Luật Chứng khoán hiện hành đã tạo ra bước tiến mới cho thị trường khi quy mô vốn hóa hiện đã đạt trên 80% GDP, số lượng doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch lên tới hàng nghìn, có hàng triệu tài khoản nhà đầu tư được mở... Ðó là những con số đáng khích lệ.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn lại, trong vòng 5-10 năm trở lại đây, chứng khoán Việt Nam có gì mới?
Thực tế, các công ty chứng khoán vẫn loanh quanh ở danh mục sản phẩm na ná nhau, nguồn thu chủ yếu từ môi giới, tư vấn và cho vay ký quỹ. Hầu hết các doanh nghiệp niêm yết thì không thu hút được nhà đầu tư mới nên hầu như không huy động được vốn mới.
Còn thị trường, mặc dù chỉ số VN-Index đã tăng mạnh trở lại, có những thời điểm vượt kỷ lục cũ từng thiết lập hơn 10 năm trước, nhưng độ lệch, phụ thuộc vào vài mã lớn lại càng lớn, khiến cho nhiều mã còn lại rơi vào quên lãng.
Có rất ít những câu chuyện thành công được kể trên thị trường, khiến cho việc thu hút nhà đầu tư rất khó khăn, mong muốn chính của nhiều doanh nghiệp tham gia TTCK là huy động vốn, là thanh khoản... chưa được thể hiện rõ ràng.
Người ta kỳ vọng về sức bật mới của TTCK với thế hệ luật mới, với tư duy mở để tạo ra những không gian sáng tạo và chủ động cho các chủ thể tham gia thị trường, với nó họ có thể tìm kiếm các đại dương xanh dễ dàng hơn, với nó thị trường sẽ có những bước đột phá, để trở nên hấp dẫn, thu hút nhiều nhà đầu tư và trở thành kênh dẫn vốn cho nhiều doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Luật mới được xây dựng trên nền tảng sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán hiện hành, không có nhiều điểm mới đột phá, thậm chí có những điểm thắt chặt hơn, phòng thủ hơn.
Thị trường chứng khoán cần hướng đến đại chúng, cần góp sức thu hút đồng vốn ngủ yên dưới gối ném vào sản xuất - kinh doanh.
Muốn vậy, chắc chắn nó phải trở nên hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư, phải sôi động và trở thành một ám ảnh lựa chọn của nhiều người có tiền nhàn rỗi. Thị trường càng đại chúng, việc thao túng, bóp méo chỉ số càng khó hơn.
Nhưng chỉ có những tư duy mở và những hành động quyết liệt, bắt đầu từ cách thiết lập luật chơi của những nhà tạo lập chính sách, mới kỳ vọng tạo ra sự thay đổi.
Chẳng nói đâu xa, câu chuyện nhà đầu tư chứng khoán cơ sở chịu lỗ vẫn phải nộp thuế chưa hề nhúc nhích. Gần đây, tư duy tận thu còn tiếp tục mở rộng hơn với những sản phẩm còn “trứng nước” trên thị trường như chứng khoán phái sinh.
Hiện mỗi hợp đồng tương lai bất kể lỗ lãi, nhà đầu tư phải trả nhiều khoản như phí môi giới, phí giao dịch, phí quản lý vị thế, thuế thu nhập.
Bên cạnh đó là khoản phí quản lý tài sản ký quỹ không ít hơn 400.000 đồng/tháng, dù số dư chỉ là 1 đồng.
Với số tiền ký quỹ lớn, nhà đầu tư phải nộp mức phí cao hơn, nhưng tối đa 2 triệu đồng; tiền ký quỹ nhiều bao nhiêu và không sử dụng cũng không được hưởng lãi (dù chỉ là lãi suất không kỳ hạn như các ngân hàng).
Theo tính toán của nhiều nhà đầu tư, phí và thuế “ăn” hết một nửa nếu họ kiếm được lãi, còn lỗ thì giá trị tài khoản giảm càng mạnh.
Chưa có thống kê số nhà đầu tư chơi chứng khoán phái sinh lỗ lãi ra sao, nhưng phần lớn đều chia sẻ mình lỗ. Lỗ mà vẫn phải nộp nhiều loại thuế phí, chính sách không hỗ trợ sẽ làm nản lòng nhà đầu tư.