Chờ những tấm huy chương

Chờ những tấm huy chương

(ĐTCK) Thương hiệu là tài sản vô hình, nhưng lại có ý nghĩa quan trọng đặc biệt với hoạt động doanh nghiệp. 

Lãnh đạo một tập đoàn thực phẩm và đồ uống lớn tại Mỹ trước đây từng nói: “Nếu công ty này phá sản, tôi sẽ trao lại cho bạn tài sản, nhà máy và thiết bị, còn tôi sẽ giữ lại thương hiệu và nhãn hiện và tôi sẽ tiến xa hơn bạn rất nhiều”. 

Công ty và thương hiệu này sau đó đã được bán lại cho Pepsi với giá 14,2 tỷ USD.

Khi Việt Nam ngày càng hội nhập với nền kinh tế thị trường tự do trên thế giới, thương hiệu đã trở thành một chủ đề nóng được nhắc đến khá nhiều trên báo chí, tại các diễn đàn, trong các hoạt động xúc tiến thương mại, các hội nghị xúc tiến đầu tư.

Hơn bao giờ hết, doanh nghiệp giờ đây quan tâm đến việc tiếp cận thị trường và xây dựng hình ảnh tích cực cho thương hiệu của mình để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường nội địa, cũng như thị trường khu vực và quốc tế.

Những cái tên như Vinamilk, Vietinbank, Vingroup, Masan, Viettel, FPT, Dược Hậu Giang, Traphaco, Nhựa Tiền Phong… đã xuất hiện và được đong đếm giá trị trong các bảng xếp hạng những thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Khi thương hiệu được yêu mến và nhận diện rộng rãi, hoạt động kinh doanh, bán hàng của doanh nghiệp sẽ có nhiều thuận lợi.

Nhìn rộng hơn, sự vững mạnh của các thương hiệu Việt, cùng với đó là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, đang góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.

Thương hiệu doanh nghiệp mạnh sẽ góp phần vào việc xây dựng thương hiệu quốc gia tốt đẹp hơn. Ðã có nhiều câu chuyện về các thương hiệu Việt đang ngày đêm góp phần đưa tên tuổi Việt Nam được nhắc đến nhiều hơn trên trường quốc tế.

Các nghị quyết của Ðảng và Nhà nước gần đây cho thấy, doanh nghiệp, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đang trở thành đối tượng được quan tâm đặc biệt.

Cải cách thể chế đang diễn ra mạnh mẽ cũng nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp có khả năng bứt phá lớn hơn, đầu tư lớn hơn cho việc xây dựng thương hiệu.

Bên lề cuộc gặp của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp vào tháng 5 năm nay, câu chuyện xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam được rất nhiều doanh nhân quan tâm. Từ gạo, cà phê, cá, tôm, dệt may, da giày đến các ngành như xây dựng, du lịch, dược phẩm… nếu có thương hiệu mạnh, được nhận biết rộng rãi, sản phẩm xuất khẩu đều có thể gia tăng giá trị.

Những thương hiệu Việt thành công còn góp phần lan tỏa và duy trì sức sống của các sản phẩm Việt trên thị trường nội địa, phần nào giảm bớt sự xâm lấn của các thương hiệu nước ngoài trong bối cảnh nền kinh tế đang mở cửa hội nhập sâu rộng. 

Một chuyên gia về thương hiệu nước ngoài đã nhận xét, nhìn Việt Nam hôm nay có nét gì đó giống với Nhật Bản hồi những năm 1960.

Khi ấy, phần lớn người dân Nhật có tâm lý chuộng hàng hóa sản xuất ở nước ngoài, nhưng 10 năm sau, khi các thương hiệu Nhật trở nên vững mạnh, hành vi tiêu dùng của người Nhật đã hoàn toàn khác.

Không chỉ “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, lòng tự hào dân tộc và ý thức cầu thị sự đổi mới, tiến bộ sẽ là động lực để mỗi người cùng gìn giữ, xây dựng, với niềm tin, tới đây, thương hiệu Việt sẽ vươn xa, để hàng Việt trở thành sự lựa chọn tin cậy cả trên thế giới. 

Tin bài liên quan