Để thực hiện dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, cá nhân tham gia thực hiện cần phải có văn bằng, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm phù hợp với loại hình dịch vụ thực hiện

Để thực hiện dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, cá nhân tham gia thực hiện cần phải có văn bằng, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm phù hợp với loại hình dịch vụ thực hiện

Chờ hướng dẫn thi hành dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

(ĐTCK) Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm và điều kiện để tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động này. Tuy nhiên việc triển khai trên thực tế cần chờ văn bản hướng dẫn của Chính Phủ và cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm.

Thực hiện cam kết mở cửa thị trường đối với hoạt động phụ trợ bảo hiểm khi gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), vừa qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ quy định khung pháp lý cho các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm tại Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2019.

Tại Việt Nam, trước khi có quy định pháp lý về hoạt động phụ trợ bảo hiểm, các hoạt động này vẫn diễn ra thường xuyên và có nhu cầu ngày càng tăng. Cụ thể, doanh nghiệp bảo hiểm tự tiến hành các hoạt động tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất hoặc thuê các chuyên gia bảo hiểm tư vấn, tính phí dưới dạng hợp đồng thuê chuyên gia. Phổ biến hơn cả là hoạt động thuê các công ty giám định để giám định nguyên nhân và mức độ tổn thất.

Việc ban hành các quy định pháp luật về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm đã đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường dịch vụ bảo hiểm theo hướng chuyên môn hóa và tạo ra khuôn khổ pháp lý để điều chỉnh hoạt động này.

Theo đó, từ ngày Luật có hiệu lực thi hành, các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được phép thực hiện các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm gồm: Tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm có thể sử dụng dịch vụ tư vấn bảo hiểm để được tư vấn về quản trị rủi ro bảo hiểm hoặc hợp tác với các doanh nghiệp bảo hiểm khác để cung cấp dịch vụ giám định tổn thất hoặc hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm… Việc cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải lập thành văn bản và phải đảm bảo nguyên tắc minh bạch, trung thực, khách quan.

Tuy nhiên, để có thể triển khai được trên thực tế cần chờ Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện để tổ chức, cá nhân có thể cung cấp dịch vụ phụ trợ. Như đối với hoạt động giám định tổn thất bảo hiểm, các giám định viên của công ty giám định  ngoài việc phải đáp ứng điều kiện theo Luật Thương mại có thể sẽ cần phải tham gia đào tạo hoặc phải được cấp chứng chỉ về nghiệp vụ bảo hiểm cơ bản hoặc chuyên sâu, tùy vào loại hình bảo hiểm tham gia giám định.

Lý do là phạm vi công việc của giám định bảo hiểm, ngoài việc xác định nguyên nhân, mức độ tổn thất còn phải tính toán phân bổ trách nhiệm bồi thường làm cơ sở giải quyết bồi thường. Đây là việc mà các công ty giám định hiện tại chưa thực hiện được do không có nghiệp vụ bảo hiểm hoặc nếu thực hiện thì cũng không được thừa nhận do chưa có quy định riêng về giám định bảo hiểm.

Để thực hiện dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, cá nhân tham gia thực hiện cần phải có văn bằng, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm phù hợp với loại hình dịch vụ thực hiện. Đối với việc đào tạo và cấp chứng chỉ, Quốc hội đang giao Bộ Tài chính hướng dẫn về nội dung chương trình đào tạo, thi, cấp chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm với các cơ sở đào tạo trong nước và quy định việc công nhận đối với chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp để thực hiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Với việc cung cấp dịch vụ phụ trợ qua biên giới, Quốc hội cũng giao cho Chính phủ có quy định chi tiết về đối tượng thực hiện, đối tượng sử dụng dịch vụ phụ trợ, điều kiện, phương thức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới và trách nhiệm của đối tượng cung cấp, đối tượng liên quan đến việc cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập các hiệp định thương mại quốc tế.

Như vậy, trên cơ sở các quy định của luật, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm cần sớm có văn bản quy định chi tiết về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường dịch vụ bảo hiểm, tạo sân chơi minh bạch, góp phần phát triển thị trường bảo hiểm theo hướng chuyên nghiệp và bền vững.

Tin bài liên quan