“Viên kim cương” REE
Trung tuần tháng 8, Platinum Victory PTE, công ty đầu tư thuộc Jardine Cycle & Carriage (Singapore) gửi đề nghị chào mua công khai 31,3 triệu cổ phiếu REE của Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REECorp) với giá 45.000 đồng/cổ phiếu. Ngoài khối lượng mua “khủng”, tương đương hơn 10% vốn, giá mua mà nhà đầu tư Singapore đưa ra cao hơn 18% so với thị giá và là mức cao kỷ lục kể từ khi cổ phiếu này niêm yết tới nay (tính theo giá đã điều chỉnh).
Quyết định trên là động thái tiếp theo sau khi Platinum Victory PTE năm lần bảy lượt đăng ký mua trên sàn, mỗi lần hơn 300.000 cổ phiếu, mà bất thành. Mức đỉnh về giá trên sở dĩ mới chỉ ở dạng tiềm năng là vì, dù chào mua công khai giá cao, nhưng chưa chắc có nhà đầu tư ngoại nào sẵn sàng “nhả” bán.
Hiếm và ngày càng quý hơn nhờ là cổ phiếu của doanh nghiệp đầu ngành với loạt công ty năng lượng đang mở rộng sở hữu, REE là một “viên kim cương” trong rổ hàng ngàn cổ phiếu giao dịch trên sàn. Không riêng REE, nhiều cổ phiếu cạn room khác cũng được săn lùng.
Chẳng hạn, hơn 60,5 triệu cổ phiếu GMD của Công ty cổ phần Gemadept (thuộc sở hữu của VI Group) đã được sang tên chớp nhoáng cho nhà đầu tư khác, ngay sau ngày được phép bán cổ phiếu. Mức giá lô cổ phiếu này không được tiết lộ, nhưng nhiều khả năng không rẻ hơn lô lẻ giao dịch trên thị trường.
Số lượng cổ phiếu cạn room: Không giảm mà còn tăng
Với kỳ vọng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa được nới từ 49% lên 100%, thị trường chứng khoán đã dậy sóng ngay từ khi Ủy ban Chứng khoán nhà nước lấy ý kiến về dự thảo quy định mới hồi tháng 3/2015. Nghị định 60/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán ban hành tháng 6/2015 và được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư 123/2015/TT-BTC ra đời sau đó 2 tháng cho phép linh hoạt tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa, thay vì cố định ở mức 49% hay 30% đối với ngành ngân hàng.
Cụ thể, không kể trường hợp theo quy định điều ước quốc tế, theo quy định riêng của ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà pháp luật hoặc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chưa có quy định cụ thể áp mức trần 49%, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty khác sẽ không bị hạn chế, trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác.
Sau gần 5 năm kể từ khi quy định trên được ban hành, có khoảng 30 doanh nghiệp niêm yết đã nâng trần sở hữu nước ngoài lên 100%, nhưng cũng khá nhiều doanh nghiệp phải giảm room ngoại. Nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp hoãn nới room ngoại là do “vướng” danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)
Tại Phiên họp thứ 37 đang diễn ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Dự kiến, Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp vào tháng 10 tới sau khi được lấy ý kiến ở Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV trước đó. Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), theo kế hoạch, sẽ trình lấy ý kiến ở Kỳ họp thứ 8 và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 năm sau.
Cụ thể, Vinamilk phải bỏ 7 ngành nghề trong đăng ký kinh doanh thì mới có thể nâng room ngoại lên 100% từ tháng 7/2016. Nhiều doanh nghiệp trong tình cảnh tương tự như Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM), Công ty cổ phần Địa ốc Hòa Bình (HBC)...
Ngoài ra, khoảng 40 doanh nghiệp trên sàn không được phép có sở hữu ngoại như Công ty cổ phần Dược Việt Nam (DVN) do doanh nghiệp nước ngoài không có quyền phân phối dược, hay Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình (QBS) có giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất thực phẩm đông lạnh, nên cũng chốt room ngoại 0%.
Lý do giảm room ngoại có khi cũng chỉ là ĐHĐCĐ “biểu quyết chấp thuận” mức trần này và ghi nhận trong điều lệ công ty như trường hợp của Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 (TV2). Ở trường hợp của REECorp, lãnh đạo doanh nghiệp này thừa nhận, chưa có ý định thêm nguồn tiền mới. Hơn nữa, Công ty sẽ bị hạn chế khi đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng điện, nước, nếu sở hữu ngoại vượt 51%.
Một số ngân hàng cũng giữ room ngoại như “của để dành” phục vụ các đợt tăng vốn nhắm đến bên mua là nhà đầu tư ngoại. Chẳng hạn, MBBank vẫn giữ khoảng room ngoại 10% nhiều năm nay. Theo ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MBBank, ngân hàng này đang tìm cách bán 7,5% vốn cho người mua mục tiêu là khối ngoại trong năm nay.
Chờ cú hích mới
Khi các cổ phiếu “quý” không dễ tiếp cận với người muốn mua, “kim cương” cũng là tên gọi rổ cổ phiếu VN Diamond Index mà Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM vừa ban hành quy chế thành lập. Một trong những tiêu chí quan trọng nhất là phần sở hữu còn lại nhà đầu tư nước ngoài được phép mua.
Tương tự Chỉ số VN30, “bó đũa” gồm các cổ phiếu quý và hiếm cũng có thể trở thành chỉ số cơ sở để xây dựng danh mục đầu tư cho quỹ hoán đổi danh mục (ETF). Đây sẽ là một kênh đầu tư để đặt cược vào sự tăng/giảm giá của nhóm cổ phiếu gần cạn room ngoại.
Tuy nhiên, việc khối ngoại đầu tư vào rổ chỉ số này cũng sẽ phải chịu hạn chế. Lý do là, theo Điều 3, Thông tư 123/2015, các giao dịch hoán đổi với quỹ ETF dẫn tới tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với chứng khoán cơ cấu vượt trần, thì các thành viên thị trường sẽ phải bán số chứng khoán cơ cấu, chứng khoán cơ sở vượt tỷ lệ sở hữu nước ngoài và thanh toán bằng tiền cho nhà đầu tư nước ngoài.
Những sửa đổi trong Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp đang được nghiên cứu, xem xét được kỳ vọng tạo ra một cú hích về sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán. Cụ thể, theo Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, Chính phủ sẽ hướng dẫn cụ thể quy định tham gia của nhà đầu tư nước ngoài thay vì quy định chi tiết ngay tại luật này, nhằm triển khai việc mở cửa thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài theo lộ trình.
Tại Dự thảo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi, lần đầu sản phẩm chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) được định danh. Cổ phần phổ thông theo đó được phép lưu ký để phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết. Người sở hữu chứng chỉ này có đầy đủ quyền và nghĩa vụ đối với cổ phần phổ thông tương ứng, trừ quyền biểu quyết.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm 2019, Nhóm công tác thị trường vốn nhận định, NVDR là giải pháp tối ưu, bởi không có phương án nới room nào là hoàn hảo. NVDR là cách làm khả thi vì phù hợp với quy định hiện hành và không phải thay đổi quá nhiều khung pháp lý.
Đặc trưng của NVDR là không thay thế cổ phần, mà chỉ là quy đổi tương đương về lợi ích kinh tế. Sản phẩm mới được kỳ vọng vừa giúp tăng vốn cho công ty mà không hạn chế mục tiêu quản lý nhà nước. Tuy nhiên, từ bước định danh, tức là khi Luật Doanh nghiệp mới được thông qua, đến khi NVDR đi vào thực tế là cả chặng đường. Sớm hành động thì mới có thể sớm tận dụng nguồn lực từ nước ngoài huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp, nhất là khi kênh tín dụng đang dần siết lại.