Cần những “thỏi nam châm” hút vốn
Khi đỉnh dịch Covid-19 dần qua đi, để tạo lực hút mới với nhà đầu tư, nhất là dòng vốn ngoại trong bối cảnh khối ngoại liên tục bán ròng nhiều cổ phiếu trên sàn, ý kiến từ chuyên gia, nhà đầu tư đều cho rằng, đây là lúc các cơ quan quản lý nhà nước rốt ráo triển khai việc tung ra thị trường những đợt chào bán đủ hấp dẫn.
Các cuộc chào bán có thể là bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hoặc thoái vốn Nhà nước ở các doanh nghiệp lớn, hiệu quả kinh doanh tốt, có khả năng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước và quốc tế, qua đó tạo ra hiệu ứng “thỏi nam châm” hút vốn, điều mà Việt Nam đã thực hiện thành công trong một số năm trước đây.
Nhìn lại năm 2019, trong số 9 doanh nghiệp cổ phần hóa, 13 doanh nghiệp thoái vốn, không có thương vụ “đình đám” nào thu hút sự quan tâm rộng rãi của nhà đầu tư trong và ngoài nước tương tự như nhiều thương vụ diễn ra trước đó.
Chẳng hạn, thương vụ IPO của công ty mẹ Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) vào năm 2014, hay thương vụ IPO CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vào năm 2018; hoặc thương vụ nhà nước bán vốn tại các doanh nghiệp đã niêm yết như: CTCP sữa Việt Nam (VNM), Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB) trong năm 2017...
Ðể hút dòng vốn mới, một chuyên gia chứng khoán ở Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho rằng, cần sớm tiến hành các bước thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước ở các doanh nghiệp.
Thành công trong việc sớm “làm nóng” các đợt IPO, thoái vốn có chất lượng là cách để tạo sức hút đối với dòng tiền mới, kể cả dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài khi mà dịch bệnh dần qua đi.
Cùng góc nhìn trên, ông Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam cho rằng, cần cải thiện niềm tin cho nhà đầu tư bằng cách nhà quản lý chủ động cung cấp kịp thời các thông tin chính thống, chuẩn mực để giảm thiểu ảnh hưởng bởi các tin đồn.
Cùng với đó, cần thực hiện những đợt bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mạnh qua thị trường chứng khoán như một số năm trước. Ðây sẽ là động lực thu hút sự quan tâm của dòng tiền đầu tư quốc tế…
Nhiều doanh nghiệp nằm trong diện cổ phần hóa năm nay như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam…
Các doanh nghiệp khác đang trong giai đoạn nhà nước thúc đẩy thoái vốn thu hút sự quan tâm của giới đầu tư như: Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam…
Nếu những tên tuổi này được chọn lựa để tung hàng ra sớm, hình ảnh của Việt Nam cũng như sức hấp dẫn của cơ hội đầu tư vào Việt Nam sẽ dễ được làm nóng và lan tỏa đến đông đảo những người có tiền.
Bộ Tài chính nói gì?
Thừa nhận tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn từ năm 2019 đến nay diễn ra chậm trễ khiến cho thị trường ít có hàng hóa mới, chất lượng như mong đợi của nhà đầu tư, ông Ðặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, bối cảnh hiện tại chưa thuận lợi cho IPO và nhà nước thoái vốn.
Mặt khác, do các đợt IPO và thoái vốn đang trong giai đoạn chuẩn bị, nên trước mắt sẽ chưa thể sớm có các đợt IPO và thoái vốn nhà nước lớn như mong đợi của thị trường và nhà đầu tư.
Thực tế trên cho thấy, cung - cầu đang khó gặp nhau, vì cái gốc nằm ở chỗ bối cảnh hiện nay có lợi cho bên mua, nhưng lại bất lợi cho bên bán.
Lợi thế cho bên mua, bởi giá trị các tài sản có tính rủi ro như cổ phiếu tiếp tục đối mặt với áp lực suy giảm, do chưa ai có thể khẳng định dịch Covid-19 đã kết thúc.
Trong lúc môi trường đầu tư có những yếu tố bất an này, nhà đầu tư mong muốn tìm kiếm cơ hội mua được hàng tốt, giá tốt.
Thế nhưng, ở chiều ngược lại, bên bán, nhất là với các mặt hàng tốt, lại không muốn ra hàng lúc này vì bán khó được giá cao. Ðiều này đang khiến cho cung - cầu khó gặp nhau ở một điểm đáp ứng được kỳ vọng của cả hai phía.
“Trước mắt sẽ chưa thể có các mặt hàng chất lượng tung ra thị trường, nhưng cơ quan quản lý đang triển khai nhiều giải pháp để ngay khi nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng, đồng thời thị trường chứng khoán phục hồi khả quan hơn, chúng tôi sẽ thúc đẩy triển khai các đợt IPO và thoái vốn. Trong đó, sẽ bao gồm các doanh nghiệp lớn, hoạt động hiệu quả, với nguồn hàng chất lượng như mong đợi của nhà đầu tư”, ông Tiến chia sẻ với Ðầu tư Chứng khoán.
Liên quan đến các giải pháp cụ thể, cùng với đôn đốc các cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước thúc đẩy tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn, truy trách nhiệm người đứng đầu nếu để tiến độ diễn ra chậm, đến nay một loạt vướng mắc, bất cập trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đã được Bộ Tài chính sửa đổi trong dự thảo văn bản pháp lý mới.
Theo đó, Bộ đã trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 126/2017/NÐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần và Nghị định 32/2018/NÐ-CP sửa đổi Nghị định 91/2015/NÐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
Theo dự kiến, quý II/2020 văn bản này sẽ được ban hành, để góp phần quan trọng thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chậm trễ kéo dài.
Ngoài tháo gỡ về cơ chế, để cung- cầu dễ gặp nhau, ông Tiến cho biết, các đợt bán vốn lớn sắp tới được chuẩn bị theo hướng áp dụng phương thức dựng sổ.
Trong bối cảnh thị trường khó mang lại lợi ích tối ưu cho bên bán như hiện nay, đặc biệt là trong những trường hợp nhà nước thoái vốn với tỷ lệ lớn dẫn đến nhà đầu tư có cơ hội nắm quyền làm chủ các doanh nghiệp lớn, phương pháp dựng sổ cho phép ghi nhận sát nhu cầu của cả bên mua và bên bán, chứ không đơn thuần theo diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường.