Chờ đợi doanh nghiệp báo lãi tốt cuối năm

Chờ đợi doanh nghiệp báo lãi tốt cuối năm

(ĐTCK) Chỉ còn 4 tháng nữa là năm 2018 sẽ kết thúc. Đây cũng là lúc nhiều doanh nghiệp (DN) có thể sẽ công bố những thông tin quan trọng về kinh doanh với kỳ vọng tạo ra thu nhập tốt cho cổ đông.

HBC: Kỳ vọng lợi nhuận tốt khi thoái vốn thành công

Năm 2018, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) đặt mục tiêu 20.680 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.068 tỷ đồng, tăng tương ứng 28,9% và 24,3% so với doanh thu và lợi nhuận năm 2017.

Thế nhưng đến hết tháng 6/2018, Hòa Bình mới đạt hơn 8.079 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế hơn 301 tỷ đồng, hoàn thành gần 30% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Với kết quả này, áp lực doanh thu và lợi nhuận của Hòa Bình cho nửa cuối năm là khá lớn nếu Công ty muốn đạt được mục tiêu đề ra.

Ngoài việc đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, con đường hoàn thành kế hoạch năm sẽ phụ thuộc lớn vào việc thoái vốn các dự án bất động sản.

Đây là hoạt động nằm trong nhóm tái cấu trúc tài sản - nguồn vốn của Công ty, để giúp Hòa Bình có thêm nguồn lực tài chính cho các hoạt động kinh doanh cốt lõi và dự án bất động sản trọng điểm.

Tháng 4/2018, trả lời thông tin báo chí, ông Lê Quốc Duy, Phó tổng giám đốc Hòa Bình cho biết, trong 2 năm gần nhất, doanh thu của Công ty tăng gấp hơn 3 lần, với khoản phải thu lớn dẫn đến lo ngại của nhà đầu tư về chất lượng doanh thu, lợi nhuận và tài sản.

Tuy nhiên, ông Duy cho rằng, các khách hàng của Hòa Bình đa phần là các tập đoàn lớn, có năng lực, hoạt động kinh doanh ở giai đoạn tăng trưởng, nên doanh thu tăng và phải thu cũng tăng theo là điều tất yếu.

Để khắc phục vấn đề này, Hòa Bình một mặt phải sử dụng tăng nguồn vốn vay ngân hàng, đi kèm với kiểm soát chặt chẽ tiến độ các khoản phải thu; mặt khác, sẽ thoái vốn tại các dự án bất động sản nhằm tăng nguồn tiền cho Công ty.

Hiện HBC có 2 khoản phải thu đã trích lập dự phòng từ khá lâu. Ông Duy cho biết, dự án 15 Lê Thánh Tôn sắp tới sẽ thu hồi được vốn theo hình thức hợp tác đầu tư. Trong khi đó, phía đối tác cũng đã có những tín hiệu tích cực hơn đối với vấn đề trả nợ.

"Các khoản thu theo tiến độ của Hòa Bình có diễn biến tốt từ tháng 4 năm nay. Theo đó, việc dòng tiền Công ty trong thời gian qua bị âm sẽ chuyển biến tích cực hơn từ quý II", ông Duy nói.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, Hòa Bình dự kiến thoái vốn tại 3 dự án là 1C Tôn Thất Thuyết (5.000 m2); Long Thới, Nhà Bè (4 ha), Phước Lộ Thọ (gần 3 ha) với tổng lợi nhuận từ thoái vốn dự án không dưới 400 tỷ đồng. Nếu 3 dự án này thoái thành công, Hòa Bình sẽ có lợi nhuận tốt cuối năm. 

DIG: Triển vọng lợi nhuận tốt được duy trì

Nửa đầu năm 2018, Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã DIG), đạt 996,6 tỷ đồng doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 74,1 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty mẹ là 72,8 tỷ đồng.

Trên Báo cáo tài chính riêng lẻ, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của DIG lần lượt là 823,5 tỷ đồng và 120,2 tỷ đồng.

So với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận của DIG tăng trưởng rất mạnh, trong đó lợi nhuận sau thuế trên Báo cáo tài chính Công ty mẹ tăng 3,4 lần; trên Báo cáo tài chính hợp nhất, lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty mẹ của DIG cũng tăng tới 9,5 lần.

Việc tăng trưởng mạnh kết quả kinh doanh của DIG được lý giải là do Tổng công ty tăng mạnh doanh thu từ bất động sản, chủ yếu là chuyển nhượng dự án DIC Phoenix (tăng 317,7 tỷ đồng), chuyển nhượng quyền sử dụng đất dự án Nam Vĩnh yên (tăng 194,3 tỷ đồng) và dự án Khu du lịch sinh thái Đại Phước (tăng 165,9 tỷ đồng).

Lợi nhuận tăng đột biến, nhưng DIG vẫn còn dư địa tăng trưởng cao nửa cuối năm. Động lực chính vẫn đến từ mảng bất động sản. Báo cáo đánh giá của Công ty Chứng khoán VPBS cho rằng, mảng bất động sản năm 2018 của DIG dự kiến duy trì mức tăng 115% từ các dự án như Nam Vĩnh Yên, Đại Phước, DIC Phoenix và DIC The Landmark Residence.

Năm 2018, VPBS ước doanh thu và lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty mẹ của DIG đạt lần lượt 2.794 tỷ đồng và 323 tỷ đồng. Nếu các dự án của DIC thực hiện đúng tiến độ, 2 quý cuối năm, khả năng Công ty sẽ ghi nhận dòng doanh thu và lợi nhuận khả quan hơn nhiều 2 quý đầu năm. 

KDC: Chờ “lộ” yếu tố đột phá

Tính đến hết quý II/2018, CTCP Tập đoàn KIDO (mã KDC) mới hạch toán lỗ 72,6 tỷ đồng trên Báo cáo tài chính riêng lẻ. Trên Báo cáo tài chính hợp nhất, KDC lãi 47,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, nhưng lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty mẹ là -11,3 tỷ đồng.

Với việc đang trong giai đoạn xây dựng và mở rộng hệ thống kinh doanh, cùng chế độ kế toán hiện hành với yêu cầu trích lập khấu hao lợi thế thương mại cho các khoản M&A, KIDO bị lỗ, dù quy mô kinh doanh đang tăng trưởng mạnh.

Nhưng đây là vấn đề đã được KIDO lường trước từ đầu năm do các kế hoạch M&A đều có từ trước năm 2018.

Trong khi đó, theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông 2018, KIDO đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018 là 800 tỷ đồng. Với nền tảng doanh nghiệp hoạt động vững, nhiều nhà đầu tư phấp phỏng chờ KIDO lộ yếu tố lợi nhuận đột biến đến từ các hoạt động tái cấu trúc trong  quý IV/2018 để có thể hoàn thành mục tiêu lợi nhuận.

Tin bài liên quan