Trễ hẹn cổ tức, tăng vốn: Chuyện của hàng chục DN
Kết thúc năm 2017 kinh doanh khởi sắc với lợi nhuận trước thuế đạt 1.925 tỷ đồng, tăng 66,5% so với năm 2016 và vượt 11% kế hoạch đề ra nhờ hầu hết các mảng kinh doanh đều tăng trưởng, tại ĐHCĐ diễn ra vào cuối tháng 4/2018, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch chi trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% với thời gian dự kiến hoàn tất trong quý III hoặc quý IV/2018, sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Đây được xem là mức cổ tức khá tích cực cho các cổ đông so với nhiều ngân hàng khác và với cả chính SHB trong giai đoạn 2014 - 2017, khi cổ tức chỉ vào khoảng 7% - 7,5%/năm. Tuy nhiên, năm 2018 đã kết thúc mà Ngân hàng vẫn chưa có thông tin cụ thể về thời gian khoản cổ tức này đến tay cổ đông.
Chậm trả cổ tức cùng với diễn biến thị giá SHB cuối năm 2018 giảm gần 50% so với mức đỉnh hồi đầu tháng 4/2018 và thấp hơn gần 20% so với mức giá hồi đầu năm là nỗi buồn chung của cổ đông SHB. Nhiều nhà đầu tư đánh giá, với nguồn lợi nhuận chưa phân phối khá lớn, việc hoàn tất chi trả cổ tức của SHB chỉ là vấn đề thời gian, không phải vấn đề “sức khỏe”.
Trong khi đó, tại nhiều doanh nghiệp khác, cổ đông dù đã được chốt danh sách, thị giá cổ phiếu đã điều chỉnh theo tỷ lệ cổ tức chi trả vào nhưng khi nào thực sự nhận được vẫn là ẩn số lớn.
Mới đây, CTCP Sông Đà 4 (SD4) đã thông báo thay đổi thời gian thanh toán cổ tức năm 2016 bằng tiền 1.500 đồng/cổ phiếu sang ngày 24/4/2019 thay vì ngày 17/12/2018 như dự kiến, do nguồn tiền thanh toán từ chủ đầu tư tại các công trình mà Công ty đang thi công chưa thực hiện được.
Đây là lần thay đổi thứ 4 của SD4 sau khi chốt danh sách từ ngày 26/1/2018. Việc liên tục khất lần của SD4 còn khiến cổ đông buồn hơn khi thị giá cổ phiếu trên thị trường hiện đã giảm đến gần 50% so với đầu năm, về mức hơn 6.000 đồng/cổ phiếu. Lợi nhuận 9 tháng 2018 của SD4 cũng giảm 58% so với cùng kỳ 2017, khiến việc hoàn thành kế hoạch năm đang trở thành thách thức không nhỏ.
Tại CTCP Đầu tư Xây dựng và Công nghệ Tiến Trung (TTZ), sau khi chốt danh sách trả cổ tức cho cổ đông vào ngày 28/2/2018 với thời gian thanh toán dự kiến là 2/4/2018, TTZ đã xin lùi thời hạn thanh toán đến ngày 30/12/2018, sau đó tiếp tục lùi thêm 1 năm cho đến ngày 30/12/2019. Nguyên nhân là một số đối tác xin lùi thời hạn thanh toán và chưa xác định được thời hạn thanh toán chính xác dẫn đến việc Công ty cần có thêm thời gian để cân đối đủ nguồn chi trả.
Tại CTCP Simco Sông Đà (SDA), CTCP Sông Đà 9.06 (S96), cả 2 doanh nghiệp này còn “tiện thể” lùi lời hứa sẽ thanh toán cổ tức từ tháng 12/2018 đến cuối năm 2021, tức là sau 3 năm nữa.
Trễ hẹn cổ tức với cổ đông, không chi trả cổ tức dù đã chốt quyền từ lâu, nhà đầu tư chỉ biết lắc đầu ngao ngán và chấp nhận gánh chịu những thiệt hại về chi phí cơ hội khi khoản vốn cổ tức bị chiếm dụng kéo dài, thậm chí có nguy cơ không bao giờ nhận được.
Bên cạnh cổ tức, một trường hợp phổ biến khác mà các doanh nghiệp chưa thể thực hiện được như kế hoạch đề ra là câu chuyện tăng vốn.
Tại ĐHCĐ 2018 của CTCP Chiếu xạ An Phú (APC) tháng 3/2018, sau phần thảo luận căng thẳng liên quan đến phương án phát hành 6 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nhằm huy động vốn đầu tư Nhà máy chiếu xạ tại Bắc Ninh và bổ sung vốn lưu động, cuối cùng các cổ đông của APC đã chốt phương án tăng vốn điều chỉnh thông qua phát hành thêm 3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và 3 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá tối thiểu 20.000 đồng/cổ phiếu, mục tiêu hoàn tất trong năm 2018.
Tuy nhiên, sau ĐHCĐ, lộ trình thực hiện tăng vốn cho các kế hoạch đầu tư đầy tham vọng của Công ty được tiến hành chậm với khá ít các tin tức được ghi nhận. Sau khi Hội đồng quản trị APC công bố nghị quyết thông qua Hồ sơ chào bán cổ phiếu ra công chúng ngày 5/10/2018, đến nay vẫn chưa có thông tin nào về tiến trình thực hiện tiếp theo được ghi nhận. Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) - nơi APC đang niêm yết cũng chưa có thông báo về việc cấp giấy phép cho đợt chào bán của doanh nghiệp.
Trễ hẹn các kế hoạch chào bán tăng vốn khi thời gian của năm 2018 đã hết cũng là câu chuyện chung của nhiều doanh nghiệp khác như CTCP Chứng khoán TP. HCM (HCM), CTCP SAM Holding (SAM), CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), CTCP Tập đoàn FLC (FLC)...
Trong các câu chuyện tăng vốn của SAM hay FLC, yếu tố thị trường bất lợi đang được đánh giá là nguyên nhân không nhỏ khiến việc tăng vốn chậm tiến độ, khi mà giá các cổ phiếu này suốt cả năm qua gần như chỉ giao dịch trong vùng 5.000 - 6.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với mức giá dự kiến phát hành khiến việc chào bán dù có tiến hành cũng rất khó để thuyết phục cổ đông bỏ vốn.
Bài toán chuyển sàn, niêm yết còn dang dở
Đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 28/11/2017, tại ĐHCĐ tổ chức tháng 2/2018, CTCP ILA (ILA - tiền thân là CTCP TRT) đã thông qua kế hoạch đưa cổ phiếu lên niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
Ngay sau ĐHCĐ, ILA đã nộp hồ sơ niêm yết lên HNX, tuy nhiên đến cuối tháng 8/2018, Công ty đã gửi công văn xin rút hồ sơ lưu ký với lý do chuẩn bị tổ chức ĐHCĐ bất thường để tái cấu trúc.
Tại ĐHCĐ bất thường tổ chức trong tháng 9/2018, bên cạnh việc thông qua phương án phát hành riêng lẻ để tăng vốn điều lệ, Ban lãnh đạo Công ty cũng thông qua phương án chuyển đăng ký giao dịch từ UPCoM lên niêm yết tại sàn HOSE. Vậy nhưng đến cuối năm 2018, việc niêm yết vẫn chưa hoàn tất.
Không chỉ ILA, nhiều doanh nghiệp khác cũng chia sẻ kế hoạch chuyển từ đăng ký giao dịch lên niêm yết từ lâu nhưng không kịp hoàn tất trong năm 2018, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như Tổng công ty Hàng không Việt Nam (HVN), CTCP Tập đoàn Thủy Sản Minh Phú (MPC), CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG)…
Đây rõ ràng là thông tin kém vui với các cổ đông khi mà việc niêm yết trên sàn quy mô lớn không chỉ tăng uy tín cho doanh nghiệp mà còn tăng khả năng tiếp cận với các tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp, quỹ đầu tư…, kỳ vọng tác động tích cực tới thanh khoản cũng như thị giá cổ phiếu, đồng thời là điều kiện tiên quyết để cổ phiếu được cho vay ký quỹ theo quy định của Sở giao dịch.
Tuy vậy, nếu như cổ đông của các doanh nghiệp này vẫn có nơi để giao dịch, đối với nhiều ngân hàng như Nam A Bank, AB Bank, Viet Bank, OCB, việc chậm niêm yết còn khiến cổ đông thiệt thòi khi muốn chuyển nhượng cổ phiếu bởi cổ phiếu các ngân hàng này hiện chưa được đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Tại ĐHCĐ 2018, Ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã trình và được cổ đông thông qua tờ trình đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn HOSE và mục tiêu hoàn tất trong năm 2018. Tin ngân hàng sớm niêm yết cùng kế hoạch tăng vốn lên 7.500 tỷ đồng, mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018 tăng 96% so với thực hiện trong 2017 trong bối cảnh thị trường quý I/2018 diễn biến tích cực đã giúp đợt đấu giá 5,2 triệu cổ phần OCB của Vietcombank trong tháng 4/2018 thành công ngoài mong đợi, với mức giá đấu thành công bình quân gần gấp đôi giá khởi điểm.
Trong khi lợi nhuận trước thuế của OCB sau 9 tháng đạt 1.846 tỷ đồng, hoàn thành 92% kế hoạch năm, Ngân hàng cũng đã hoàn tất việc tăng vốn đợt 1 lên 6.599 tỷ đồng qua trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành chào bán thì việc niêm yết cũng như phát hành riêng lẻ thêm 800 tỷ đồng lại chưa có tin tức mới nào được ghi nhận.
Dù vì lý do khách quan hay chủ quan, rõ ràng cổ đông và nhà đầu tư khó có thể hài lòng khi các doanh nghiệp không thể thực hiện được lời hứa, cũng như những kế hoạch “đầy hứa hẹn” đặt ra. Không ít sự thất hứa có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích thiết thực của nhà đầu tư, gây tổn thương niềm tin thị trường.