Bài toán giảm phát thải và chuyển đổi xanh đối diện nhiều thách thức
Chia sẻ tại Diễn đàn thường niên lần thứ 6 về Quản trị Công ty với chủ đề "Khơi nguồn Tài chính Xanh và Quản trị Xanh", do Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho biết số liệu đáng chú ý trong một cuộc khảo sát đánh giá mức độ nhận thức của doanh nghiệp liên quan đến bài toán phát thải và chuyển đổi xanh do Ban IV thực hiện vào tháng 8/2022.
Nội dung được biết đến nhiều nhất thời điểm đó là việc Thủ tướng cam kết tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26) chỉ đạt 20%. Các nội dung khác như chính sách thuế cacbon hay các nghị định doanh nghiệp cần thực hiện… cũng trong khảo sát này đạt tỷ lệ quanh 10%.
Các con số trên cho thấy mức độ nhận thức và sẵn sàng tương đối thấp của các doanh nghiệp thời điểm đó.
Ngoài ra, khi được hỏi về những thách thức lớn nhất, điều được các lãnh đạo doanh nghiệp đề cập nhiều nhất cũng chính là việc có ít thông tin liên quan đến chuyển đổi xanh, ESG. Đặc biệt rất thiếu các thông tin để hành xử, ra quyết định. Trên 80% doanh nghiệp đề cập đến thách thức này khi giải quyết bài toán giảm phát thải và chuyển đổi xanh.
Thách thức thứ hai là rất thiếu và không nắm được những biện pháp kỹ thuật để có thể thực hiện chuyển đổi, cũng như thiếu thông tin dẫn đến không biết đưa ra lựa chọn như thế nào. Và thách thức thứ ba được đề cập nhiều nhất là bài toàn vốn.
“Câu chuyện tiền ở đâu rất khó khăn, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn duy trì hoạt động đã khó, nguồn để chuyển đổi còn khó hơn”, đại diện Ban IV cho biết.
Ở thời điểm hiện tại, nhận thức về chuyển đổi xanh đã có thay đổi so với thời điểm khảo sát đây sẽ trở thành vấn đề sống còn chứ không còn là lựa chọn, đặc biệt ở những ngành lĩnh vực mà người tiêu dùng đưa ra những yêu cầu khắt khe. Châu Âu đã có Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU), Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR). Tại Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, cũng đã có dự luật tương tự cơ chế điều chỉnh biên giới carbon.
Sau gần 2 năm làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, bà Thuỷ cho biết hiện có thể phân loại các doanh nghiệp thành ba nhóm trong việc ứng xử đối với chuyển đổi xanh. Trong đó, nhóm đầu tiên với tỷ trọng rất ít là các doanh nghiệp đã có chiến lược, mô hình sáng kiến chuyển đổi. Nhóm thứ hai đã tìm ra một số việc cụ thể để làm cho đỡ… sốt ruột. Tuy nhiên, các hoạt động được triển khai mà không gắn với chiến lược. Còn một nhóm khác, chiếm phần lớn, đang đo lắng nhưng không biết bắt đầu từ đâu cũng như huy động nguồn tiền từ đâu.
Nhiều đầu việc có thể làm ngay trong lúc chờ "ngôn ngữ chung"
Chỉ ra hai vấn đề lớn còn vướng mắc hiện nay, bà Phạm Thị Ngọc Thủy cho biết vẫn đang thiếu một ngôn ngữ chung giữa ngân hàng và doanh nghiệp, đồng thời, phân loại “xanh” đang thiếu các tiêu chí, phân loại như thế nào là xanh và không xanh. Đây cũng là điều khiến các ngân hàng gặp khó khăn và hiện chỉ giải ngân vốn tín dụng hầu hết vào nhóm năng lượng tái tạo.
Để gia tăng nguồn tài chính xanh, bà Thủy nhấn mạnh bài toán khung pháp lý rất quan trọng. Bởi khung pháp lý không chính thức thì hoạt động của ngân hàng chỉ mang tính sơ khởi. Hiện đang có dự thảo phân loại xanh, tín dụng xanh. Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân đang nỗ lực thúc đẩy sự ra đời của khung pháp lý.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong khi chờ đợi ngôn ngữ chung về “xanh”, nhiều doanh nghiệp đã tiên phong thực hiện các sáng kiến chuyển đổi xanh và thu được thành quả. Như trường hợp Tập đoàn Lộc Trời đã huy động được 90 triệu USD từ ngân hàng Hà Lan cho mô hình lúa phát thải thấp.
Trả lời câu hỏi về việc nên làm gì khi các doanh nghiệp muốn chuyển đổi thực hiện các cam kết ESG, bà Thuỷ cho rằng các doanh nghiệp có thể bắt đầu từ những bước cơ bản đầu tiên.
“Các chuyên gia khuyến nghị không nên bắt đầu từ những điều quá xa vời, mà nên bắt đầu từ bước cơ bản đầu tiên bằng việc đo đếm kiểm kê phát thải khí nhà kính. Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn đã liệt kê 1912 doanh nghiệp kiểm kê phát thải khí nhà kính và sẽ tăng lên 4000 doanh nghiệp trong thời gian tới”, bà Thuỷ cho hay.
Từ tháng 8/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã công bố sổ tay kiểm kê phát thải khí nhà kính, cũng như đưa ra yêu cầu khuyến khích thực hiện công bố dấu chân cácbon, xả thải cacbon trong báo cáo thường niên của các doanh nghiệp niêm yết.
Cũng theo bà Thủy, chuyển đổi xanh tại các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ lớn từ hoạt động chuyển đổi số.
Tại cuộc họp trung tuần tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ cũng đưa ra thông điệp gắn kết chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Dù thời điểm này chưa thấy quá rõ sự liên quan, nhưng bà Thuỷ nhấn mạnh sự gắn kết của các hoạt động chuyển đổi này. Bởi việc đánh giá hoạt động chuyển đổi xanh cần dựa trên dữ liệu. Và dữ liệu cũng chính là bài toán của chuyển đổi số.