Chờ đợi…

(ĐTCK-online) Thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang trở thành đề tài được quan tâm một cách đặc biệt. Và các thông tin thị trường cho thấy, thanh khoản của hệ thống sẽ "ổn ở mức tối thiểu".

Cuộc họp đầu tuần này giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại có thể là khởi nguồn cho lời đồn đại rằng NHNN "bơm" vào thị trường ngân hàng 30.000 tỷ  đồng nhằm cải thiện thanh khoản. Rốt cuộc, đó chỉ là một tin đồn như bao tin đồn trước đây.

Qua cuộc họp này, NHNN chỉ muốn biết kế hoạch cụ thể của các ngân hàng về việc thu hồi vốn tín dụng đã giải ngân và số vốn dự kiến giải ngân từ nay tới cuối năm. NHNN cũng đã chia ra làm việc với các ngân hàng thành từng nhóm nhỏ có mức độ thanh khoản tương đồng để đánh giá được mức độ của từng ngân hàng.

Điều quan trọng nhất mà trong báo cáo với Thống đốc và đại diện các ngân hàng, một vị quan chức của NHNN đã khẳng định "như đinh đóng cột" rằng, thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn ổn và số dư tiền gửi tại NHNN đảm bảo đủ dự trữ bắt buộc và khả năng thanh toán.

"Điều quan trọng phải làm rõ thế nào là ổn?", một vị lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần đặt câu hỏi. Khi mà lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã có khoản lên tới 12%/năm và giao dịch qua đêm chiếm tới khoảng 40%, theo vị lãnh đạo trên, khó có thể coi là thực sự "ổn" được.

Phát biểu trên báo chí, ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, một trong những biện pháp tốt nhất là NHNN nên tăng cung tiền cho các ngân hàng thương mại trên thị trường mở. Điều này có lẽ là đúng.

Trên thực tế, theo thống kê của Bloomberg về nghiệp vụ trên thị trường mở (OMO), từ ngày 1/12 đến ngày 8/12/2009, NHNN đã mua vào (Reserve Repo) các giấy tờ có giá từ các ngân hàng thương mại với giá trị là 29.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 8%/năm.

Việc bơm hút qua kênh thị trường mở cũng là hoạt động bình thường, dù kỳ hạn ngắn thường 1 - 2 tuần nhưng giai đoạn này đã phần nào giúp nhiều ngân hàng cải thiện được thanh khoản.

Cuối năm luôn là thời điểm các ngân hàng phải đối mặt với nhu cầu vay vốn tăng cao, trong khi doanh nghiệp cũng tăng cường rút bớt tiền gửi nhằm chi trả lương thưởng cuối năm và người dân cũng có nhu cầu chi tiêu nhiều hơn.

Một vị lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần lớn cho biết, hiện nay, nguồn cung tiền của NHNN cho các ngân hàng thương mại qua kênh thị trường mở vẫn chỉ đủ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu. "Cái khó ở đây không những là khối lượng cung tiền thấp mà còn là kỳ hạn ngắn, chỉ 1 - 2 tuần, thuần tuý chỉ là để bù đắp thanh khoản".

Điều NHNN mong muốn có lẽ là điểm này: chỉ cho ngân hàng thương mại vay vốn để đảm bảo thanh khoản, chứ không phải để phát triển tín dụng. Trong hoàn cảnh khó khăn về huy động, dù lãi suất nhiều ngân hàng đã tăng tới mức 10,49%/năm, các ngân hàng nhỏ sẽ phải trông chờ vào các ngân hàng lớn để vay vốn qua thị trường liên ngân hàng, dù phải chấp nhận lãi suất cao.

Một vị lãnh đạo ngân hàng cổ phần nhỏ cho biết huy động vốn rất khó khăn, ngân hàng cũng không có nhiều giấy tờ có giá, nên cũng không thể vay vốn từ thị trường mở. "Vậy chỉ còn cửa vay vốn ngắn hạn từ thị trường liên ngân hàng với mức lãi suất cao trên dưới 11%/năm, nên chúng tôi cũng cực kỳ hạn chế cho vay vốn vào thời điểm này vì cho vay sẽ lỗ".

Thông điệp của NHNN là sẽ "đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng" đưa ra trong cuộc họp hồi đầu tuần sẽ chỉ mang ý nghĩa duy trì. Ngân hàng mà phải "cực kỳ hạn chế cho vay vốn" thì chưa thể coi là thị trường vận hành một cách bình thường.

Dù sao tháng 12 cũng chỉ còn hơn chục ngày nữa. Sang tới tháng 1/2010 đã là năm mới với những mục tiêu tăng trưởng tín dụng mới, nhiều ngân hàng và cả doanh nghiệp đang hy vọng luồng vốn sẽ chảy trở lại bình thường. Không dài, nhưng đối với nhiều doanh nghiệp, có những khoản tất toán vào thời điểm cuối tháng 12 này chắc chắn sẽ phải "đôn đáo" cân đối nguồn vốn để chốt sổ trước ngày 31/12.