Một nguồn tiền lớn của các nhà đầu tư đang để trong tài khoản chứng khoán

Một nguồn tiền lớn của các nhà đầu tư đang để trong tài khoản chứng khoán

Chờ điểm mua tiềm năng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết quả kinh doanh khả quan của nhiều doanh nghiệp trong quý I/2024 đã giúp định giá P/E hấp dẫn hơn, trong khi triển vọng lợi nhuận cả năm hồi phục mạnh. Theo đó, nếu VN-Index điều chỉnh về các vùng hỗ trợ sẽ mở ra cơ hội mua mới và gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.

Số lượng tài khoản mới giảm theo VN-Index

Thị trường chứng khoán liên tục ghi nhận số tài khoản mở mới trên 100.000/tháng, nhưng trong tháng 4/2024, lượng tài khoản mới ở mức thấp nhất 4 tháng qua, trong bối cảnh VN-Index giảm 5,7%, xuống 1.209,52 điểm, chấm dứt chuỗi 5 tháng tăng liên tiếp trước đó.

Thanh khoản giao dịch trên HOSE cũng giảm trong tháng 4/2024, khi bình quân đạt hơn 843 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị 21.374 tỷ đồng/phiên, lần lượt giảm 16,3% và 19,3% so với tháng liền trước. Khối nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng, với giá trị 3.211 tỷ đồng trong tổng giá trị giao dịch 89.397 tỷ đồng của khối này (chiếm hơn 11% thanh khoản toàn sàn).

Theo dữ liệu từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước tăng thêm 110.761 trong tháng 4/2024 (trong đó có 139 tài khoản của nhà đầu tư tổ chức). Luỹ kế 4 tháng đầu năm 2024, số lượng tài khoản chứng khoán tăng hơn 500.000, đạt trên 7,7 triệu, tương đương 7,7% dân số.

Tại nhiều công ty chứng khoán, cuộc đua mở rộng tệp khách hàng cá nhân, khách hàng mới vẫn đang rất sôi động. Nhiều công ty đề ra KPI (chỉ tiêu) về mở tài khoản cho nhân viên, nếu vượt sẽ được thưởng, hướng đến đối tượng khách hàng trẻ, khách hàng có thu nhập trung bình khá. Tuy nhiên, lượng tiền mới bỏ vào các tài khoản này chưa nhiều.

Với các tài khoản hiện hữu và còn sức mua (còn tiền mặt), nhà đầu tư vẫn thực hiện giao dịch thường xuyên; riêng các tài khoản bị “kẹp hàng” (lỗ) do không kịp bán lúc thị trường giảm sâu thì chủ yếu “nằm im chờ về bờ”.

Một con số thống kê đáng chú ý là kết thúc quý I/2024, số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán tăng lên đáng kể, đạt hơn 104.000 tỷ đồng, tiệm cận mức đỉnh lịch sử quý I/2022 (VN-Index khi đó đạt 1.500 điểm).

Trong khi đó, dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) của các công ty chứng khoán tính đến cuối quý I/2024 tăng 11% so với cuối năm 2023, lập đỉnh mới về dư nợ. Mặc dù vậy, tỷ lệ cho vay trên vốn chủ sở hữu tại các công ty chứng khoán có mức tăng ít hơn, từ 75% lên 79%, cách xa tỷ lệ 121% ở giai đoạn đỉnh điểm quý I/2022, phản ánh nguồn cung margin dồi dào sau khi tăng vốn.

Dấu hiệu tích cực là trong tuần giao dịch cuối tháng 4 và nửa đầu tháng 5/2024, VN-Index hồi phục từ dưới 1.180 điểm lên 1.273,11 điểm; thanh khoản bình quân ở mức thấp, nhưng 3 phiên gần nhất có sự cải thiện.

Định giá hấp dẫn hơn

Xu hướng cải thiện kết quả kinh doanh trong năm 2024 sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho thị trường chứng khoán.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2024 dần trôi qua nên động lực thông tin từ phía doanh nghiệp không còn nhiều. Tuy nhiên, sự điều chỉnh của thị trường trong tháng 4 kết hợp với nhiều doanh nghiệp có bức tranh kinh doanh tươi sáng trong quý đầu năm và triển vọng tích cực trong các quý tới đã giúp định giá cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn.

Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, thống kê kết quả kinh doanh quý I/2024 của 397 doanh nghiệp niêm yết trên HOSE cho thấy, tổng lợi nhuận sau thuế tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn kỳ vọng 7%. Với mức giảm 5,9% của VN-Index trong tháng 4, trong khi lợi nhuận tăng trưởng, mặt bằng định giá được đưa về vùng hấp dẫn (PE 13,9 lần so với mức P/E mục tiêu mà VDSC đặt ra từ đầu năm là 15 lần).

Trong các quý còn lại của năm 2024, VDSC kỳ vọng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ở mức 2 chữ số sẽ tiếp diễn nhờ triển vọng của ngành ngân hàng và công nghệ; sự phục hồi biên lợi nhuận của nhiều nhóm ngành, đặc biệt là du lịch và giải trí, với sự đóng góp của nhóm cổ phiếu hàng không; mức nền thấp của cùng kỳ năm trước.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Lam, với dự kiến tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp năm 2024 là trên 17%, định giá VN-Index nói chung và mặt bằng định giá nhiều cổ phiếu nói riêng đang ở mức hợp lý hơn cho việc mua và nắm giữ trung - dài hạn. Trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán tháng 5 dự báo chưa có nhiều thông tin hỗ trợ nên VN-Index có thể sẽ dao động “giằng co” trong biên độ tương đương như tháng 4.

Cụ thể, VN-Index có thể sẽ dao động từ 1.165 - 1.280 điểm trong tháng 5. Tuy nhiên, nếu tâm lý giao dịch của thị trường tích cực có thể đưa chỉ số về vùng đỉnh của năm 2024. Trường hợp dữ liệu vĩ mô gây thất vọng, ảnh hưởng đến kịch bản cắt giảm lãi suất, hoặc có những “cơn gió ngược” bất ngờ, có thể sẽ kích hoạt trạng thái điều chỉnh của thị trường.

VDSC cho rằng, cơ hội tái cấu trúc danh mục cũng như giảm giá vốn danh mục đầu tư luôn xuất hiện tại những điểm thấp và điểm cao của thị trường. Những thời điểm thị trường đi xuống trong tháng 5/2024 sẽ là điểm mua tiềm năng đối với cả nhà đầu trung - dài hạn và nhà đầu tư ưa thích giao dịch.

Đồng quan điểm, chuyên gia Công ty Chứng khoán Mirae Asset nhìn nhận, nhịp điều chỉnh trong tháng 4 là một sự tái cân bằng cần thiết sau 5 tháng tăng điểm liên tiếp, phù hợp với nhận định trước đó về khả năng thị trường sẽ điều chỉnh, nhất là nhóm ngân hàng. Dù vậy, triển vọng của VN-Index trong trung hạn vẫn lạc quan.

Thứ nhất, đợt giảm trong tháng 4 đã làm giảm định giá của các chỉ số chính, bao gồm VN-Index, VN30 và VN70, đưa định giá trở lại trạng thái cân bằng hơn khi so sánh với tỷ lệ P/E trong 10 năm gần nhất.

Thứ hai, kết quả kinh doanh quý I/2024 của các doanh nghiệp nhìn chung là khả quan, tổng lợi nhuận sau thuế và lợi ích cổ đông thiểu số tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, tăng 17% so với quý IV năm trước, giúp VN-Index phục hồi lên quanh ngưỡng 1.250 điểm.

Thứ ba, trong khi áp lực bán hạ nhiệt thì lực cầu được củng cố quanh vùng 1.160 - 1.180 điểm, đặt nền móng cho một xu hướng tăng tiềm năng trong tương lai gần.

Tương tự, Công ty Chứng khoán VNDIRECT dự báo, xu hướng cải thiện kết quả kinh doanh trong năm 2024 sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho thị trường chứng khoán (P/E của VN-Index năm 2024 dự kiến ở mức 11,9 lần). Lợi nhuận toàn thị trường (hơn 955 doanh nghiệp trên 3 sàn, chiếm 95,3% tổng vốn hóa thị trường) trong quý I/2024 tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2023, mức tăng trưởng cả năm có thể đạt 16 - 18%. Theo đó, nếu VN-Index điều chỉnh về các vùng hỗ trợ sẽ mở ra cơ hội gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Các vùng hỗ trợ của VN-Index là mốc tâm lý 1.200 điểm và vùng hỗ trợ mạnh quanh 1.170 điểm.

Tin bài liên quan