Ông Nirukt Sapru.
Là người có nhiều kinh nghiệm trên thương trường quốc tế, ông có nhận định gì về sự phát triển của Fintech tại Việt Nam?
Việt Nam đang dần bắt kịp với các quốc gia khác trong khu vực, nơi mà Fintech đã và đang phát triển nhanh chóng. Ngày càng có nhiều các công ty Fintech gia nhập thị trường trong những năm gần đây, đặc biệt là trong lĩnh vực thanh toán di động và đã ghi nhận nhiều bước phát triển mạnh mẽ.
Dịch vụ cho vay ngang hàng và các công nghệ thanh toán khác cũng bắt đầu được giới thiệu đến Việt Nam. Với thế mạnh về dân số trẻ, am hiểu công nghệ và sự thâm nhập sâu rộng của Internet và điện thoại di động, Việt Nam mang đến triển vọng tươi sáng cho sự phát triển của Fintech và chúng tôi kỳ vọng lĩnh vực này sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới đây đã thành lập Ban Chỉ đạo về công nghệ tài chính (Fintech) với nhiệm vụ đề xuất khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech hoạt động và phát triển, đồng thời tham mưu, đề xuất các giải pháp, chiến lược và kế hoạch để phát triển Fintech tại Việt Nam. Chúng tôi hoan nghênh động thái tích cực này và tin rằng, điều này sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực Fintech.
Theo ông, Fintech đã thay đổi bức tranh của ngành ngân hàng như thế nào?
Trước sự lớn mạnh của Fintech, các ngân hàng buộc phải liên tục đổi mới sáng tạo hoặc sẽ bị tụt lại phía sau. Có thể thấy, lĩnh vực ngân hàng trong nước đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ và nhanh chóng, trong đó yếu tố công nghệ là tâm điểm.
Là một loại hình dịch vụ về cơ bản có thể được “số hoá”, thông qua việc áp dụng công nghệ một cách sáng tạo, ngân hàng có thể giảm thiểu chi phí, cải thiện chất lượng và thời gian cung cấp dịch vụ, đồng thời mang đến cho khách hàng những trải nghiệm vượt trội.
Mặt khác, khách hàng luôn mong muốn nhận được các dịch vụ ngân hàng an toàn và thuận tiện ở mọi lúc, mọi nơi. Những yếu tố này đang đẩy các ngân hàng vào một cuộc đua cải tiến và cung cấp các dịch vụ tốt hơn, an toàn và thuận tiện hơn. Điều này mang đến lợi ích cho cả ngân hàng, khách hàng và sự phát triển của ngành ngân hàng nói chung.
Ngân hàng và các công ty Fintech nên thiết lập mối quan hệ như thế nào, theo ông?
Các ngân hàng đều đã nhận thức được đầy đủ những tác động ngày càng gia tăng của các khái niệm và ý tưởng công nghệ mới, cũng như sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Fintech.
Họ phải đứng trước hai lựa chọn: chờ đợi để hứng chịu những ảnh hưởng của Fintech hoặc nắm bắt lối tư duy mới và tạo ra những sản phẩm tốt hơn thông qua sự kết hợp giữa đổi mới từ bên trong và hợp tác có chọn lọc với các công ty Fintech.
Một số ngân hàng, trong đó có Standard Chartered, đã chọn cách thứ hai và hợp tác với các công ty Fintech, qua đó tạo nên những mô hình mang lại lợi ích cho tất cả các bên gồm ngân hàng, đối tác và đặc biệt là khách hàng. Tôi cho rằng đây là hướng đi đúng đắn.
Mặc dù Fintech có vẻ là mối đe dọa đối với các ngân hàng, nhưng thực tế, đây lại là lĩnh vực mà các ngân hàng cần phải hợp tác để mang đến cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất. Việc các dịch vụ Fintech hoạt động mà không cần đến sự hỗ trợ của ngân hàng khó có thể xảy ra, do đó, đây là một khía cạnh các ngân hàng cần chú ý và khai thác.
Ông có thể chia sẻ thực tế hiện nay, Standard Chartered Việt Nam đã tích hợp Fintech trong hoạt động kinh doanh của mình như thế nào để mang lại lợi ích cho khách hàng?
Chúng tôi luôn tích cực và chủ động nắm bắt các cơ hội để phát triển và đón đầu xu hướng trong bối cảnh lĩnh vực tài chính đang thay đổi không ngừng. Tại Việt Nam, chúng tôi là ngân hàng đầu tiên triển khai dịch vụ thu tiền và thanh toán điện tử thông qua ví di động Straight2Bank cho các khách hàng doanh nghiệp. Dịch vụ này được thực hiện với sự hợp tác của MoMo, ví di động do công ty M_Service vận hành.
Ví điện tử Straight2Bank thay đổi cách thức khách hàng thực hiện giao dịch bằng cách số hóa các giao dịch tiền mặt, đồng thời, thúc đẩy việc phổ cập dịch vụ tài chính.
Giải pháp này giúp khách hàng tiếp cập với không chỉ những đối tượng đã sử dụng dịch vụ ngân hàng mà cả những đối tượng có ít hoặc không có cơ hội tiếp cận các kênh tài chính chính thức.
Không có sự gián đoạn nào trong quá trình xử lý và không có tiền mặt trong giao dịch. Đây là một giải pháp an toàn, hiệu quả về chi phí và có tốc độ chuyển tiền nhanh chóng.