Kỳ vọng những động thái mới
Những kỳ vọng mới về một làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Ấn Độ vào Việt Nam đang lại một lần nữa được thắp lên, khi nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ (từ ngày 24 đến 26/1/2018), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các buổi tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của quốc gia này.
Nổi bật trong số đó là buổi tiếp ông Anil Sardana, Giám đốc điều hành Công ty Tata Power (thuộc Tập đoàn Tata), doanh nghiệp đang theo đuổi Dự án Nhiệt điện Long Phú 2 (Sóc Trăng).
“Cam kết của chúng tôi không hề suy giảm so với năm 2008, khi đến Việt Nam làm dự án thép”, ông Anil Sardana đã nói như vậy.
Năm 2008, Tata đã lên kế hoạch đầu tư một dự án thép trị giá 5 tỷ USD ở Hà Tĩnh. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, năm 2014, Tập đoàn đã chính thức rút khỏi dự án này. Thay vào đó, Tata - thông qua công ty con là Tata Power - đã quyết định đầu tư Dự án Nhiệt điện Long Phú 2 theo hình thức BOT và đã được Chính phủ Việt Nam đồng ý về chủ trương.
Theo kế hoạch, Dự án có quy mô 1.320 MW, vốn đầu tư dự kiến khoảng 2 tỷ USD, theo hình thức BOT. Vào tháng 11/2013, Tata Power cũng đã ký biên bản ghi nhớ với Bộ Công thương về việc triển khai dự án này. “Tata đã có biện pháp để nhanh chóng thu xếp vốn và thúc đẩy Dự án”, ông Anil Sardana đã khẳng định như vậy sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Tata cần thực hiện đúng tiến độ các dự án tại Việt Nam.
Tính đến hết tháng 12/2017, có 169 dự án, với tổng vốn trên 756 triệu USD, của Ấn Độ đăng ký đầu tư vào Việt Nam.
Ngoài Nhiệt điện Long Phú 2, Tata Power đã từng bày tỏ mong muốn được đầu tư tiếp Dự án Nhiệt điện Long Phú 3, đồng thời đã đi khảo sát để tìm kiếm các cơ hội đầu tư dự án điện gió ở Sóc Trăng, Ninh Thuận… Tata cũng đã có các dự án đầu tư trong lĩnh vực chế biến cà phê, xây dựng cảng VISSAI, cung cấp than cho Dự án Nhiệt điện Duyên Hải 3…
Không chỉ riêng Tata Power, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chỉ trong ngày 24/1, đã tiếp lãnh đạo Tập đoàn Larsen & Tourbro (tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Ấn Độ, hoạt động đa ngành), Tập đoàn ONGC (tập đoàn năng lượng - dầu khí lớn nhất của Ấn Độ) và Công ty vDoIT (chuyên hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin)…
Đã có những kế hoạch đầu tư được đề cập, liên quan cả đến các lĩnh vực tàu điện ngầm, năng lượng, đóng tàu… và tất nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao các kế hoạch này, kèm theo lời “nhắn nhủ” rằng, Việt Nam “không hoan nghênh” các dự án gây ô nhiễm môi trường.
Không biết bao nhiêu trong số các kế hoạch trên sẽ trở thành hiện thực, song nếu các cam kết - dù chỉ của Tata Power - được thực hiện, thì cũng sẽ có một sự thay đổi rất lớn đối với vốn FDI của Ấn Độ vào Việt Nam.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến hết tháng 12/2017, có 169 dự án, với tổng vốn trên 756 triệu USD, của Ấn Độ đăng ký đầu tư vào Việt Nam.
Con số này là quá nhỏ bé để nói đến một làn sóng. Tuy vậy, nếu cần khẳng định mối quan tâm của các nhà đầu tư Ấn Độ đối với thị trường Việt Nam đã tăng lên, thì con số 187,5 triệu USD mà các doanh nghiệp Ấn Độ cam kết đầu tư vào Việt Nam trong năm 2017 là rất đáng chú ý.
Con số này chiếm tới gần 25% tổng vốn FDI của Ấn Độ đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong 30 năm qua. Nếu có dự án tỷ USD của Tata Power, thứ hạng của Ấn Độ trên “bảng tổng sắp” các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam sẽ thay đổi đáng kể. Hiện tại, Ấn Độ chỉ đang đứng ở vị trí 27.
Nhưng e dè “sóng” FDI vào Ấn Độ
Trong khi chưa thể vội mừng với “sóng” FDI từ Ấn Độ vào Việt Nam, thì có lẽ, Việt Nam nên bắt đầu e dè “sóng” FDI vào Ấn Độ. Mấy năm gần đây, với sự thay đổi về chính sách, Ấn Độ đang trở thành thỏi nam châm thu hút đầu tư của nước ngoài.
Con số đã được nhắc tới, đó là luồng vốn FDI vào Ấn Độ trong 3 tài khóa vừa qua đã tăng khoảng 40%, đạt 114,41 tỷ USD so với mức 81,84 tỷ USD trong 3 tài khóa trước đó.
Điều đáng chú ý là, sau khi có Sáng kiến Sản xuất tại Ấn Độ (Make in India), từ tháng 10/2014 - 3/2017, thu hút FDI đạt 99,72 tỷ USD, tăng 62% so với mức 61,41 tỷ USD trong 30 tháng trước đó (tháng 4/2012 - 9/2014).
Vốn FDI đổ vào Ấn Độ nhanh và mạnh đến nỗi, ngay cả Trung Quốc cũng đã phải dè chừng. Dè chừng cũng phải, bởi năm 2015, lần đầu tiên, Ấn Độ đã đứng đầu thế giới về thu hút FDI (63 tỷ USD), vượt qua Trung Quốc (56,6 tỷ USD) và Mỹ (59,6 tỷ USD).
Còn Việt Nam, cũng đã có những cảnh báo của các chuyên gia kinh tế về điều này, nhất là sau khi Apple công bố sẽ hợp tác sản xuất iPhone tại Ấn Độ. Giám đốc điều hành của Apple, ông Tim Cook đã nói rằng, Ấn Độ chính là “nơi để đến”.
Thực tế, Ấn Độ thực sự là “nơi để đến”, khi mà Chính phủ nước này vừa quyết định nới lỏng các quy định để thu hút thêm dòng vốn FDI, nhằm tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế.
Một trong số đó là việc Ấn Độ đã cho phép các hãng hàng không nước ngoài sở hữu đến 49% cổ phần đối với hãng hàng không quốc gia Air India, vốn đang gặp khó khăn về tài chính.
Ấn Độ cũng đã sửa đổi quy định về việc các nhà bán lẻ nước ngoài, hoặc các đại lý phân phối độc quyền sản phẩm nước ngoài, phải đáp ứng được quy định 30% giá trị của sản phẩm bán tại Ấn Độ phải được mua từ nhà cung ứng trong nước...
Cả thị trường hàng không và bán lẻ của Ấn Độ đang mở rộng cánh cửa cho nhà đầu tư ngoại. Điều này được Ernst & Young cho là “một sự hỗ trợ rất quyết liệt”.
Có thể vì thế, vốn FDI sẽ tiếp tục đổ vào quốc gia này, nên “miếng bánh” FDI hẳn nhiên sẽ bị chia sẻ, tức là Việt Nam có thể sẽ bị ảnh hưởng.
Ấn Độ đang trở thành đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là khi giá nhân công ở Ấn Độ chỉ bằng 1/2 tại Việt Nam. Còn những ngành công nghệ cao, Ấn Độ có lợi thế nổi trội hơn hẳn, được mệnh danh là ‘Thung lũng Silicon’ của khu vực châu Á”.
Trong bối cảnh đó, một khi chính sách của Ấn Độ ngày càng cởi mở và thông thoáng, thì quả thực, đó là một “đối thủ” đáng dè chừng!