Công ty cổ phần Sản xuất và Dịch vụ du lịch Chèm (viết tắt là Công ty Chèm) được thành lập năm 1961, tiền thân là Xí nghiệp Chế biên lâm sản Chèm, với ngành nghề chính là sản xuất đồ gỗ xây dựng, gỗ nội thất, mua bán xuất nhập khẩu gỗ và hàng mộc, kinh doanh bất động sản…
Tính đến ngày 31/3/2013, phần vốn của Nhà nước do Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam đại diện chiếm 60% cổ phần Công ty Chèm (tương đương 375.000 cổ phiếu). Giá trị tài sản tại thời điểm 31/12/2012 là 14,1 tỷ đồng.
Từ năm 2011, lợi nhuận sau thuế của Công ty Chèm suy giảm rõ rệt. Năm 2012, hoạt động sản xuất, kinh doanh thua lỗ với số lỗ sau thuế là 139,6 triệu đồng. Tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa, nhưng Công ty nắm lợi thế là có quỹ đất lớn, diện tích lên tới 84.900 m2 ở thôn Hoàng Liên, xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Trong đó, đất sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh là 55.371 m2.
Dù có lợi thế về đất đai, nhưng trên thực tế, vị trí đất mà Công ty Chèm đang sử dụng nằm ngoài bãi, giáp với sông Hồng. Việc đầu tư xây dựng được quản lý nghiêm ngặt nên các tổ chức, cá nhân không mấy mặn mà trong việc hợp tác kinh doanh. Do đó, HĐQT cũ của Công ty Chèm đã nảy ra “sáng kiến” kêu gọi các cá nhân, tổ chức tham gia hợp tác sử dụng đất dưới hình thức hợp đồng hợp tác liên kết.
Đến năm 2014, sau khi Nhà nước thoái toàn bộ vốn, Công ty Chèm có HĐQT mới. Tuy nhiên, những tranh chấp từ hợp đồng hợp tác liên kết từ thời kỳ trước đã để lại hậu quả, khiến HĐQT mới chật vật giải quyết. Đại diện Công ty Chèm từng thừa nhận, hợp đồng liên kết thực chất là hợp đồng thuê đất “trá hình”.
Mới đây, Công ty Chèm phải khởi kiện ra tòa án, yêu cầu Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ Trường Sơn (viết tắt là Công ty Trường Sơn) bàn giao lại mặt bằng, trả tiền thuê đất. Vụ việc xuất phát từ năm 2008, khi Công ty Chèm ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Trường Sơn (trước đó có tên gọi là Công ty cổ phần Cửa nhựa Trường Sơn).
Theo thỏa thuận, Công ty Chèm đồng ý chuyển toàn bộ nhà xưởng, tài sản trên diện tích 2.000 m2 đất cho Công ty Trường Sơn sử dụng. Hai bên thỏa thuận việc hợp tác liên danh, không thành lập công ty mới. Định kỳ 12 tháng/lần, Công ty Trường Sơn thanh toán cho Công ty Chèm khoản tiền không phụ thuộc vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hết thời hạn hợp tác, Công ty Trường Sơn phải tự di chuyển toàn bộ tài sản đã đầu tư.
Năm 2011, hai bên thống nhất thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, Công ty Trường Sơn không thực hiện theo thỏa thuận, tiếp tục sử dụng mặt bằng và nhà xưởng.
Tại cấp sơ thẩm, Tòa án nhân dân Quận Tây Hồ tuyên buộc Công ty Trường Sơn phải trả tiền thuê đất từ giai đoạn 2008-2016 là 165 triệu đồng. Đồng thời phải bàn giao lại mặt bằng, nhà xưởng cho Công ty Chèm.
Không đồng ý với bản án trên, Công ty Trường Sơn đã kháng cáo lên Tòa án nhân dân TP.Hà Nội. Khi xem xét, cấp phúc thẩm căn cứ hồ sơ, văn bản xác lập của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND TP.Hà Nội đều thể hiện Công ty Chèm được Nhà nước giao quản lý, sử dụng 84.900 m2 đất ở thôn Liên Mạc. Như vậy, quyết định của bản án sơ thẩm là có căn cứ. Tòa án phúc thẩm đã bác đơn kháng cáo của Công ty Trường Sơn.
Trước đó, năm 2012, Công ty Chèm từng gặp phải tranh chấp trong quá trình xử lý với 4 hợp đồng liên kết sản xuất với các cổ đông sáng lập gồm Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ngọc Hà (Công ty Ngọc Hà), Công ty TNHH Thành Xuân, Công ty cổ phần Cơ điện Thăng Long, Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Hoàng Minh.
Những tranh chấp nảy sinh từ khi Công ty Chèm điều chỉnh giá thuê đất. Trong đó, căng thẳng nhất là tranh chấp với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ngọc Hà.
Thực tế, hợp đồng liên kết đầu tư, đào tạo nghề giữa Công ty Chèm và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ngọc Hà đã hết thời hạn từ ngày 6/12/2008. Trong quá trình bàn bạc ký kết lại hợp đồng, phía đối tác không chấp nhận điều chỉnh giá đất và thời hạn thuê. Hợp đồng mới không được ký kết, song Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ngọc Hà vẫn tiếp tục hoạt động trên diện tích 17.799 m2 đất của Công ty Chèm.