Tuy nhiên, vẫn còn một loại quỹ mà các thành viên thị trường chờ đợi từ lâu chưa xuất hiện.
Số liệu vừa được UBCK công bố cho thấy, trong năm 2015, có thêm 6 quỹ đầu tư chứng khoán được thành lập; trong đó, có 2 quỹ mở, 3 quỹ thành viên và 1 quỹ bất động sản.
Đây là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh huy động vốn để lập các quỹ đầu tư mới chưa bao giờ là thuận lợi, nếu không muốn nói là có phần khó khăn hơn trong năm 2015, bởi TTCK chưa mấy khởi sắc, hiệu quả đầu tư của các quỹ kém ấn tượng, NĐT chẳng mấy quan tâm đến hình thức đầu tư qua quỹ…
Với việc có thêm 6 quỹ mới, đến nay, thị trường có 30 quỹ đầu tư, trong đó có 17 quỹ mở, 10 quỹ thành viên, 2 quỹ ETF và 1 quỹ đầu tư bất động sản. Nhận định của UBCK cho thấy, sau 3 năm thực hiện Đề án Tái cấu trúc, số lượng quỹ đại chúng tăng lên nhanh chóng, sản phẩm quỹ mở đã thay thế hoàn toàn quỹ đóng với mô hình hiện đại, minh bạch hơn, được giám sát bởi hệ thống ngân hàng giám sát và bảo vệ lợi ích NĐT tốt hơn.
Cùng với đó, đến nay, đã thực hiện tái cấu trúc 7 công ty quản lý quỹ dưới các hình thức: giải thể 1 công ty, chấm dứt hoạt động 1, tạm ngừng hoạt động 3, kiểm soát 1, kiểm soát đặc biệt 1. Hiện có 43 công ty quản lý quỹ đang hoạt động bình thường.
Như vậy, đến nay, thị trường đã có khá đầy đủ các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, còn một loại hình quỹ nữa rất phố biến trên giới, cũng là quỹ thường có số vốn đầu tư lớn lên đến hàng tỷ USD trên TTCK trên toàn cầu là quỹ hưu trí, vẫn chưa được hình thành. Bức tranh các loại hình quỹ đầu tư trong nhiều năm qua vẫn khuyết miếng ghép cuối là quỹ hưu trí.
Đã gần 2 năm trôi qua kể từ khi Đề án hình thành và phát triển chương trình hưu trí tự nguyện tại Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 144/2014 và có hiệu lực từ ngày 20/1/2014, đến nay, hành lang pháp lý mở đường cho quỹ hưu trí ra đời vẫn chưa có.
Trong khi đó, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính phải hoàn thành dự thảo Nghị định về quỹ hưu trí tự nguyện theo mô hình ủy thác, để trong năm 2014 trình Chính phủ xem xét ban hành.
Sự chậm trễ trên thường xuyên được các thành viên thị trường, đặc biệt là các công ty quản lý quỹ “đòi nợ” tại các cuộc họp của ngành chứng khoán, cũng như nhiều diễn đàn khác. Mới đây nhất, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ năm 2015, Nhóm công tác thị trường vốn tiếp tục nhắc lại “món nợ” chính sách trên, mặc dù việc này cũng đã được họ nêu ra tại kỳ VBF liền trước diễn ra giữa năm nay.
Ngành quản lý quỹ Việt Nam đặt kỳ vọng lớn đối với chính sách này, bởi họ cho rằng, một khi chính sách mới này sớm được ban hành và thực thi sẽ tạo đột biến cho sự phát triển của ngành quỹ vốn đang ở giai đoạn đầu phát triển còn khá yếu.
Sở dĩ giới làm quỹ kỳ vọng như vậy, bởi theo lãnh đạo một công ty quản lý quỹ, trong khi số lượng quỹ mở tăng khá nhanh trong thời gian gần đây và hiện có tới 17 quỹ mở, chiếm hơn 50% số lượng quỹ đang hoạt động thì dư địa phát triển cho loại hình quỹ này không được mở rộng tương ứng, nếu không muốn nói là bị thu hẹp.
Vì không gian phát triển khá chật chội, nên tạo sự cạnh tranh khá gay gắt trong hệ thống quỹ mở. Do đó, điều các công ty quản lý quỹ, đặc biệt là các đơn vị đang quản lý hệ thống quỹ mở đang nóng lòng muốn có dư địa phát triển mới. Với hệ thống quỹ mở, điều này chỉ có thể có được một cách đáng kể, thậm chí đột biến khi quỹ hưu trí được phép hình thành.