Chờ cuộc “đại phẫu” HoSE

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch FPT IS Dương Dũng Triều tự tin với việc xử lý nghẽn lệnh tại HoSE, nếu phương án xử lý và kinh phí cho dự án này được thông qua.

Chốt phương án

“Phương án được chốt”, theo ông Dương Dũng Triều, là phương án đang chờ Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Tại cuộc họp với Tập đoàn FPT ngày 9/3/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đồng tình với phương án FPT nêu ra vì cũng trùng với trong một trong 3 phương án ngành chứng khoán trình Bộ Tài chính trước đó. Tuy nhiên, Bộ trưởng phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý tình trạng nghẽn lệnh này.

Hiện tại, đã hơn 10 ngày trôi qua, thị trường chưa nhận được thông tin mới về việc Chính phủ đồng thuận hay không với phương án gỡ nghẽn mà Bộ Tài chính trình lên. HoSE vẫn đang tiếp tục các hoạt động kết nối để đi đến kiểm thử lần đầu hệ thống công nghệ do nhà thầu Hàn Quốc xây dựng (KRX). Cùng với đó, giải pháp trước mắt cho tình trạng nghẽn lệnh là HoSE ra các quyết định chấp thuận cho doanh nghiệp chuyển cổ phiếu sang sàn HNX khi có đủ hồ sơ.

Giờ không phải là lúc chúng ta chờ nhau và tìm các lời giải thích cho quá khứ, mà cần sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sự đồng lòng của hai sở và các đội ngũ chuyên gia giỏi nhất của thị trường để sớm có phương án xử lý triệt để việc nghẽn tải.

Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Công ty Chứng khoán VNDirect

Chia sẻ về giải pháp FPT nêu ra, lãnh đạo HoSE cho biết, HoSE đã đưa đầu bài cho FPT nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và nếu được thực hiện, nó giống như cuộc “đại phẫu” để tạo ra một hệ thống công nghệ có công năng sử dụng cao hơn. Giải pháp của FPT xử lý câu chuyện công nghệ ở quy mô của HoSE, chứ không mang tính tổng thể, kết nối công nghệ cho toàn thị trường như dự án KRX.

HoSE đã báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính các vấn đề trên thị trường theo thẩm quyền, trong đó có tác động, thay đổi hiện trạng công nghệ tại HoSE.

Tình trạng nghẽn lệnh gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hàng vạn nhà đầu tư và đã diễn ra gần 4 tháng. Dư luận không ngớt lời chỉ trích, đặt câu hỏi về trách nhiệm nhà quản lý ở đâu. Nhưng sau những ức chế tâm lý, nhiều người dần chuyển sang ngạc nhiên trước thực trạng kín tiếng của lãnh đạo HoSE cũng như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Không có một phát ngôn chính thống, rõ ràng nào về giải pháp cho tình trạng nghẽn lệnh được đưa ra, ngoài việc ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc HoSE thông tin về một vài ý tưởng mang tính gợi mở, như nâng lô lên 1.000 cổ phiếu hay không cho phép hủy, sửa lệnh và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng mới chỉ có hướng dẫn xử lý hồ sơ chuyển sàn giao dịch.

Chuyển sàn có lợi cho cổ đông và giảm áp lực cho HoSE

Vì sao HoSE cũng như Ủy ban Chứng khoán không công bố giải pháp và thực thi sớm các giải pháp để giảm căng thẳng cho tình trạng nghẽn lệnh? Câu hỏi này được nhiều nhà đầu tư và công ty chứng khoán đặt ra với cơ quan quản lý thị trường chứng khoán, nhưng cơ quan này dường như “lực bất tòng tâm”.

Bởi theo quy định của Luật Chứng khoán, trường hợp có biến động lớn ảnh hưởng đến an ninh, an toàn thị trường chứng khoán, thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải kịp thời báo cáo Bộ Tài chính, đồng thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tình hình thị trường, các giải pháp để ổn định thị trường và bảo đảm an ninh, an toàn tài chính.

Với nhiệm vụ chính là quản lý thị trường, đốc thúc các công việc liên quan và… báo cáo, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không có thực quyền để chủ động ra các giải pháp, xử lý kịp thời các vấn đề trên thị trường. Quý I/2020, khi Covid-19 bùng phát, chỉ số chứng khoán Việt Nam rơi sâu xuống 650 điểm.

Ngành chứng khoán cũng chỉ có cách ứng phó bằng việc giảm thủ tục soát hồ sơ của các doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ từ 7 ngày xuống 1 ngày và giảm phí giao dịch. Tuy nhiên, cả 2 giải pháp vẫn phải… chờ sự đồng thuận của Bộ Tài chính mới có thể triển khai.

Ở vị thế một cơ quan quản lý nhà nước thuộc bộ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không có quyền ban hành văn bản pháp quy và cũng không trực tiếp quản lý về nhân sự, tài chính với 3 tổ chức vận hành thị trường chứng khoán là HoSE, HNX, VSD (Trung tâm Lưu ký chứng khoán).

Do địa vị pháp lý (đã được luật hóa), cách thức tổ chức ngành chứng khoán Việt Nam khác với các nước trên thế giới, nên khi đối diện với tình trạng nghẽn lệnh, dư luận như có 2 cách phản ứng khác biệt. Một bên hiểu rõ vị thế ngành chứng khoán, nên… im lặng; một bên bức xúc khi thấy ngành chứng khoán không quyết liệt đưa ra giải pháp.

Chính vì vậy, khi tình trạng nghẽn lệnh xảy ra, trong khi chờ Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giải pháp “đại phẫu” hệ thống giao dịch tại HoSE của FPT, thì từ thị trường, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, nghẽn lệnh là cơ hội để người Việt Nam cùng hợp sức lại, xây một nền tảng công nghệ chủ động cho thị trường.

Trong khi chờ giải pháp cuối cùng, theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), việc tồn tại 2 sàn hiện nay chỉ là trong giai đoạn quá độ trước khi tái cấu trúc toàn thị trường, thống nhất 2 sàn giao dịch làm một sàn duy nhất. “Vì vậy, mong các doanh nghiệp nghĩ thoáng hơn về việc chuyển sàn giao dịch cổ phiếu, góp sức giảm nghẽn cho hệ thống nhập lệnh hiện nay”, bà Bình nhấn mạnh.

Tin bài liên quan