Hầu hết cổ phiếu ngân hàng có diễn biến tăng giá tốt trong giai đoạn vừa qua

Hầu hết cổ phiếu ngân hàng có diễn biến tăng giá tốt trong giai đoạn vừa qua

Chờ “sóng” lan tỏa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền đang tập trung vào nhóm vốn hóa lớn, tạo ra khoảng cách rộng so với nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ, nhưng để thị trường tạo “sóng” có thể cần đến sự lan tỏa của dòng tiền.

Kỳ vọng nhóm ngân hàng tiếp tục dẫn dắt

Thị trường đã chứng kiến sự “trỗi dậy” của nhóm cổ phiếu ngân hàng sau nhiều tháng giao dịch trầm lắng. Việc dòng tiền quay trở lại nhóm cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn này đã được thị trường đặt niềm tin đây là tín hiệu tích cực về một chu kỳ tăng mới của thị trường chung. Trong quá khứ, dòng tiền vào nhóm ngân hàng thường tạo ra những con “sóng” tăng mạnh và bền vững.

Tuy vậy, không giống như nhóm cổ phiếu đầu cơ, dòng tiền khó duy trì lâu ở nhóm ngân hàng cũng như các cổ phiếu trụ khác, vì lượng cổ phiếu ở các nhóm này rất lớn, đòi hỏi nhiều nguồn lực để duy trì đà tăng. Vì thế, khả năng cao là các nhóm vốn hóa lớn sẽ hạ nhiệt, điều chỉnh và dòng tiền dịch chuyển sang các nhóm cổ phiếu chưa tăng giá, hoặc có định giá hấp dẫn hơn.

Về nhóm ngân hàng, nhà đầu tư Trần Trung tại sàn Chứng khoán VPS cho biết, anh mua cổ phiếu CTG, MBB từ giữa năm 2023, nhưng phải đến đầu năm 2024, nhóm này mới “chạy”. Anh đang ghi nhận mức lãi 13 - 14%, nhưng chưa bán vì cho rằng nhóm ngân hàng vẫn “khỏe”, ít nhất là trong quý I/2024, nên đặt ra mục tiêu lợi nhuận 20%.

Theo anh Trung, không tính danh mục cổ phiếu giữ từ giai đoạn trước hiện chưa “về bờ”, phần lớn những nhà đầu tư vào “đúng nhịp” thị trường bắt đầu tăng từ giữa tháng 12/2023 đến nay đều có lãi. Trong số các nhà đầu tư có cổ phiếu ngân hàng trong danh mục, nhiều người kiên trì nắm cổ phiếu từ 3 - 6 tháng, thậm chí 1 - 2 năm trước.

“Hiện tại, vĩ mô ổn định, chính sách tiền tệ nới lỏng, khối ngoại ngừng bán…, nên đang hỗ trợ cho thị trường chứng khoán. Nhưng nhịp tăng đã được khoảng 10% nên có thể thị trường sẽ có nhịp điều chỉnh. Trường hợp VN-Index chỉ chỉnh nhẹ rồi đi ngang thì vẫn ổn. Nếu giảm mạnh thì tôi có thể thoát hàng, trong đó có mã ngân hàng”, anh Nguyễn Khoa, một nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ.

Thực tế thị trường gần đây cho thấy, dòng tiền chảy mạnh vào các nhóm ngành vốn hóa lớn. Sự quan tâm đến ngành ngân hàng cùng một số cổ phiếu tiêu dùng lớn như MSN và MWG phản ánh niềm tin vào sự tăng tốc của tín dụng trong năm nay, hỗ trợ cho mục tiêu phát triển mạnh mẽ hơn của tiêu dùng nội địa.

Dòng tiền có dấu hiệu thận trọng đối với các nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, một trong những nguyên nhân được ông Lương Duy Phước, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Kafi chỉ ra là các nhóm đó đã có một giai đoạn tăng giá đáng kể trong các tháng cuối năm 2023, với mức tăng vượt trội so với VN30. Sau một chu kỳ tăng giá như vậy, nhà đầu tư có thể tìm kiếm những cơ hội khác tốt hơn, hoặc đánh giá lại tiềm năng tăng trưởng, nhất là nhóm chứng khoán, thép, dầu khí, vì mức tăng giá mạnh mang lại cảm giác về dư địa đi lên tiếp theo không còn nhiều.

Khả năng lan tỏa sang các nhóm khác

Trong nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, chứng khoán, thép, dầu khí đã có giai đoạn tăng giá mạnh, mang lại cảm giác về dư địa đi lên tiếp theo không còn nhiều.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS nhìn nhận, trong một số chu kỳ lớn của thị trường tăng giá, các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ tăng trước, nhóm cổ phiếu dẫn dắt cơ bản khởi động và lan tỏa dần sang các cổ phiếu blue-chips nằm ngoài nhóm VN30, các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, hoặc các nhóm ngành nghề như thép, hóa chất, dầu khí... Hiện tại, cơ hội vẫn còn ở nhóm ngân hàng, cổ phiếu vừa và nhỏ, các nhóm có câu chuyện riêng như chứng khoán (thanh khoản tăng, kỳ vọng vào hệ thống KRX…), logistics (giá cước vận tải tăng), bất động sản (Luật Đất đai sửa đổi được thông qua), dầu khí...

Theo ông Khánh, hầu hết các cổ phiếu ngân hàng có diễn biến tăng tốt giai đoạn vừa qua, cho dù về mặt cơ bản hay nhìn dưới góc độ phân tích kỹ thuật thì dư địa tăng đối với một số mã vẫn còn.

“Tuy nhiên, nếu đang cầm nhiều cổ phiếu ngân hàng, nhà đầu tư có thể cân nhắc việc co gọn danh mục. Dòng tiền có thể chạy xoay vòng giữa nhiều nhóm cổ phiếu khác nhau trong nhịp tăng điểm mới. Sự phân hóa giữa các nhóm ngành có thể tiếp tục diễn ra, có nhóm tăng, nhóm điều chỉnh”, ông Khánh nói.

Nhìn dài hạn, thị trường đang ở giai đoạn tăng bền vững, nên dòng tiền có khả năng sẽ lan tỏa đều giữa các nhóm cổ phiếu, nhưng nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể đối mặt với áp lực điều chỉnh trong ngắn hạn. Mặc dù vậy, ở thời điểm hiện tại, kịch bản dòng tiền lan tỏa ra nhóm vốn hóa vừa và nhỏ có xác suất không cao, bởi định giá tương đối cao, trong khi triển vọng kinh doanh chưa quá tích cực.

“Thời điểm hiện nay không nên dùng đòn bẩy, do thị trường vẫn có những yếu tố bất định và rủi ro. Khi xu hướng rõ ràng hơn, nhà đầu tư có thể tăng tỷ trọng giao dịch ký quỹ (margin), vì năm nay có dòng vốn rẻ nên dư địa margin khá dồi dào với lãi suất hợp lý”, nhà đầu tư Nguyễn Khoa nêu quan điểm.

Nhà đầu tư này chia sẻ, cá nhân anh tiếp tục nắm giữ cổ phiếu ngân hàng trước khi xuất hiện tín hiệu đảo chiều rõ ràng. Tuy nhiên, anh vẫn tìm cơ hội ở một số nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có câu chuyện hỗ trợ. Cụ thể, cổ phiếu BAF và DBC được đưa vào danh mục, với kỳ vọng giá thịt lợn dịp Tết sẽ tăng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chăn nuôi cải thiện kết quả kinh doanh. Trong đó, DBC còn có kỳ vọng vào hoạt động nghiên cứu, sản xuất và phân phối vắc-xin dịch tả lợn châu Phi, giúp kết quả kinh doanh ổn định hơn nhiều. Bởi giá thịt lợn có thể biến động thường xuyên, nhưng bản thân người chăn nuôi luôn cần đến vắc-xin.

Một số nhà đầu tư khác cho hay, việc thay đổi cơ cấu danh mục bằng cách giảm tỷ trọng cổ phiếu vốn hóa lớn và dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa đang được xem xét thực hiện. Hiện tại, nhà đầu tư thận trọng với công cụ đòn bẩy, nhưng nếu xu hướng tăng tiếp diễn và có dấu hiệu bền vững, họ sẽ sử dụng margin. Theo đó, công cụ này có thể góp phần giúp dòng tiền lan tỏa rộng hơn.

Tin bài liên quan