được những thiệt hại do bên thuê gây ra và bên thuê tránh được những thiệt hại do hao mòn tự nhiên hoặc những yêu cầu không có cơ sở.

“Trong trường hợp này, cách tốt nhất là các bên lập một phụ lục Hợp đồng về việc bàn giao nhà, tài sản, trang thiết bị của căn nhà cho thuê", luật sư tư vấn.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan