Kỷ lục sinh ra là để vượt qua
Tại buổi họp báo công bố sự kiện Diễn đàn 2018, ông Lê Trọng Minh - Tổng Biên tập Báo đầu tư, Trưởng Ban tổ chức cho biết, tròn 1 thập kỷ kể từ khi Diễn đàn M&A Việt Nam lần đầu tiên được Báo Đầu tư phối hợp với Công ty AVM Việt Nam tổ chức năm 2009, đã có gần 4.000 thương vụ M&A được thực hiện thành công tại Việt Nam, với tổng giá trị lên tới 48,8 tỷ USD.
“Hoạt động M&A đã phát triển mạnh mẽ không chỉ về số lượng và quy mô thương vụ, mà còn thực sự trở thành một kênh huy động vốn mới hiệu quả trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thúc đẩy mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Hoạt động M&A cũng đã góp phần nâng cao năng lực quản trị và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Lê Trọng Minh đánh giá.
Nói về thị trường M&A thời gian tới, ông Lê Trọng Minh cho rằng, kỷ lục sinh ra là để vượt qua bởi các chủ trương và biện pháp đẩy mạnh cải cách thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước… đang thực sự tạo ra bước ngoặt mới, mở ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động M&A tại Việt Nam về cả giá trị và số lượng thương vụ
. Đây cũng là lý do Diễn đàn M&A Việt Nam 2018 đã chọn chủ đề “Bước ngoặt mới - Kỷ nguyên mới”. Theo ông Minh, thị trường M&A Việt Nam đang đứng trước những cơ hội mới để tạo nên những kỷ lục mới, nhưng bên cạnh đó vẫn còn tiềm ẩn những rủi ro cần được lường trước và có giải pháp khắc phục để hoạt động M&A tiếp tục phát triển.
Cơ hội rộng mở trên thị trường sắp đạt 100 triệu dân
Theo số liệu do ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty AVM Việt Nam, Phó Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn cung cấp, tại Việt Nam, tổng giá trị M&A năm 2017 đạt 10,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 175% so với năm 2016. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 3,55 tỷ USD, bằng 155% cùng kỳ năm 2017.
Sự tăng trưởng của hoạt động M&A tại Việt Nam trong 10 năm qua diễn ra mạnh mẽ và đáng ghi nhận, nhưng quy mô thị trường mới ở mức trung bình so với khu vực Đông Nam Á. 10 năm qua, các nhà đầu tư nội vẫn lép vế so với nhà đầu tư nước ngoài khi giá trị thương vụ do các nhà đầu tư ngoại đứng vai trò bên mua chiếm tỷ trọng áp đảo. Đơn cử, năm 2017, trong khi nhà đầu tư nước ngoài mua tới 91,8%, thì nhà đầu tư trong nước mua chỉ 8,2%.
Tuy vậy, tín hiệu tích cực là những năm gần đây, thị trường M&A tại Việt Nam xuất hiện những thương vụ lớn "tỷ đô" như ThaiBev (thuộc sở hữu của TCC Holdings) chi 4,8 tỷ USD mua cổ phần của Sabeco; TCC Holdings chi hơn 56.000 tỷ đồng để nắm 19,06% vốn Vinamilk, TCC Holdings chi 879 triệu USD mua hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam từ Tập đoàn Metro Cash & Carry (Đức); Tập đoàn Central Group mua lại toàn bộ hệ thống Big C Việt Nam với giá 1,05 tỷ USD và mua 49% cổ phần của hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim, 49% cổ phần của Lan Chi Mart và mua 100% cổ phần của mạng thương mại điện tử Zalora; Singha Asia Holding Pte Ltd rót 1,1 tỷ USD vào Masan...
Cùng với đó, thời gian gần đây, nhà đầu tư nội cũng đang ngày càng tỏ rõ vị thế và có chiến lược chủ động hơn, với hàng loạt thương vụ lớn của Vingroup, Masan, Kinh Đô, Thành Thành Công, Viettel, Vinamilk, FPT… Ở các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn, nhận thức về M&A, chiến lược định giá bán doanh nghiệp, chiến lược lựa chọn đối tác cũng đã thay đổi nhiều so với trước đây.
Với dân số sắp đạt con số 100 triệu dân trong thời gian tới, tỷ trọng dân số trẻ và tầng lớp trung lưu đang gia tăng, thị trường Việt Nam được đánh giá là một thị trường hấp dẫn. Vì vậy, các thương vụ M&A trong giai đoạn 2017 - 2018 tiếp tục thực hiện mục tiêu tiếp cận và mở rộng thị trường.
“Dự báo năm 2018, giá trị M&A có thể đạt 6,5 tỷ USD, bằng 63,7% so với năm 2017. Trong giai đoạn trung hạn, quy mô thị trường M&A Việt Nam có thể vượt qua mốc 5 tỷ USD của giai đoạn 2014 - 2016 để ổn định ở mức 6-6,5 tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt mốc 10 tỷ USD một cách ổn định thì cần sự nỗ lực lớn hơn, nhất là khi dự báo về 'Làn sóng thứ hai' tại Việt Nam, dự kiến diễn ra trong 5 năm (2014-2018) với tổng giá trị thương vụ lên đến 20 tỷ USD, đang ở giai đoạn nước rút. Bởi vậy, toàn thị trường kỳ vọng nhiều hơn vào tương lai của khu vực doanh nghiệp tư nhân...”, ông Đặng Xuân Minh kỳ vọng.
Diễn đàn M&A được kỳ vọng sẽ có nhiều khuyến nghị hữu ích, tăng cường thu hút vốn nước ngoài vào Việt Nam
Ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Diễn đàn M&A năm nay được tổ chức trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, tốc độ tăng trưởng GDP sau khi đạt trên 6,8% năm 2017 thì tiếp tục đạt 7,08% trong 6 tháng đầu năm nay, cao nhất trong 10 năm qua. Bên cạnh đó là niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào kết quả cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh được củng cố.
Cùng với đó, Diễn đàn M&A 2018 diễn ra trước thềm Hội nghị toàn quốc tổng kết 30 năm hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, được kỳ vọng sẽ đưa ra các khuyến nghị hữu ích nhằm tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài theo hình thức M&A một cách có hiệu quả.
Mong muốn đầu tư của các doanh nghiệp Hàn quốc vào việt nam thông qua m&a vẫn đang rất mạnh mẽ
Ông Michael DC Choi, Đại diện KOTRA
Các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam từ rất nhiều năm trước và đã có sự thay đổi trong nhiều năm qua. Ban đầu, các doanh nghiệp Hàn Quốc hướng đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày. Bắt đầu từ giữa năm 2000 bắt đầu tập trung vào lĩnh vực điện tử. Giá trị đầu tư đã thay đổi và tăng lên, phù hợp với thị trường Việt Nam. Làn sóng thứ 3 lại chủ yếu tập trung vào các ngành hàng tiêu dùng hoặc bán lẻ.
Năm 2018, Hàn Quốc có thể không còn giữ số 1 về đầu tư vào Việt Nam, mà sẽ mất vị trí vào tay các nhà đầu tư Nhật Bản, vì phía Nhật Bản có dự án hơn 4 tỷ USD. Tuy vậy, trong nửa đầu năm 2018, các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng đã đạt được giá trị tiệm cận với giá trị đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản.
Trong 5 tháng đầu năm nay, tôi đã tiếp xúc với khoảng 300 doanh nghiệp Hàn Quốc có ý định đầu tư và mở rộng đầu tư tại thị trường Việt Nam, chủ yếu vẫn tập trung vào lĩnh vực sản xuất, chế tạo. Mong muốn đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam thông qua M&A vẫn đang rất mạnh mẽ.
M&A 10 năm tiếp theo sẽ còn mạnh mẽ hơn, nhất là trong mảng tài chính - ngân hàng
Ông Trần Đình Dũng, Trưởng phòng Tư vấn tài chính và bảo lãnh phát hành, CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS)
Nói về thị trường M&A Việt Nam thập kỷ qua, Sabeco là một điển hình thành công về M&A và để giới thiệu cho nhà đầu tư nước ngoài. Phải nói thêm, phía Thaibev mua không phải theo giá cổ phiếu, mà họ mua thị trường bia 90 triệu dân của Việt Nam.
M&A tại Việt Nam trong 3 năm gần đây có sự đột phá hơn so với thời gian trước. Đây cũng là thành tựu của việc quyết liệt hơn trong vấn đề thoái vốn nhà nước, tính minh bạch của thị trường chứng khoán nâng lên, là chất xúc tác để thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
10 năm tiếp theo sẽ còn mạnh mẽ hơn, nhất là trong mảng tài chính - ngân hàng sẽ có những thương vụ lớn, mảng Fintech hay bất động sản cũng sẽ rất thu hút nhà đầu tư ngoại mua bán, sáp nhập và sẽ tiếp tục có những thương vụ lớn như Sabeco nữa trong tương lai.