Định hình lại kỳ vọng của khách hàng
Những ứng dụng phổ biến nhất của Fintech là các ứng dụng thanh toán (online payment), ví điện tử (digital wallet), cho vay tiêu dùng (personal finance), các ứng dụng kết nối người vay và cho vay (peer to peer lending, crowd funding) và gần đây là những ứng dụng trên blockchain (như bitcoin) và AI (trí tuệ nhân tạo).
Ở Việt Nam, Fintech thường gắn liền với startup. So với các nước trong khu vực thì quy mô của ngành Fintech vẫn còn khá nhỏ và theo thống kê, hiện có khoảng gần 50 công ty startup trong lĩnh vực Fintech, trong đó cung cấp chủ yếu là các dịch vụ thanh toán trực tuyến. Ngoài ra, sự tham gia vào thị trường thanh toán trực tuyến gần đây của Samsung Pay và Zalo Pay hứa hẹn sẽ mang đến nhiều dịch vụ và trải nghiệm mới cho người dùng.
Các ngân hàng và các tổ chức tài chính cũng đã nhận thức được tầm quan trọng mà Fintech mang lại và đã có những đầu tư nhất định nhằm thay đổi cách thức truyền thống phục vụ khách hàng của mình. Điển hình như Timo đang được VPBank khẳng định là một ứng dụng ngân hàng số (digital bank) đầu tiên ở Việt Nam, cung cấp các dịch vụ chuyển tiền, thanh toán hóa đơn…
Không ai có thể phủ nhận rằng, Fintech đã và đang định hình lại hành vi lẫn kỳ vọng về dịch vụ của khách hàng. Mọi người ngày càng kỳ vọng những giá trị to lớn và khác biệt mà Fintech sẽ mang đến cho thị trường tài chính.
Chính vì vậy, các nhà băng và tổ chức tài chính đầu tư vào Fintech càng nhiều hơn, các Fintech startup cũng thu hút được sự quan tâm và đầu tư mạnh tay từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Cụ thể, năm 2016, Standard Chartered và Goldman Sachs đã đầu tư vào MoMo đến 28 triệu USD, NTT Data mua lại Payoo.
Bà Trần Thị Phương Hồng, Phó tổng giám đốc kinh doanh CMC SI Saigon.
Điều khiến Fintech trở thành một mô hình kinh doanh mới hấp dẫn hơn trong tương lai đó chính là việc lấy lợi ích của khách hàng làm trọng tâm trong mô hình hoạt động kinh doanh mới của mình.
Những ngân hàng truyền thống cần phải nhận thức đúng đắn lợi ích từ mô hình mới này để chấp nhận một cuộc chơi mang tính đột phá, mặc dù có thể suy giảm lợi nhuận ngắn hạn nhưng sẽ tạo ra một lợi thế cạnh tranh dài hạn và đảm bảo vị trí của nhà băng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Đối diện thách thức
Dù có môi trường nhiều thuận lợi để phát triển, nhưng các công ty Fintech cũng phải đối mặt với một số thách thức nhất định.
Thứ nhất là quy định pháp luật. Thực tế, các quy định và chính sách sẽ ảnh hưởng đáng kể đến thành công của doanh nghiệp mới, đặc biệt là các Fintech khởi nghiệp trong giai đoạn đầu, tạo gánh nặng về chi phí khi đưa sản phẩm, dịch vụ ra thị trường. Ví dụ quy định của Ngân hàng Nhà nước bắt buộc tài khoản ví phải tương ứng với 1 tài khoản tiền gửi đã gây ảnh hưởng lớn đến những Fintech muốn xây dựng sản phẩm ví.
Thời gian gần đây đã có những động thái tích cực từ Ngân hàng Nhà nước về việc thành lập Ban dự án (bao gồm đại diện Ngân hàng Nhà nước và NAPAS) nghiên cứu và xây dựng nền tảng pháp lý, cũng như những quy định và hướng dẫn nhằm thúc đẩy và phát triển hơn các doanh nghiệp Fintech, cũng như các sáng kiến mới trong lĩnh vực này, tuy nhiên, trong ngắn hạn, các quy định pháp luật vẫn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới Fintech.
Thứ hai là vấn đề nguồn vốn. Doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung và Fintech startup nói riêng thường gặp khó khăn về nguồn vốn để duy trì hoạt động của mình, đặc biệt là các Fintech vừa khởi nghiệp sẽ gặp nhiều thử thách để có đủ dòng tiền mặt duy trì hoạt động.
Mặc dù các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng đang tìm kiếm cơ hội để đầu tư, nhưng việc đánh giá và nhận được đầu tư là không dễ dàng, chưa kể, Fintech startup càng khó khăn hơn trong kêu gọi vốn khi chưa có sản phẩm hình thành tương đối hoàn chỉnh.
Thứ ba, vấn đề chấp nhận áp dụng công nghệ mới. Ngân hàng và các tổ chức tài chính đang hoạt động dựa trên các nền tảng công nghệ cũ, mặc dù việc áp dụng các ứng dụng Fintech được chứng minh sẽ mang lại những lợi ích ưu việt, nhưng để thuyết phục nhà băng chuyển đổi từ công nghệ và mô hình cũ sang công nghệ mới có tính đột phá hoặc mô hình mới vẫn còn nhiều trở ngại.
Việc này đòi hỏi sự ủng hộ không chỉ từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước mà cả lãnh đạo của các ngân hàng phải tiên phong dẫn đầu trong việc đẩy mạnh áp dụng Fintech.
Thứ tư, văn hóa dùng tiền mặt. Tại Việt Nam, mặc dù có số lượng người sử dụng điện thoại thông minh và thiết bị di động rất cao nhưng tỷ lệ tham gia thanh toán không bằng tiền mặt rất thấp. Thói quen dùng tiền mặt đã ảnh hưởng đáng kể và là một lực cản cho Fintech, đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán di động (mobile payment hay digital payment).
Sẵn sàng hợp tác
Vậy, cơ hội nào cho sự kết nối giữa Fintech startup với ngân hàng và các tổ chức tài chính?
Thực tế rằng từ nhiều năm trước, ngân hàng và các tổ chức tài chính truyền thống hoàn toàn nằm ngoài xu hướng của Fintech với lo ngại rằng, Fintech sẽ đe dọa đến vị thế độc quyền và lợi nhuận mang lại từ các hoạt động dịch vụ của ngân hàng, cho vay và đầu tư.
Tuy nhiên, xu hướng phát triển của công nghệ và sự tồn tại không thể thiếu cũng như mức độ chấp nhận các ứng dụng Fintech đã đẩy mối liên kết giữa ngân hàng và các Fintech startup lại gần nhau hơn. Sự kết hợp này không chỉ mang lại lợi ích cho cả 2 bên, mà còn mang lại lợi ích cho cả khách hàng của mình thông qua việc có thể sử dụng các dịch vụ tài chính hữu hiệu và linh hoạt.
So với ngân hàng thì các doanh nghiệp Fintech startup có lợi thế tuyệt đối trong việc áp dụng công nghệ mới nhanh chóng và cực kỳ hiệu quả, điển hình là việc áp dụng các nền tảng công nghệ mới như blockchain hay machine learning (sự nhận thức, học hỏi của máy móc), cho vay trực tuyến và phòng chống gian lận dựa trên công nghệ AI. Trong khi đó, để tồn tại và phát triển, các startup này cần được tiếp cận với nguồn vốn, quy mô mạng lưới, thông tin khách hàng và hỗ trợ pháp lý từ ngân hàng.
Với cách thức như vậy, ngân hàng có thể hỗ trợ và tham gia vào từng khâu khác nhau để giúp các Fintech startup thực hiện được những sáng tạo của mình. Điều này đã chứng minh qua việc gia tăng đầu tư, mua lại, sáp nhập hoặc liên kết giữa ngân hàng và các Fintech startup trên thế giới, cũng như tại Việt Nam. Chẳng hạn, MoMo nhận được đầu tư từ Standard Chartered và Goldman Sachs, MoCa nhận được sự chấp thuận thanh toán từ 8 ngân hàng trong nước.
Việc kết hợp này về phía Fintech startup còn có lợi ích là nhanh chóng tiếp cận được lượng khách hàng có sẵn của ngân hàng, thời gian đưa dịch vụ hoặc sản phẩm tài chính đến người dùng nhanh chóng hơn. Sự kết hợp này là xu hướng thiết yếu và trong bức tranh ngày càng phức tạp của lĩnh vực tài chính ngân hàng, mỗi bên đều cần nhau để tạo ra sản phẩm dịch vụ đột phá, theo kịp xu hướng và nhu cầu ngày càng thay đổi của khách hàng.
Tại Việt Nam, mặc dù các ngân hàng đang khá chậm trễ trong việc ứng dụng Fintech, nhưng trong một tương lai rất gần, xu hướng đầu tư hoặc liên kết với các doanh nghiệp Fintech là không thể tránh khỏi. Vì nếu không, chính các ngân hàng đã và đang tạo ra những đối thủ cạnh tranh ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của mình.