Ngành ngân hàng, bất động sản… được dự báo sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc Fed hạ lãi suất.

Ngành ngân hàng, bất động sản… được dự báo sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc Fed hạ lãi suất.

Chờ đợi sóng tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán đang bước vào quý cuối cùng của năm 2024, điều nhiều nhà đầu tư quan tâm là cơ hội sẽ đến với nhóm ngành nào để xuống tiền.

Khó khăn, thuận lợi đan xen

Thị trường đã đi gần hết 3/4 chặng đường của năm 2024, với việc liên tục đón nhận các tin tức trái chiều xoay quanh triển vọng tăng trưởng chung của các nền kinh tế lớn trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Trao đổi cùng các thành viên thị trường, nhiều quan điểm cho rằng, VN-Index sẽ tìm kiếm những câu chuyện mới để dẫn dắt đà tăng trưởng khi liều “doping” về nâng hạng có thể sẽ tiếp tục trễ hẹn và phải cần thêm thời gian. Do đó, cơ hội sẽ đan xen với thách thức trên thị trường vào giai đoạn cuối năm 2024.

Bắt đầu câu chuyện cùng phóng viên Đầu tư Chứng khoán, ông Đỗ Hồng Anh, chuyên gia tư vấn và quản lý tài sản, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho hay, các câu chuyện liên quan đến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư và dòng tiền.

Dựa trên tình hình hiện tại và những yếu tố tác động từ chính sách tiền tệ của Fed, thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý IV/2024 sẽ có tăng trưởng ngắn hạn nhờ dòng vốn ngoại.

Việc Fed giảm mạnh lãi suất 50 điểm phần trăm trong cuộc họp ngày 18/9 và có thể tiếp tục hạ lãi suất thêm trong năm 2024 được kỳ vọng sẽ giúp dòng vốn ngoại quay trở lại Việt Nam. Thị trường Việt Nam, với tiềm năng tăng trưởng dài hạn, là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế trong bối cảnh lãi suất thấp.

Tuy nhiên, ông Hồng Anh cho rằng, mặc dù tăng trưởng ngắn hạn là điều có thể dự báo, nhưng trong trung và dài hạn, Việt Nam sẽ đối mặt với rủi ro từ nguy cơ suy thoái của các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu. Nếu nền kinh tế toàn cầu suy giảm, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp của Việt Nam, dẫn đến sự suy giảm của thị trường chứng khoán.

“Thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý IV/2024 sẽ có giai đoạn tăng trưởng ngắn hạn nhờ dòng vốn ngoại và chính sách hỗ trợ, nhưng có thể điều chỉnh vào cuối quý khi các yếu tố rủi ro toàn cầu trở nên rõ ràng hơn. Nhà đầu tư cần thận trọng và có chiến lược quản lý rủi ro tốt để bảo vệ lợi nhuận trong giai đoạn này”, ông Hồng Anh nhận định.

Bình luận thêm về cơ hội trên thị trường, ông Hồng Anh đánh giá, ngành ngân hàng là ngành có mối quan hệ trực tiếp nhất với lãi suất, vì lợi nhuận chính của các ngân hàng đến từ việc cho vay, do đó khi Fed hạ lãi suất, lãi suất tại Việt Nam cũng giảm, dẫn đến chi phí vay vốn của doanh nghiệp và cá nhân giảm. Điều này thúc đẩy nhu cầu vay vốn, từ đó tăng doanh thu cho các ngân hàng từ việc cấp tín dụng.

“Khi Fed hạ lãi suất vào năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các ngân hàng Việt Nam đã ghi nhận sự gia tăng mạnh về nhu cầu tín dụng. Cụ thể, Vietcombank (VCB) và Techcombank (TCB) đều chứng kiến giá cổ phiếu tăng đáng kể nhờ mở rộng cho vay và khả năng tăng lợi nhuận từ việc cung cấp các dịch vụ tài chính”, ông Hồng Anh dẫn chứng và cho biết thêm, lợi thế của ngành ngân hàng không chỉ dừng lại ở tín dụng, mà còn ở các khoản đầu tư và quản lý tài sản. Khi lãi suất thấp, các khoản vay thế chấp và vay mua nhà tăng mạnh, tạo điều kiện cho ngân hàng mở rộng quy mô tài sản, nâng cao biên lợi nhuận từ các khoản cho vay dài hạn.

Kinh nghiệm quá khứ cho thấy đỉnh thị trường luôn xuất hiện trong giai đoạn giao dịch sôi động và đáy thị trường hình thành khi thanh khoản thị trường trầm lắng.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT

Bên cạnh đó, theo chuyên gia Mirae Asset Việt Nam, ngành bất động sản cũng là ngành phụ thuộc lớn vào lãi suất vay vốn, vì phần lớn các dự án bất động sản được tài trợ bởi các khoản vay dài hạn.

Khi lãi suất thấp, chi phí vay vốn của các doanh nghiệp và cá nhân để phát triển và mua bất động sản giảm, làm tăng tính thanh khoản và giá trị của các tài sản bất động sản.

Có thể nói, việc hạ lãi suất của Fed sẽ làm giảm chi phí vay vốn, tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận tài chính dễ dàng hơn. Các ngành có tính nhạy cảm với lãi suất như ngân hàng, bất động sản, tài chính sẽ hưởng lợi trực tiếp từ dòng vốn rẻ. Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp đều sẽ hưởng lợi gián tiếp từ dòng vốn rẻ này, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện giá trị cổ phiếu trên thị trường.

Nhiều dự báo lạc quan

Nhận định về xu hướng thị trường chứng khoán cuối năm, hầu hết các chuyên gia đều có dự báo lạc quan.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT giữ quan điểm tích cực đối với triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn cuối năm.

Theo ông Hinh, kịch bản VN-Index vượt mốc 1.300 điểm trong năm nay hoàn toàn khả thi nhờ những yếu tố hỗ trợ như Fed dự kiến hạ lãi suất điều hành ít nhất khoảng 75 điểm phần trăm trong những tháng cuối năm (đã giảm 50 điểm phần trăm), áp lực tỷ giá và lạm phát hạ nhiệt giúp Ngân hàng Nhà nước có điều kiện để chuyển hướng mục tiêu sang ưu tiên tăng trưởng kinh tế, gia tăng cung tiền và duy trì mặt bằng lãi suất ở vùng thấp, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục cải thiện và tiến triển mới trong câu chuyện nâng hạng thị trường.

“Kinh nghiệm quá khứ cho thấy, đỉnh thị trường luôn xuất hiện trong giai đoạn giao dịch sôi động và đáy thị trường hình thành khi thanh khoản thị trường trầm lắng”, ông Hinh đánh giá và nhận định, VN-Index đang ở trong giai đoạn tích lũy cho sóng tăng cuối năm và nhà đầu tư nên tận dụng giai đoạn này để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu quanh vùng hỗ trợ 1.250 điểm của VN-Index, ưu tiên những nhóm ngành có câu chuyện tăng trưởng tích cực cuối năm như ngân hàng, chứng khoán, xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ) và bất động sản khu công nghiệp.

Còn theo các chuyên gia từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), giai đoạn cuối năm, khả năng VN-Index sẽ giao dịch trong biên độ 1.250 - 1.325 điểm nhằm đưa mức chênh lệch lợi tức 4% giữa thị trường chứng khoán và trái phiếu chính phủ 10 năm về tiệm cận giá trị trung bình 5 năm (3,6%, tương ứng với P/E 15,2 lần).

Theo VDSC, giai đoạn cuối năm, cơ hội sẽ đến với các nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, khu công nghiệp, thực phẩm, đồ uống, tiêu dùng, ngành hàng và dịch vụ công nghiệp. Ngoài ra, bất động sản dân dụng, dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin, bán lẻ, tiện ích, năng lượng, xây dựng và vật liệu xây dựng cũng là các nhóm ngành mà nhà đầu tư có thể quan tâm khi có sự chiết khấu hợp lý về thị giá.

Cũng đưa ra cái nhìn lạc quan về thị trường cuối năm, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm 2024, nhờ tỷ giá chững lại hoặc giảm.

Theo PHS, việc Fed giảm lãi suất, giá trị đồng USD sẽ giảm, từ đó tỷ giá có thể hạ nhiệt. Ngoài ra, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu và tiêu dùng, được kỳ vọng tiếp tục phục hồi.

Cùng với đó, chính sách đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi trong thời gian tới chính là các trợ lực cho thị trường.

Tin bài liên quan