Thế nhưng, tổng kết lại, chỉ số đóng cửa tuần bằng với mức mở cửa tuần. Đây là trạng thái tích lũy mà chúng tôi đánh giá là kiên cường trước áp lực bán dồn dập của khối nhà đầu tư nước ngoài.
Trạng thái tích lũy có đóng góp không nhỏ đến từ yếu tố tích cực của bối cảnh vĩ mô trong nước. Quan sát rõ nhất nằm tại đồ thị về lãi suất trái phiếu chính phủ, cùng chỉ báo đo lường biến động. Mức biến động lãi suất của trái phiếu kỳ hạn 10 năm đang thấp hơn nhiều so với những thời điểm có bất lợi về thị trường vốn và chính sách tiền tệ trong quá khứ. Sự ổn định cho thấy 2 điểm: một là, chính sách tiền tệ khó gây ra bất ngờ lớn trong tương lai gần; hai là, các tổ chức tài chính lớn (những đơn vị nắm giữ trái phiếu chính phủ) đang duy trì tâm lý bình tĩnh.
Thông tin tích cực khác là ngày 30/5/2024, Ngân hàng Nhà nước đã gửi văn bản tới các tổ chức tín dụng yêu cầu thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay để phấn đấu giảm 1 - 2%/năm lãi suất cho vay. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết quý II là 5 - 6%.
Ngược lại, nhà đầu tư vẫn cảm nhận rõ áp lực bán chủ động đến từ khối nhà đầu tư nước ngoài. Trong tuần qua, khối ngoại đã bán ròng hơn 6.000 tỷ đồng trên HOSE, tập trung vào một số cổ phiếu có tác động tâm lý lên toàn thị trường như CTG, VCB, HPG, hay những mã chưa từng “hở” room ngoại như MBB.
Lý giải của chúng tôi là do trong tuần qua xuất hiện sự gia tăng đáng kể của lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ (kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 4,6%/năm). Ngoài sự thay đổi về kỳ vọng thời điểm hạ lãi suất điều hành từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tình trạng thâm hụt ngân sách của Mỹ cùng một loạt lô trái phiếu mới được phát hành cũng khiến nhà đầu tư yêu cầu mức lãi suất cao hơn.
Thống kê cho thấy, động thái bán ròng không chỉ xảy ra trên thị trường Việt Nam. Kể từ đầu tháng 4, một số thị trường châu Á như Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia, Ấn Độ… bị khối nhà đầu tư ngoại bán ròng hàng tỷ USD. Dự báo hoạt động bán ròng của khối ngoại khi nào sẽ kết thúc là rất khó. Ở một số cổ phiếu bị bán ròng lớn như CTG, khối ngoại đã bán ra hầu hết số lượng mua vào kể từ cuối năm 2022. Với những thông tin mới nhất về tình trạng nợ công của Mỹ và chính sách điều hành lãi suất từ Fed, sức hút dòng tiền của các thị trường nước ngoài nhiều khả năng sẽ được duy trì trong tháng 6.
Như đã đề cập trong tuần trước, dù tình hình liên thị trường có trúc trắc hơn, nhưng chúng tôi vẫn giữ góc nhìn trung và dài hạn tích cực với thị trường trong nước. Rủi ro điều chỉnh sâu lúc này được đánh giá ở mức thấp và VN-Index tại khu vực 1.220 - 1.250 điểm là cơ hội để nhà đầu tư lựa chọn các cổ phiếu trong rổ VN30. Biến động của chỉ số trong 2 tuần qua chỉ trong biên độ khoảng 1,5%, trực tiếp đưa thang điểm tích lũy của thị trường dần về mức tích cực. Điều kiện đủ lúc này để VN-Index vượt qua mốc 1.300 điểm có lẽ chỉ là thời điểm khi nhà đầu tư nước ngoài dừng bán ròng.