1. Nhìn thấy hình cậu em đang đi du lịch ngoài Đà Nẵng, mà lại check-in ở 1 resort khác với khung cảnh khách sạn của gia đình, tôi rất ngạc nhiên. Tôi liền điện thoại hỏi ngay, ủa, em đang ở Đà Nẵng mà sao không ở nhà mình? Khách sạn đã cho thuê hay thế nào rồi?
“Em bán khách sạn rồi chị ơi. Quản lý mệt quá, thất thoát nhiều và bỏ một đống tiền ra rồi thu lại tiền lẻ, không đủ để trang trải tiền chi phí cho khách sạn và lương nhân viên. Thực sự, xây dựng khách sạn xong, muốn có chút dư dả thì chỉ chờ giá đất lên thôi. Vậy mới có tiền để đủ nuôi 3 đứa con chị à”.
Câu chuyện của cậu em khiến tôi nhớ lại thời điểm cách nay 3 năm, tôi bay ra Đà Nẵng để đi coi đất cùng em. Khi ấy, em mua đất với một niềm khát vọng sẽ xây dựng, phát triển và sở hữu loạt khách sạn mang thương hiệu riêng.
Chúng tôi vẫn bàn nhau câu chuyện, chỉ có 2 công trình xây dựng mang tính sở hữu cá nhân mà trường tồn qua nhiều thế hệ. Đó chính là khách sạn và bệnh viện. Ở nước ngoài, các hệ thống khách sạn nổi tiếng đều được ra đời và quản lý mang tính chuyên nghiệp nhiều thế hệ trong gia đình. Bệnh viện tư nhân cũng như vậy.
Lúc ấy, cậu em chưa đủ tiền để mua nhiều miếng đất, xây nhiều khách sạn theo đúng ý tưởng. Tuy nhiên, ít nhất cậu cũng khởi công 2 khách sạn theo chuẩn 2 sao trên đất bản thân có quyền sử dụng, thuê thêm miếng đất nữa, tất cả cùng logo thương hiệu đã ấp ủ. Sau khi khánh thành, đại gia đình đều tới ở, cảm thấy rất hài lòng. Phòng nhỏ, nhưng được quản lý tốt nên sạch sẽ.
Thêm nữa, lại gần biển, chỉ đi bộ chừng 10 phút là tới biển, thuận lợi vô cùng. Mọi người đều đánh giá, với chất lượng khách sạn như vậy, giá cả lại phải chăng, chắc chắn sẽ vô cùng đông khách.
Mùa Hè đầu tiên, quả là khách đông thiệt. Nhưng Đà Nẵng chỉ đông theo thời vụ. Mùa Thu và Đông thì làm gì có khách đi tắm biển! Nếu khách vãng lai, thì không có nhiều. Khách chỉ tập trung vào các tháng Hè. Có những tuần kín phòng, nhưng sau đó thì giảm dần. Lương nhân viên thì vẫn phải trả đủ.
Duy trì cơ sở vật chất cũng vẫn phải ngày này qua tháng nọ, không thể thiếu. “Bỏ 1 đống tiền, thu về tiền lẻ” đó là thực trạng, là bài toán phải cân đo đong đếm đối với nhà đầu tư.
Sau 3 năm duy trì, cuối cùng cậu em đã bán đi toàn bộ hệ thống khách sạn, cùng bao hoài bão. Tiền thu về không tệ chút nào, nhưng là do giá đất ở khu vực này tăng nóng. Thực sự, nếu không có xây khách sạn, thì tiền lời thu về cũng chẳng kém gì. Thậm chí, tính chi ly, sẽ là hơn. Hơn bởi không mất công sức, thời gian và cả tâm huyết. Mọi thứ cứ bình an, chờ … giá đất lên!
2. Trong lúc đang viết bài này thì tôi có cuộc điện thoại của mấy người bạn thời sinh viên. Các bạn tập trung café, muốn tôi ghé chơi. Đành vác cả máy tính ra quán xá.
Tôi gặp lại cô bạn sống cùng chung thành phố, mà 5 lần 7 lượt hẹn nhau không gặp được, giờ đùng một cái lại chạm mặt. Bạn kể cả năm rồi vất vả kinh khủng, chỉ có xây dựng các khu vườn rau sạch rồi lại phá đi.
Chừng 5 năm trước, bạn đi kiếm các miếng đất vườn xa xa, nằm ở ngoại ô Sài Gòn, mua với giá khá rẻ (thực sự giờ các miếng đất này cũng vẫn còn giá khá rẻ so với… 5 năm sau!). Bạn mua đất, không phải để kinh doanh gì, mà chỉ để thỏa mãn đam mê trồng rau sạch, đưa sản phẩm không hóa chất độc hại ra thị trường. Bao nhiêu tiền làm ra của 2 vợ chồng, đổ hết vào đất, vào cây giống, vào nhân công trồng rau, đóng gói rau. Có nhiều siêu thị tới khảo sát các vườn rau nhà bạn, mê lắm, đặt nhiều sản phẩm, nhưng bạn không đủ để bán ra thị trường.
Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính. Bạn kể, sau 1 trận mưa lớn năm ngoái, cả Sài Gòn phố thành sông, thì vườn rau nhà bạn cũng ngập trong nước. Dù cho 2 ngày sau đã thoát được hết nước mưa, nhưng đủ cho cây cối, rau cỏ te tua hết. Bạn mất tiền rất nhiều vào cây giống và hơn tất cả, là công sức và đam mê. Bao khát vọng dần dần tan đi, kiệt quệ. Vợ chồng bạn phải phá vườn, và cuối cùng là bán đất đi, quay trở về công việc chính ở thành phố.
Tất nhiên, là bạn có lời nhiều, do đất đã tăng gấp 3 lần so với 5 năm trước đây. Nhưng, cũng giống như cậu em làm khách sạn ở Đà Nẵng, nếu không làm gì thì vẫn có tiền lời, do đất tăng giá nhanh.
Mọi thứ, có lãi, đều do đất. Còn bao khát vọng, thì đều lỗ vốn cả.
Hỏi sao mà không buồn!