Chờ giải pháp đồng bộ cho thị trường chứng khoán

Chờ giải pháp đồng bộ cho thị trường chứng khoán

(ĐTCK) Trong các giải pháp tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng - tài chính năm 2014 - 2015, Chính phủ dành ưu tiên thúc đẩy phát triển thị trường vốn, TTCK, tăng cường quản lý các CTCK…

Năm 2013, TTCK trầm lắng

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, nhiệm vụ 2014 - 2015 tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, trong đó có thực hiện cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các CTCK, thì TTCK còn trầm lắng.

Sự trầm lắng của thị trường được thể hiện rõ nét qua những con số mà Bộ Tài chính vừa công bố. Theo đó, giá trị vốn hoá thị trường/GDP tính đến hết tháng 9/2013 chỉ đạt 27,9% GDP 2012. Tỷ lệ này thấp hơn so với nhiều năm trước đây. Tổng giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trong 9 tháng qua đạt 1.342 tỷ đồng/phiên, trong khi năm 2009 đạt bình quân 2.600 tỷ đồng/phiên, năm 2010 là 2.469 tỷ đồng/phiên…

Sự trầm lắng của TTCK khiến hoạt động huy động vốn của DN bị đình trệ. Tổng lượng vốn huy động qua phát hành thêm cổ phiếu và cổ phần hoá 6 tháng đầu năm 2013 chỉ đạt 5.000 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Việc tiếp cận vốn từ hệ thống ngân hàng đối với DN cũng gặp khó khăn.

Ngoài yếu tố ổn định vĩ mô còn thiếu bền vững, một thách thức khác đang khiến khó thúc đẩy TTCK phát triển, theo TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia là tình trạng mất cân đối giữa các khu vực ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm; hàng hóa, công cụ giao dịch và cơ sở NĐT chứng khoán còn hạn chế.

 

Năm 2014 sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Trong định hướng triển khai các giải pháp tái cơ cấu ngân hàng, thị trường tài chính năm 2014 - 2015, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường vốn, TTCK; tăng cường quản lý nhà nước đối với các CTCK...

Để cụ thể hóa những định hướng lớn trên, các thành viên thị trường cho rằng, cùng với nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần ưu tiên đề xuất các giải pháp mới lên Quốc hội, Chính phủ, nhằm giải tỏa nhiều “điểm nghẽn” đang tồn tại.

Cụ thể, cần tăng lượng hàng hóa có chất lượng cho TTCK.

Theo Bộ Tài chính, trong tổng số hơn 70.000 công ty cổ phần đang hoạt động, thì số DN niêm yết hiện chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chưa đầy 1% số DN.

Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, số DN niêm yết mới ít hơn số DN huỷ niêm yết (12/28 DN).

Nhiều DN lớn, hoạt động hiệu quả, có sức hấp dẫn với NĐT vẫn chưa lên sàn. Không ít DN niêm yết có quy mô nhỏ, chất lượng yếu về hiệu quả hoạt động và minh bạch thông tin.

Do đó, nên áp dụng các giải pháp mạnh để thúc đẩy các DN lớn, hoạt động hiệu quả lên sàn, qua đó gia tăng sức hấp dẫn cho thị trường, thu hút NĐT, qua đó tạo cơ hội huy động vốn qua TTCK cho DN.

Với hiện trạng NĐT tổ chức chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, mục tiêu thúc đẩy thị trường vốn, TTCK của Chính phủ sẽ khó đạt được. Các thành viên thị trường cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp miễn giảm thuế cùng với đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các công ty quản lý quỹ, CTCK và triển khai các sản phẩm mới, mới có thể tạo nên sức hấp dẫn cho TTCK.

Một giải pháp căn cơ và rất được chờ đợi là nới room cho NĐT nước ngoài. Giải pháp này sẽ có ý nghĩa quan trọng trong thu hút thêm dòng vốn mới cho thị trường. Qua đó, vừa góp phần tăng số lượng NĐT tổ chức, vừa tạo thuận lợi cho DN huy động vốn.

Theo thông lệ quốc tế, Việt Nam cũng nên sớm cho phép DN được phát hành cổ phần dưới mệnh giá để giúp DN thuận lợi hơn trong huy động vốn, tạo thêm động lực phát triển cho TTCK.