Cổ phần hóa VFS đang bị thanh tra

Cổ phần hóa VFS đang bị thanh tra

Chờ khung pháp lý đột phá cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước

(ĐTCK) Việc sửa đổi cơ chế cổ phần hóa cũng như thoái vốn nhà nước ở các doanh nghiệp đang được mong đợi sẽ khắc phục các bất cập, đồng thời mở ra những hướng đột phá trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

“Làm mới” cơ chế cổ phần hóa

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, thay thế các Nghị định 59/2011/NĐ-CP, 189/2013/NĐ-CP, 116/2015/NĐ-CP.

Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần tại doanh nghiệp (DN) cổ phần hóa có nghĩa vụ cung cấp các nguồn lực theo cam kết cho DN, nhưng không được bán cổ phiếu trong vòng 5 năm. Việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược có thể thực hiện thỏa thuận trước cuộc đấu giá công khai ra công chúng, với tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược do Ban chỉ đạo cổ phần hóa trình cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa phê duyệt. Thực tiễn triển khai cho thấy, cơ chế này chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch, dễ dẫn đến thất thoát vốn nhà nước.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, cơ quan soạn thảo đề xuất điều chỉnh quy định việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược theo hướng quy định rõ trách nhiệm bồi thường khi vi phạm các cam kết của nhà đầu tư chiến lược phải được thể hiện trong cam kết bằng văn bản của người có thẩm quyền; điều chỉnh việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thực hiện sau cuộc bán đấu giá công khai (bỏ hình thức bán thỏa thuận trước); đồng thời quy định cụ thể tiêu chuẩn của nhà đầu tư chiến lược phải có kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh 2 năm gần nhất tính đến thời điểm đăng ký mua cổ phần phải có lãi và không có lỗ lũy kế.

Theo Bộ Tài chính, việc xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị DN cổ phần hoá là vấn đề được quan tâm nhất trong quá trình cổ phần hoá thời gian qua. Ngoài hướng dẫn việc xác định giá đất cụ thể (cả thuê và giao) theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định về xử lý đất đai đối với các DN quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao.

Theo đó, yêu cầu DN cổ phần hóa có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Quy định này sẽ đảm bảo ngăn ngừa tình trạng DN tiếp tục nắm giữ, “ôm” lại toàn bộ diện tích đất đang quản lý, mặc dù chưa phù hợp với ngành nghề kinh doanh, mục đích sử dụng đất cũng như quy hoạch của địa phương. Khi thực hiện phê duyệt phương án sử dụng đất của DN cổ phần hóa, Nhà nước sẽ rà soát và quyết định thu hồi những diện tích đất DN sử dụng chưa phù hợp và không đúng quy hoạch.

Về các phương thức bán cổ phần lần đầu, ngoài 3 phương thức bán cổ phần hiện hành (đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành, thỏa thuận trực tiếp), dự thảo Nghị định bổ sung phương pháp mới là phương pháp dựng sổ (Book building).

… và thoái vốn nhà nước

Về cơ chế thoái vốn nhà nước đầu tư ở các DN, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi quy định về xác định giá khởi điểm đấu giá chuyển nhượng vốn là tính thêm giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê vào giá khởi điểm, vì người sử dụng đất thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê có các quyền đầy đủ như đất giao theo quy định của pháp luật về đất đai.

Cụ thể, việc xác định giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn được thực hiện thông qua DN có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật về thẩm định giá, đảm bảo xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn nhà nước/DNNN đầu tư tại DN khác, bao gồm cả giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất giao, quyền sử dụng đất thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, quyền sử dụng đất nhận chuyển nhượng hợp pháp theo quy định của pháp luật về đất đai và giá trị các quyền sở hữu trí tuệ (nếu có) của DN khác theo quy định của pháp luật tại thời điểm chuyển nhượng vốn.

Liên quan đến sửa đổi quy định về phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN đầu tư tại DN khác, đại diện Bộ Tài chính cho biết, đối với cổ phần thuộc vốn nhà nước/vốn của DNNN đã lưu ký chứng khoán, thì việc chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần thực hiện theo phương thức khớp lệnh, thỏa thuận trên hệ thống giao dịch hoặc tổ chức bán đấu giá công khai ngoài hệ thống giao dịch.

Đối với cổ phần thuộc vốn nhà nước/vốn của DNNN chưa lưu ký chứng khoán, thì việc chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần thực hiện theo phương thức thỏa thuận hoặc bán đấu giá công khai ngoài hệ thống giao dịch.

Quy trình thực hiện bán thỏa thuận, bán đấu giá cổ phần thuộc vốn nhà nước/vốn của DNNN tương tự quy định áp dụng đối với việc chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần chưa niêm yết, hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán theo phương thức đấu giá, phương thức thỏa thuận.

Nguyễn Hữu

Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam phơi bày nhiều góc khuất

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán về những lùm xùm gần đây xung quanh cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) liên quan đến vấn đề định giá đất 0 đồng và hoạt động của hãng bi bét sau cổ phần hóa, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính nhìn nhận, câu chuyện cổ phần hóa tại VFS là một sự kiện phơi bày nhiều góc khuất trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, từ những vấn đề trong quy định tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược, xác định giá trị tài sản vô hình cho tới xử lý đất đai và xác định tiền sử dụng đất trong cách định giá doanh nghiệp.

Trong vụ việc này, cần rà soát lại danh mục đất đai, bất động sản thuộc quyền quản lý và sử dụng của VFS trước khi cổ phần hóa. Đất đai của Hãng phim truyện quy hoạch như thế nào thì sử dụng như vậy. Nếu là xưởng phim, trường quay thì sẽ sử dụng làm xưởng phim trường quay; còn nếu thay đổi quy hoạch làm chung cư, siêu thị thì cần xin chuyển đổi và khi đó phải đánh giá lại.

Trong trường hợp doanh nghiệp sau cổ phần hóa đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh mới và thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng, giá trị doanh nghiệp lúc này sẽ được xác định lại. Đến thời điểm đó, nếu doanh nghiệp sau cổ phần hóa thanh toán đủ cho Nhà nước theo phương án định giá mới thì mới được làm. Nếu không, tài sản này cần được thu hồi và đấu giá lại cho đơn vị khác. Sẽ không có chuyện khiếu kiện nếu quy hoạch rõ ràng. Không thể chưa đối chiếu quy hoạch đất rõ ràng đã bán, cổ phần hóa doanh nghiệp. Mục đích sử dụng đất gắn với giá trị đất được xác định khi cổ phần hóa.

Theo ông Tiến, với các doanh nghiệp cổ phần hóa, cần chọn nhà đầu tư chiến lược để đảm bảo cho doanh nghiệp có điều kiện tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai. Với những ngành như xuất bản, sản xuất phim, khi thu hút nhà đầu tư là các cổ đông chiến lược cần hoạt động trong cùng ngành nghề. Với những lĩnh vực này, không phải ai có tiền muốn đầu tư vào cũng được.  

Thủy Nguyễn 

Tin bài liên quan